Bộ Tài chính cho rằng ở Việt Nam chưa có sắc thuế tài sản riêng nhưng đã có những chính sách thuế liên quan đến tài sản như thuế sử dụng đất. Tuy nhiên, các chính sách thuế này chưa đáp ứng được vai trò là một trong những nguồn thu ổn định cho ngân sách nhà nước. Chẳng hạn số thu thuế sử dụng đất của Việt Nam chỉ chiếm 0,03% GDP và khoảng 0,15% tổng thu ngân sách.
Ngoài ra, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam liên tục tăng trong các năm gần đây: Từ 1.400 USD (khoảng 30 triệu đồng) năm 2013 lên 2.200 USD (khoảng gần 50 triệu đồng) năm 2016 và dự báo sẽ tăng lên 3.400 USD (gần 80 triệu đồng) đến năm 2020. Theo đó dự kiến việc nắm giữ, sở hữu, đầu tư BĐS của người dân có xu hướng tăng lên...
Từ đó Bộ Tài chính khẳng định cần thiết nghiên cứu, xây dựng Luật Thuế tài sản. Điều này nhằm thể chế hóa chủ trương về chính sách thuế đối với tài sản, xây dựng hệ thống chính sách thuế đồng bộ, góp phần bình ổn thị trường BĐS, hạn chế đầu cơ và sử dụng BĐS lãng phí.
Trước đó, Bộ Tài chính đã nghiên cứu đánh thuế người có nhà thứ hai trở lên. Cách tính thuế như thế nào thì chưa được quy định cụ thể. Tuy nhiên, việc đánh thuế với nhà đã từng được đưa vào dự thảo Luật Thuế nhà, đất từ năm 2009. Dự thảo luật này đưa ra ba phương án tính thuế nhà. Sau khi lấy ý kiến, trong báo cáo của Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội đề xuất chọn phương án thu thuế đối với người sở hữu nhà thứ hai trở lên và với mức thuế suất áp dụng là 0,03%.
Hồi tháng 11-2016, Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cũng đã có văn bản gửi Bộ Tài chính, Thành ủy TP.HCM, Sở Xây dựng TP.HCM… về thông tin đánh thuế người có căn nhà thứ hai trở lên. “Sắc thuế này sẽ góp phần giúp thị trường BĐS phát triển lành mạnh, chống đầu cơ, tăng nguồn cung cho thị trường, tạo thêm cơ hội cho người có nhu cầu thật tiếp cận nhà ở và tăng thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước” - HoREA nêu quan điểm.