Theo dự kiến ngày 10-4, TAND TP Cần Thơ sẽ đưa ra xét xử phúc thẩm vụ kiện về bồi thường thiệt hại do văn bản công chứng vô hiệu giữa nguyên đơn là vợ chồng bà LTN và bị đơn là một văn phòng công chứng (VPCC) ở TP Cần Thơ.
Đi kiện vì bỗng dưng thành người bán đất
Theo hồ sơ, vợ chồng bà N có thửa đất gần 500 m2 tại quận Cái Răng, TP Cần Thơ. Ông bà ở xa nên để lại cho con cháu canh tác, giữ gìn.
Năm 2008, bà N thế chấp thửa đất này cho ông T để vay 200 triệu đồng. Hợp đồng vay được công chứng. Sau 30 ngày, bà N không trả được nợ gốc nên ông T đồng ý cho bà trả từ từ. Dần dần, bà đã trả hết nợ gốc và lãi.
Tuy nhiên, bà N phát hiện quyền sử dụng đất của mình đã được sang tên cho ông NQĐ. Hợp đồng chuyển nhượng lập năm 2010 tại VPCC có chữ ký của bà nhưng thực tế bà không ký tên. Chồng bà là đồng sở hữu thửa đất cũng không ký tên trong hợp đồng. Ông bà không biết ông NQĐ là ai. Đáng chú ý là ông Đ đã chuyển nhượng thửa đất cho người khác, rồi thửa đất được sang tên đổi chủ thêm hai lần nữa.
Vợ chồng bà N đi kiện, yêu cầu tòa tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng giữa bà với ông Đ ký năm 2010 cùng các hợp đồng chuyển nhượng sau đó vô hiệu; buộc ông T, ông Đ trả lại giấy chứng nhận.
Các cấp tòa đã tuyên hủy hợp đồng chuyển nhượng giữa bà với ông Đ nhưng cho rằng giao dịch chuyển nhượng đất sau cùng là ngay tình nên phải công nhận… Ông bà N được quyền kiện người có lỗi là ông Đ và văn phòng công chứng hoàn trả giá trị quyền sử dụng đất và bồi thường thiệt hại.
Do đó, vợ chồng bà N tiếp tục khởi kiện vụ án mới, kiện văn phòng công chứng yêu cầu bồi thường hơn 7,4 tỉ đồng.
Có căn cứ kết luận việc công chứng sai quy định
Giai đoạn xét xử sơ thẩm, phía VPCC cho rằng chính bà N đã ký tên trong văn bản công chứng; khi đó có mặt ông Đ, cháu bà N chứng kiến nên không có chuyện giả mạo chữ ký.
Tòa chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện, tuyên buộc văn phòng công chứng bồi thường hơn 7,4 tỉ đồng cho vợ chồng bà N.
Ngoài ra, văn phòng công chứng cũng nêu rằng hai bản án trước đó mà tòa tuyên hợp đồng chuyển nhượng giữa vợ chồng bà N với ông Đ vô hiệu không xác định số tiền bồi thường do lỗi của công chứng viên mà chỉ tuyên tách ra giải quyết thành vụ kiện khác để yêu cầu VPCC và ông Đ bồi thường thiệt hại. Hiện VPCC đã khiếu nại, đề nghị giám đốc thẩm vào khoảng tháng 3, tháng 4-2023, đến nay chưa có văn bản trả lời.
Tháng 9-2023, TAND quận Cái Răng nhận định rằng căn cứ điểm b khoản 1 Điều 92 BLTTDS thì các tình tiết, sự kiện được ghi nhận trong bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật là chứng cứ chứng minh VPCC công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa bà N với ông Đ sai quy định.
Theo tòa, pháp luật bảo vệ quyền lợi cho người nhận chuyển nhượng ngay tình nên không còn căn cứ pháp lý để giao trả thửa đất lại cho vợ chồng bà N.
Do đó, thiệt hại từ việc công chứng hợp đồng sai này sẽ được tính theo giá trị đất để bồi thường. Tuy nhiên, tại thời điểm tòa xử, việc định giá không thực hiện được nên tòa căn cứ vào giá trị đất đã được định giá trong vụ án trước đây để tính thiệt hại và trách nhiệm bồi thường.
Từ đó, tòa chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện, tuyên buộc VPCC bồi thường hơn 7,4 tỉ đồng cho vợ chồng bà N.
VPCC sau đó đã kháng cáo bản án sơ thẩm.
Nguyên đơn có quyền yêu cầu một bên bồi thường
Theo tòa sơ thẩm, do VPCC và ông Đ cùng có lỗi nên có trách nhiệm liên đới bồi thường số tiền này. Căn cứ khoản 1 Điều 288 BLDS 2015 thì vợ chồng bà N có quyền yêu cầu bất cứ ai trong số những người có nghĩa vụ phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ.
Nguyên đơn khởi kiện VPCC mà không kiện ông Đ là thực hiện quyền lựa chọn, định đoạt phù hợp quy định tại Điều 5 BLTTDS và khoản 1 Điều 288 BLDS 2015.