Đề xuất ký khoản vay với Nhật Bản cho dự án Bến Thành – Suối Tiên

(PLO)- Bộ Tài Chính đề nghị Chính phủ tiếp tục ký kết thỏa thuận khoản vay với Nhật Bản để hoàn thành dự án Bến Thành – Suối Tiên.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bộ Tài chính vừa đề nghị Chính phủ ủy quyền cho lãnh đạo Bộ Tài chính thay mặt Chính phủ Việt Nam ký kết công hàm trao đổi với cơ quan được ủy quyền của Chính phủ Nhật Bản về khoản vay lần thứ 4 của nước này cho dự án “xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 TP.HCM, tuyến Bến Thành – Suối Tiên”.

Theo Bộ Tài chính, dự án Bến Thành – Suối Tiên có tổng mức đầu tư hơn 43.757 tỉ đồng. Trong đó, vốn vay Nhật Bản trên 38.265 tỉ đồng (tương đương khoảng hơn 185.175 triệu yen), vốn đối ứng hơn 5.491 tỉ đồng.

Đến nay, dự án đã ký kết ba thỏa thuận vay theo điều kiện STEP (có ràng buộc xuất xứ hàng hóa, nhà thầu, tư vấn Nhật Bản). Trong đó, hai thỏa thuận vay đã kết thúc giải ngân, còn thỏa thuận vay VN15-P5 đang tiếp tục giải ngân. Tổng số tiền của ba thỏa thuận vay này là trên 143.951 triệu yen.

Dự án Bến Thành - Suối Tiên sẽ đi vào hoạt động trong năm sau.
Dự án Bến Thành - Suối Tiên sẽ đi vào hoạt động trong năm sau.

Như vậy, số tiền của thỏa thuận vay lần 4 cho dự án này trên 41.223 triệu yen. Số tiền này phù hợp với hạn mức vay tối đa theo các văn bản phê duyệt của UBND TP.HCM và cam kết tài trợ của phía Nhật Bản.

Các điều kiện vay cụ thể: Lãi suất là 0,1%/năm đối với hợp phần xây lắp và 0,01%/năm đối với hợp phần tư vấn; thời gian vay là 40 năm trong đó gồm 10 năm ân hạn.

Cũng như ba thỏa thuận vay trước, Bộ Tài chính cho rằng, thỏa thuận vay cuối cùng này cũng yêu cầu phía Việt Nam mua sắm các thiết bị và dịch vụ cung cấp bởi công ty Nhật Bản (không bao gồm tư vấn) tối thiểu là 30% của giá trị hợp đồng mua sắm.

“Chính quyền TP.HCM, chủ đầu tư dự án, khẳng định các quy định ràng buộc về xuất xứ nhà thầu, hàng hóa, dịch vụ Nhật bản và các quy định về định nghĩa nhà thầu, tư vấn Nhật Bản, hàng hóa và dịch vụ xuất xứ Nhật Bản áp dụng đối với dự án là phù hợp…”- Bộ Tài chính cho hay.

Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đề nghị Chính phủ thông qua các nội dung trên và giao UBND TP.HCM chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ về việc thực hiện dự án phù hợp với quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam, đảm bảo tiến độ và hiệu quả triển khai của dự án.

Theo dự kiến, dự án Bến Thành - Suối Tiên thi công xong cuối năm nay, hoàn tất đào tạo nhân viên vận hành tháng 6-2024, chạy thương mại sau đó một tháng.

Theo phương án giá vé đi Bến Thành - Suối Tiên được Sở GTVT TP.HCM lấy ý kiến, vé lượt sẽ áp dụng theo cự ly chuyến đi. Thấp nhất 12.000 đồng nếu khách đi từ 5 km trở xuống, 14.000 đồng với lộ trình 5-10 km; 16.000 đồng cho 10-15 km và 18.000 đồng với cự ly 15 km trở lên. Vé tháng áp dụng chung 260.000 đồng. Ngoài ra, khách có thể mua vé một ngày hoặc ba ngày, lần lượt được đề xuất 40.000 đồng và 90.000 đồng.

Tuyến Metro số 1 ( Bến Thành - Suối Tiên) là một trong tám tuyến metro trong quy hoạch của TP. Dự án có bốn gói thầu chính sử dụng vốn vay ODA từ Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) bao gồm ba gói thầu xây dựng và một gói thầu cơ điện.

Dự án dài gần 20 km từ Bến Thành, quận 1 đến Depot Long Bình, TP Thủ Đức. Đây là là dự án đường sắt đô thị đầu tiên ở TP HCM, khởi công năm 2012. Sau tuyến này, dự án Metro số 2, đoạn Bến Thành - Tham Lương đang được TP HCM giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật để khởi công các gói thầu chính năm 2025, hoàn thành năm 2030.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm