Đây là quan điểm của lãnh đạo Bộ Công Thương về biểu giá điện và vấn đề tiền điện tăng cao trong thời gian qua.
Ngày 4-5, trao đổi với PLO, ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương, người phụ trách theo dõi lĩnh vực điện lực cho biết, biểu giá điện bậc thang được nhiều nước áp dụng và Việt Nam không ngoại lệ. Phương án giá điện bậc thang sẽ bảo đảm an sinh xã hội cho người sử dụng ít điện, khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm.
Theo đó, năm 2018, Việt Nam có 9 triệu hộ sử dụng điện mức 100 kWh/tháng trở xuống, chiếm trên 35% tổng số hộ dùng điện sinh hoạt. Do vậy giá bán lẻ điện sinh hoạt cho bậc 1 (0-50 kWh) và bậc 2 (51-100 kWh) được tính toán tương ứng bằng 90% và 93% so với mức giá bán lẻ điện bình quân, để hỗ trợ tiền điện cho các hộ thu nhập thấp. Các bậc thang còn lại có giá cao hơn.
Tuy nhiên, với tình hình thực tế nhu cầu sử dụng điện hiện nay, việc đưa ra một biểu giá bậc thang mới là điều cần tính đến. Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu, đề xuất biểu giá điện mới nhằm giảm bù chéo giữa các hộ tiêu thụ, khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.
Bên cạnh đó, theo ông Vượng, Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính theo chỉ đạo của Thủ tướng để kiểm tra lại giá điện. Ngày 2-5, Bộ cũng đã lập đoàn kiểm tra với sự tham gia của đại diện Bộ Tài chính, Hội bảo vệ người tiêu dùng, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để kiểm tra tình hình sử dụng điện của một số khách hàng lớn tại từng khu vực.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cũng cho rằng, hiện nay, các trên thế giới vẫn áp dụng cách tính điện bậc thang. Nếu Việt Nam áp dụng một giá điện, người sử dụng ít điện sẽ bị ảnh hưởng lớn. Do đó, Việt Nam cần duy trì giá điện bậc tháng, tuy nhiên trong thời gian tới, Bộ sẽ chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nghiên cứu, kiểm tra kĩ hơn về cơ cấu sử dụng điện của khách hàng. Trên cơ sở đó, Bộ sẽ nghiên cứu cải cách giá điện bậc thang sao cho phù hợp với tình hình sử dụng điện.
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng chia sẻ, theo kiểm tra ban đầu, Bộ Công Thương thấy rằng có ba lý do tiền điện tăng. Một là, nhu cầu sử dụng tháng 4 cao hơn nhiều so với các tháng trước do thời tiết nắng nóng. Hai là, số ngày sử dụng điện tháng 4 nhiều hơn ba ngày so với tháng 3, làm điện năng sử dụng tăng thêm 10,71%. Ba là, việc điều chỉnh giá điện từ ngày 20-3. Tuy nhiên, nếu lượng điện dùng trong tháng 4 bằng tháng trước, tiền điện phải trả cũng chỉ tăng hơn 8,36-8,38%. |