Đề xuất của Bộ Công an về thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước

(PLO)- Bộ Công an đề xuất trình tự, thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước trong dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, Bộ Công an hoàn thành dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước. Dự thảo hiện đang lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức và cá nhân.

Trong dự thảo, đề xuất về trình tự, thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước được người dân đặc biệt quan tâm.

img-0761-8547.jpeg
Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-7-2024. Ảnh: HUỲNH THƠ

Trình tự, thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước

Theo đó, tại Điều 19 Dự thảo Nghị định nêu rõ trình tự, thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước như sau:

Công dân đến cơ quan quản lý căn cước đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước, cung cấp thông tin số định danh cá nhân để người tiếp nhận kiểm tra đối chiếu thông tin trong Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư.

Trường hợp công dân đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an thì công dân lựa chọn dịch vụ, kiểm tra thông tin của mình trong CSDL quốc gia về dân cư. Trường hợp thông tin đã chính xác thì đăng ký thời gian, địa điểm đề nghị cấp thẻ căn cước; hệ thống sẽ tự động chuyển đề nghị của công dân về cơ quan công an nơi công dân đề nghị.

Trường hợp thông tin của công dân trong CSDL quốc gia về dân cư chưa có hoặc có sai sót thì công dân mang theo giấy tờ, tài liệu có giá trị pháp lý để cơ quan công an nơi tiếp nhận đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước kiểm tra, cập nhật, điều chỉnh thông tin trong CSDL quốc gia về dân cư.

Người tiếp nhận đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước tìm kiếm thông tin công dân trong CSDL quốc gia về dân cư. Sau khi xác định thông tin người đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước là chính xác thì thực hiện trình tự thủ tục cấp thẻ căn cước theo quy định.

Trường hợp thực hiện thủ tục cấp đổi từ CMND, CCCD sang thẻ căn cước thì người tiếp nhận có trách nhiệm thu lại CMND, thẻ CCCD đang sử dụng.

Trình tự, thủ tục thu hồi thẻ căn cước

Về trình tự, thủ tục thu hồi thẻ căn cước, tại Điều 20 Dự thảo Nghị Định cũng nêu rõ:

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có quyết định tước quốc tịch Việt Nam, cho thôi quốc tịch Việt Nam hoặc hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam, Bộ Tư pháp gửi văn bản đến cơ quan quản lý căn cước Bộ Công an nếu người bị tước quốc tịch Việt Nam, cho thôi quốc tịch Việt Nam hoặc hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam đang cư trú ở trong nước.

Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản thông báo của Bộ Tư pháp, cơ quan quản lý căn cước Bộ Công an có trách nhiệm cập nhật thông tin người có quyết định tước quốc tịch Việt Nam, cho thôi quốc tịch Việt Nam hoặc hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam vào CSDL quốc gia về dân cư, CSDL căn cước.

Khi có căn cứ xác định thẻ căn cước cấp sai quy định hoặc thẻ căn cước đã tẩy xóa, sửa chữa, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thông báo cho cơ quan quản lý căn cước kiểm tra, xác minh và yêu cầu người đang sử dụng thẻ căn cước nộp lại thẻ căn cước. Cơ quan quản lý căn cước Bộ Công an có trách nhiệm cập nhật trạng thái, khóa căn cước điện tử đối với thẻ căn cước đã được thu hồi.

Trường hợp không thu hồi được thẻ căn cước, cơ quan quản lý căn cước Bộ Công an vẫn thực hiện việc cập nhật theo quy định.

Trình tự, thủ tục giữ, trả lại thẻ căn cước

Tại Điều 21 trình tự, thủ tục giữ, trả lại thẻ căn cước được quy định cụ thể:

Cơ quan có thẩm quyền giữ thẻ căn cước theo quy định, khi giữ, trả thẻ căn cước phải lập biên bản về việc giữ, trả lại thẻ căn cước và lập sổ sách theo dõi.

Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi lập biên bản, người lập biên bản phải báo cáo người có thẩm quyền xem xét, ra quyết định giữ thẻ căn cước. Quyết định giữ thẻ căn cước phải được lập thành 2 bản và giao cho người bị giữ thẻ 1 bản.

Trong thời hạn bị giữ thẻ căn cước, người bị giữ thẻ căn cước nếu có yêu cầu sử dụng thẻ căn cước của mình để thực hiện giao dịch, thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp phải có văn bản đề nghị cơ quan giữ thẻ xem xét, quyết định.

Toàn văn Dự thảo Nghị Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước được đăng trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an để lấy ý kiến đóng góp trong thời gian 60 ngày kể từ ngày đăng (ngày đăng 5-1-2024 và ngày hết hạn 5-3-2024).

Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể xem toàn văn dự thảo và tham gia đóng góp ý kiến tại đây.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm