Đề xuất lập Hội đồng lúa gạo quốc gia

(PLO)- Dự kiến Chủ tịch Hội đồng lúa gạo quốc gia sẽ do một Phó Thủ tướng đảm nhận. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều nay, 6-8, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan và Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cùng chủ trì cuộc họp về đề xuất thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia.

Xây dựng một thương hiệu thực sự cho lúa gạo Việt Nam

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết trong thời gian qua, ngành hàng lúa gạo Việt Nam có bước bứt phá ngoạn mục so với các nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới, như Ấn Độ, Thái Lan. Tuy nhiên, bên cạnh đó thì ngành hàng lúa gạo Việt Nam vẫn còn tồn tại một số bất ổn để hướng tới xây dựng một thương hiệu gạo Việt Nam.

Trước tình hình đó, Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương có ý tưởng và thống nhất cao việc đề xuất thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia.

Hội đồng lúa gạo quốc gia.png
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ về ý tưởng thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia. Ảnh: AH

“Ngành hàng lúa gạo không đơn giản là xuất khẩu bao nhiêu triệu tấn mà đó là hình ảnh của quốc gia thông qua hạt gạo của mình. Tôi rất nung nấu và trao đổi ý tưởng với Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, may mắn khi vừa mở lời thì lập tức nhận được sự đồng thuận của Bộ trưởng.

Chúng tôi muốn xây dựng một thương hiệu thực sự cho lúa gạo Việt Nam, chứ không phải chỉ là một quyết định hành chính, mà phải bằng hành động thực sự. Chúng ta cần một tầm nhìn nhất quán để hạt gạo của Việt Nam vươn xa hơn, trở thành điểm tựa quốc gia” - Bộ trưởng Hoan chia sẻ.

Phó Thủ tướng sẽ làm Chủ tịch hội đồng lúa gạo quốc gia

Trình bày về ý tưởng đề xuất Hội đồng lúa gạo quốc gia (VNRC), ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho biết ý tưởng này đã được góp ý, sửa đổi của đơn vị hai bộ trong suốt một tháng qua.

Theo đó, chức năng của Hội đồng lúa gạo quốc gia (VNRC) là tổ chức phối hợp liên ngành tham mưu giúp Thủ tướng nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết các vấn đề quan trọng, liên ngành đối với sự phát triển ngành hàng lúa gạo.

VNRC sẽ có 7 nhiệm vụ lớn. Một là nghiên cứu đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách minh bạch, hiệu quả, đảm bảo ổn định và phát triển thị trường cho ngành lúa gạo.

Hai là nghiên cứu, tư vấn, khuyến nghị, đề xuất với Thủ tướng phương hướng, giải pháp giải quyết những vấn đề quan trọng của ngành. Ba là giúp Thủ tướng chỉ đạo, phối hợp giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố và cơ quan, tổ chức liên quan trong việc giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành.

Bốn là giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều phối, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các chiến lược, chương trình, cơ chế, chính sách, đề án có tính liên ngành về lúa gạo.

Năm là cho ý kiến về chiến lược, chương trình, cơ chế, chính sách… Sáu là phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành để thu thập thông tin, phân tích đánh giá về tình hình sản xuất, xuất khẩu ngành hàng lúa gạo. Bảy là thực hiện các nhiệm vụ khác được Thủ tướng Chính phủ giao.

Về tổ chức hoạt động, Chủ tịch Hội đồng lúa gạo quốc gia sẽ do một Phó Thủ tướng Chính phủ đảm nhận, Bộ trưởng Bộ Công Thương làm Phó Chủ tịch thường trực, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT làm Phó Chủ tịch.

Các uỷ viên gồm đại diện lãnh đạo các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Ngoại giao; đại diện các hội, hiệp hội như Hội Nông dân Việt Nam, Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam; đại diện lãnh đạo UBDN một số địa phương.

Theo ông Thắng, tại các nước có ngành hàng xuất khẩu chiến lược quy mô quốc gia và quốc tế như ngành cọ dầu ở Malaysia, ngành cà phê ở Brazil, ngành lúa gạo ở Thái Lan… thì bên cạnh các tổ chức của người sản xuất kinh doanh như các hiệp hội, nghiệp đoàn… còn có mô hình “Hội đồng ngành hàng” hay “Ban điều phối ngành hàng” ở cấp quốc gia.

Đây là thể chế có sự gắn kết giữa các cơ quan bộ ngành của nhà nước với các tổ chức đại diện cho các tác nhân trong chuỗi giá trị và giữa các địa phương tham gia sản xuất. Thể chế này hỗ trợ giải quyết các vấn đề lớn, tổng thể của ngành, tư vấn cho lãnh đạo chính phủ các chương trình chính sách lớn.

Bổ sung thêm, ông Nguyễn Anh Sơn, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết dự thảo hiện tại đang đề xuất hội đồng họp thường kỳ 1 năm/lần và khi cần thiết có thể họp đột xuất khi lĩnh vực ngành hàng lúa gạo phát sinh các vấn đề lớn, quan trọng. Hàng năm, trước 31-12 sẽ báo cáo Thủ tướng về kết quả hoạt động.

Hiện đề án này vẫn đang tiếp tục thảo luận, cố gắng hoàn thiện trước 15-9 để trình Chính phủ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm