Đây là thông tin được ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) đưa ra tại cuộc họp báo chuyên đề về sửa đổi, bổ sung các luật thuế (Thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế GTGT, thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tài nguyên).
Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung nước ngọt gồm loại có ga, không ga, tăng lực, thể thao, trà, cà phê uống liền được đóng gói theo dây chuyển sản xuất công nghiệp (trừ nước trái cây, rau quả có 100% tự nhiên) là đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB).
Cụ thể, Bộ đề ra 2 phương án (Phương án 1: mức thuế TTĐB áp dụng là 10% từ năm 2019 và phương án 2 là 20% từ năm 2019).
Theo Bộ Tài chính, đồ uống có đường là nước giải khát được nhiều người yêu thích. Tuy nhiên việc sử dụng đồ uống có đường gắn liền với tăng cân, béo phì và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe (tim mạch, tiểu đường).
Ở Việt Nam, tỉ lệ người trưởng thành bị tăng cân, béo phì chiếm 25% dân số, đối với trẻ em dưới 5 tuổi thì tỉ lệ béo phì tăng nhanh từ 0,6% năm 2000 lên 5,3% năm 2015. Đặc biệt tại TP.HCM, tỉ lệ này lên đến 10,8%, cao hơn mức trung bình của châu Á.
Bên cạnh đó, các nước khác trong khu vực cũng đánh thuế TTĐB đối với sản phẩm nước ngọt như Thái Lan quy định nước ngọt có ga, không cồn chịu thuế suất 25% hoặc 0,024 USD/chai 440cc; Lào thu thuế nước ngọt có ga không cồn ở mức 5% và nước tăng lực 10%,...