Đây là đề xuất được nhóm xây dựng đề án “Cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện” đưa ra tại Hội thảo lấy ý kiến về biểu giá bán lẻ điện do Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức ngày 5-11.
PGS-TS Bùi Xuân Hồi, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Chủ nhiệm đề án cho rằng biểu giá điện bán lẻ hiện nay không còn phù hợp, không phản ánh hết chi phí giá thành điện. Do đó, nhóm nghiên cứu đề xuất giảm bậc thang giá điện sinh hoạt hiện nay từ 6 xuống còn 3,4,5 bậc. Trong đó, phương án 5 bậc thang được ưu tiên lựa chọn.
Theo đó, với phương án 5 bậc, nhóm nghiên cứu đề xuất các bậc: Dưới 100 kWh, 101-200 kWh, 201-400 kWh, 401-700 kWh và trên 700 kWh.
Cụ thể, những hộ dùng dưới 100 kWh/tháng sẽ trả chi phí chỉ bằng 95% giá bán lẻ điện bình quân. Hộ dùng bậc 2 sẽ trả giá bằng 113% giá bán lẻ bình quân; bậc 3 bằng 137%, bậc 4 bằng 151% và bậc 5 bằng 156% giá bán lẻ điện bình quân. Hiện nay, giá bán lẻ điện bình quân đang ở mức 1.864,44 đồng/kWh (chưa gồm thuế VAT).
Theo ông Hồi, phương án 5 bậc này sẽ không tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Ngoài ra, chính sách hỗ trợ hộ nghèo đạt được tối đa.
Như vậy, so với biểu giá điện đang sử dụng, đề xuất 5 bậc sẽ không còn bậc thang 50 kWh đầu tiên và kéo dài bậc thang cuối lên trên 700 kWh.
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng đề xuất nên điều chỉnh giá điện sáu tháng/lần theo mùa khô và mùa mưa. Cụ thể, nhóm nghiên cứu đề xuất sẽ là 1 tháng 3 và 1 tháng 9 hàng năm. Bên cạnh đó, ông Hồi cũng cho biết, cần đưa ra điều chỉnh bất thường khi có sự biến động lớn về giá nhiên liệu trên thị trường quốc tế dẫn đến sự thay đổi đáng kể về chi phí sản xuất và mua điện.