Tổng thư ký Quốc hội vừa có báo cáo tổng hợp ý kiến của các Đại biểu (ĐB) Quốc hội tại phiên thảo luận tổ kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV vừa qua về Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Liên quan đến thời gian làm việc công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan hành chính, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, Bộ LĐ-TB&XH đưa ra hai phương án.
Nhiều ý kiến khác nhau
Phương án 1, bổ sung vào Bộ luật Lao động quy định: “Giao Chính phủ quy định thống nhất thời điểm bắt đầu và kết thúc thời gian làm việc của các cơ quan hành chính trên cả nước”. Thời gian làm việc dự kiến là từ 8 giờ 30 đến 17 giờ 30, nghỉ trưa 60 phút (trừ những đơn vị hoặc bộ phận phải thường trực 24/24 giờ để đảm bảo liên thông công việc hoặc trực tiếp giải quyết công việc với người dân).
Các đại biểu Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi tại phiên thảo luận tổ.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, phương án này giúp thống nhất giờ làm việc cơ quan hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương, phù hợp hơn với thời gian làm việc của các quốc gia.
Phương án 2, giữ nguyên như hiện hành, thời gian làm việc không được quy định trong Bộ luật Lao động mà được quy định tại các văn bản hành chính (Đối với các Bộ do Thủ tướng quyết định, đối với UBND và các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định).
Sau khi lấy ý kiến các ĐB Quốc hội, đa số ý kiến đồng ý phương án 2 giữ nguyên như hiện hành. Một số ý kiến đồng ý phương án 1, bổ sung quy định trong Bộ luật Lao động và “Giao Thủ tướng Chính phủ quy định thống nhất thời điểm bắt đầu và kết thúc thời gian làm việc của các cơ quan hành chính trên cả nước”.
Tuy nhiên, có ý kiến băn khoăn về việc điều chỉnh giờ làm việc hành chính vì từ trước đến nay đang thực hiện tương đối ổn định, việc thay đổi giờ nghỉ trưa rất ít như vậy có phù hợp, đảm bảo được nhịp sinh học của người Việt Nam, bảo đảm được chất lượng công việc hay không?
Có ý kiến đề nghị không nên quy định cụ thể trong Bộ luật mà giao cho Chính phủ quy định thống nhất giờ làm việc của cơ quan hành chính ở Trung ương và cấp tỉnh. UBND cấp tỉnh quy định giờ làm việc của cơ quan hành chính ở cấp huyện và cấp xã thuộc địa phương mình để phù hợp với điều kiện thực tế về kinh tế, khí hậu, điều kiện tự nhiên khác... Có ý kiến cho rằng cần nghiên cứu, xem xét để quy định đổi giờ bắt đầu làm việc muộn hơn.
Có ý kiến lại đề nghị khi quy định về thời gian làm việc của cơ quan hành chính phải tính đến thời gian làm việc của các cơ quan khác như y tế, giáo dục, các trường học.
Tết cần thời gian sum họp với gia đình
Liên quan đến ngày nghỉ Tết Âm lịch, đa số ý kiến đề nghị không chọn phương án 1 (người lao động được nghỉ 5 ngày Tết Âm lịch; nếu ngày nghỉ Tết Âm lịch trùng với ngày nghỉ hàng tuần thì không được nghỉ bù) mà giữ như quy định hiện hành (người lao động được nghỉ 5 ngày Tết Âm lịch; nếu ngày nghỉ Tết âm lịch trùng với ngày nghỉ hàng tuần thì được nghỉ bù vào ngày kế tiếp).
Nguyên nhân, theo các ĐB là để bảo đảm ý nghĩa ngày nghỉ Tết và quyền lợi của của người lao động, phù hợp với thực tế các tỉnh ở khu vực phía Nam và một số khu công nghiệp, vùng kinh tế trọng điểm có số lượng lao động nhập cư lớn, họ rất cần thời gian để về quê sum họp gia đình dịp Tết Âm lịch.
Có ý kiến đề nghị trong trường hợp nghỉ Tết âm lịch dài có thể hoán đổi sang dịp lễ khác. Có ý kiến lại đề nghị nên nghỉ Tết âm lịch 5 ngày, những ngày còn lại sẽ cộng vào dịp nghỉ 30-4 và 1-5 để người lao động có thêm thời gian nghỉ. Có ý kiến đề nghị nếu 5 ngày nghỉ tết trùng vào thứ Bảy, chủ Nhật thì được tính thêm hai ngày nghỉ phép cho cán bộ, công chức.
Có ý kiến cho rằng cần điều tra xã hội học về vấn đề này để có đánh giá đầy đủ hơn và báo cáo Quốc hội.
“Có ý kiến cho rằng việc nghỉ lễ, tết đã được quy định cụ thể, cần thực hiện đúng quy định của Bộ luật Lao động, không nên tiếp tục tình trạng Bộ LĐ-TB&XH trình Chính phủ quyết định hoán đổi ngày nghỉ bù linh hoạt làm kỳ nghỉ dài hơn, khó giải thích với cử tri cũng như khó cho nhà đầu tư, du lịch xếp lịch làm việc…”, văn bản tổng hợp nêu rõ.
Trước đó, tại phiên thảo luận ở hội trường về dự thảo luật này, ĐB Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận), cho rằng về thời gian làm việc của công chức, viên chức nên giữ nguyên như quy định hiện hành. Theo đó, thời gian làm việc không quy định trong Bộ luật Lao động mà được quy định tại các văn bản hành chính. “Bởi vì nội dung này hiện nay đang được ổn định và không gặp vướng mắc trong quá trình thực hiện. Do vậy, đề nghị không đặt vấn đề sửa đổi, bổ sung vấn đề này trong luật…”, nữ ĐB Bình Thuận góp ý. |