Đề xuất dùng vốn ODA Nhật Bản mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bộ GTVT vừa có văn bản gửi cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) về việc cung cấp nguồn vốn cho dự án mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Theo đó, Bộ GTVT cho biết dự án cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây được khởi công xây dựng từ năm 2010 và hoàn thành đưa vào khai thác từ năm 2015 với quy mô 4 làn xe do JICA và Ngân hàng Châu Á đồng tài trợ.

Dự án sau khi đưa vào sử dụng đã mang lại hiệu quả cao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Tuy nhiên, đến nay do lưu lượng xe tăng nhanh gây quá tải, cao tốc này thường xuyên xảy ra ùn tắc vào giờ cao điểm, mất an toàn giao thông nên cần tiếp tục đầu tư mở rộng lên quy mô 8-10 làn xe.

Đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đang quá tải, phương tiện giao thông ùn tắc tại khu vực giao với quốc lộ 51 hướng đi Vũng Tàu. Ảnh: VŨ HỘI

Vì vậy Bộ GTVT giao Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận là đơn vị thực hiện nghiên cứu việc mở rộng cao tốc. Ngày 7-6 Ban Quản lý dự án Mỹ thuật đề xuất sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản để mở rộng dự án. “Vì vậy, Bộ GTVT đề nghị JICA xem xét có ý kiến về khả năng cung cấp vốn vay cho dự án để Bộ GTVT triển khai thủ tục theo quy định trong nước…”- văn bản Bộ GTVT nêu rõ.

Theo nghiên cứu của Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, phạm vi mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây từ 4 lên 8 làn xe dài 24 km. Điểm đầu dự án tại vị trí sau cầu Bà Dạt, phường An Phú, TP Thủ Đức; điểm cuối tại vị trí giao cắt dự kiến với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, thuộc thị trấn Long Thành, huyện Long Thành (Đồng Nai).

Tư vấn kiến nghị đoạn An Phú - vành đai 2 (dài 4,5km) mở rộng ra mỗi bên 4,75 m theo tiêu chuẩn đường đô thị 8 làn xe, chiều rộng nền đường 36m, tốc độ thiết kế là 100 km/h.

Đoạn từ vành đai 2 - nút giao cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (dài gần 20km) mở rộng ra mỗi bên 7,5 m để đạt quy mô 8 làn xe, chiều rộng nền đường 42,5m, tốc độ thiết kế 120 km/h.

Riêng cầu Long Thành xây thêm 1 đơn nguyên hoàn chỉnh rộng 19,75m nằm về phía hạ lưu của cầu hiện tại để đạt quy mô tổng cộng 8 làn xe, chiều rộng cầu tổng cộng 52,5 m, tốc độ thiết kế 100 km/h.

Dự án TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây có tổng mức đầu tư dự tính khoảng 11.505 tỉ đồng. Trong đó chi phí xây dựng là 8.306 tỉ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng 405 tỉ đồng… Thời gian thực hiện dự án dự kiến từ năm 2021-2025.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm