Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa: ‘Một khúc sông Hậu, bốn, năm ông quản lý’

(PLO)- Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa khu vực IV đã nêu nhiều bất cập liên quan giao thông thủy trong khu vực ĐBSCL với đoàn giám sát của Quốc hội khi làm việc tại Cần Thơ.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 12-4, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023 có buổi làm việc với UBND TP Cần Thơ.

Video: Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa: ‘Một khúc sông Hậu, bốn, năm ông quản lý’.
Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa khu vực IV Trần Văn Minh
Ông Trần Văn Minh - Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa khu vực IV phát biểu tại buổi giám sát ngày 12-4. Ảnh: NHẪN NAM

Theo gợi ý của đoàn giám sát là mong muốn được nghe sâu hơn về lĩnh vực giao thông đường thủy, ông Trần Văn Minh - Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa khu vực IV đã nêu nhiều bất cập trong lĩnh vực này.

Cảng vụ đường thủy nội địa khu vực IV là đơn vị trung ương đóng tại địa phương (TP Cần Thơ) quản lý 10 tỉnh, thành tại khu vực ĐBSCL.

Theo ông Minh, hạn chế của ĐBSCL là cảng lớn, tuyến lớn rất yếu, kể cả du lịch cũng yếu. Tuyến sông Hậu đổ ra cửa biển xưa thực chất là luồng thủy nội địa, giờ trên luồng đó hơn 100 bến thủy nội địa, thành luồng hàng hải. Bất cập là chỉ có tàu thủy nội địa là chính, hầu như không có tàu biển nào vào.

Bất cập đầu tiên ông nêu ra là Cảng vụ đường thủy nội địa chỉ quản lý luồng và hành lang luồng. Với những con sông lớn (như sông Hậu, sông Cổ Chiên) thì từ hành lang luồng vào đến bờ hiện không có ai quản lý, gần như bỏ ngỏ, không biết ai cấp phép quản lý bến trên tuyến này.

Vấn đề thứ hai ông Minh nêu ra là “một khúc sông Hậu mà rất nhiều lực lượng quản lý, cuối cùng rất khổ dân”!

“Tôi nói thật, người dân lúc thì kêu lên chỗ này, lúc thì kêu lên chỗ kia, một khúc mà bốn, năm ông quản lý, rất bất cập, mà phần lớn là phương tiện thủy nội địa, không có tàu biển gì cả. Tôi nói có thể đụng chạm nhưng quan điểm cá nhân tôi ai quản lý cũng được, làm sao đẩy mạnh phát triển cho địa phương, người dân bớt khổ, như vậy mới xứng đáng quản lý. Chúng ta ăn lương nhà nước mà chúng ta chả giúp được gì cho dân, cứ đẻ ra cái cản trở dân” – ông Minh nói.

Ông Minh “khẳng định” tuyến sông Hậu trước nay là tuyến thủy nội địa, nay tuyến hàng hải chồng lên, giờ phương tiện vào, một khúc đi theo tín hiệu hàng hải của Luật hàng hải, một khúc đi theo tín hiệu của đường thủy nội địa, rất bất cập!

“Tôi nói ra như vậy biết là sẽ đụng chạm, nhưng tôi thấy cần nói ra để ai quản lý cũng được miễn là có lợi cho dân, cho đất nước, cho sự phát triển của địa phương” – ông Trần Văn Minh - Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa khu vực IV.

Một vấn đề khác ông Minh nêu ra là một quy định tránh việc vừa đá bóng vừa thổi còi. Tức là trước đây Cảng vụ vừa là cơ quan cấp phép bến bãi, vừa là cơ quan đi kiểm tra xử lý. Sau đó luật sửa giao việc cấp phép cho địa phương và nghị định mới nhất thì giao thẩm quyền về tới cấp huyện.

Tuy nhiên hiện nay cấp huyện chưa có đội ngũ để làm việc này, dẫn tới chuyện bến đang có phép thành không phép vì hết phép mà cấp huyện không làm. Ông Minh đề nghị quan tâm vấn đề này không để doanh nghiệp kêu than nữa.

“Các đồng chí cấp cao có vẻ thoáng chứ ở dưới rất chặt, chả biết sao doanh nghiệp cứ kêu hoài… Tôi mong làm sao nói thật, làm thật, tạo điều kiện thật, chứ nói rất hoành tráng mà doanh nghiệp cứ kêu trời lên, nhất là lĩnh vực giao thông thủy, nếu là vai doanh nghiệp thì các đồng chí nghĩ gì” – ông Minh nêu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm