Chính phủ kiến nghị cho phép phát hành đa dạng hóa các kỳ hạn trái phiếu chính phủ để bù đắp bội chi. Đó là nội dung đáng chú ý tại phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) về báo cáo kinh tế-xã hội năm 2015, báo cáo tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2015… diễn ra ngày 12-10.
“Vay ngắn hạn thì rất gay”
Đề xuất trên xuất phát từ thực tế, chín tháng đầu năm, tổng giá trị trái phiếu chính phủ được phát hành thành công trên thị trường sơ cấp chỉ đạt trên 50% kế hoạch phát hành cả năm, hơn 40% còn lại là khó phát hành.
Tuy nhiên, đề xuất này lại không phù hợp với tinh thần của Nghị quyết số 78/2014/QH13 của QH: “Từ năm 2015, phát hành trái phiếu chính phủ kỳ hạn từ năm năm trở lên, không thực hiện các khoản vay có kỳ hạn ngắn cho bù đắp bội chi ngân sách nhà nước, giảm mức vay đảo nợ”.
“Vay ngắn hạn thì rất gay. Bài toán này phải tính rất cẩn thận, bởi vay ngắn hạn là vừa vay xong đã phải lo trả rồi” - Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng lo ngại. Theo người đứng đầu QH, trước áp lực của nợ công, QH mới yêu cầu phát hành trái phiếu với thời hạn dài ra, lấy vốn vay đó ăn nên làm ra mà trả nợ, không phải vay nợ mới để trả nợ cũ. Tuy nhiên, trái phiếu kỳ hạn dài lại không phát hành được, nguyên nhân do thị trường thứ cấp mua bán nợ còn yếu.
“Người ta sẵn sàng mua trái phiếu dài hạn nhưng phải có thị trường để bán lại trong một, hai năm, chứ nếu bán không được thì không ai dám cho anh vay năm năm, 10 năm” - ông Hùng nói.
Không ủng hộ việc phát hành trái phiếu chính phủ có kỳ hạn quá ngắn, ông Hùng đề nghị “đã phát hành trái phiếu thì thời hạn tối thiểu phải là ba năm”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: TTXVN
“Dài hạn sẽ khó huy động lượng vốn cần thiết”
Đáp lại, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho hay do nhu cầu đầu tư phát triển, chi cho con người ngày một tăng nên từ năm 2009, thu bắt đầu không đủ cho chi thường xuyên. Toàn bộ đầu tư phát triển phải đi vay, áp lực đi vay để phát triển ngày một tăng.
“Chúng ta mong muốn đáp ứng được ba yêu cầu: Đi vay được thời gian trả nợ dài nhất; chi phí, lãi suất vay thấp nhất; tránh được rủi ro. Chúng ta cố gắng vay thời hạn năm năm chiếm tỉ trọng lớn. Chính phủ đã thực hiện tốt nên thời hạn trả nợ đã tăng lên trên bốn năm, trước là hơn ba năm” - ông Hiển cho biết.
“Tuy nhiên, thị trường có vấn đề là người ta mong muốn ngược lại, tức là mong muốn thời gian được đáo hạn ngắn nhất, lãi suất cao. Thị trường sơ cấp tạo ra hàng hóa nhưng thị trường thứ cấp đang là yếu tố quyết định cho sơ cấp phát triển hay không. Thị trường thứ cấp hiện nay đang khó khăn, bản thân các khách hàng đều mong muốn chúng ta nới lỏng” - ông Hiển nói thêm.
Theo ông Hiển, nếu tiếp tục thực hiện phát hành trái phiếu chính phủ chỉ từ năm năm trở lên thì từ nay đến cuối năm 2015 sẽ không huy động đủ lượng vốn cần thiết để đáp ứng nhu cầu chi thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội theo nghị quyết của QH. Từ thực tế này, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhất trí với đề nghị của Chính phủ báo cáo và kiến nghị QH cho phép phát hành trở lại các loại kỳ hạn trái phiếu chính phủ ngắn hạn và dài hạn (đa dạng hóa kỳ hạn). Tuy nhiên, ủy ban cũng đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn về thực trạng công tác huy động vốn và giải pháp tháo gỡ, kiến nghị QH điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu thực tế và phải bảo đảm quản lý và sử dụng nợ công chặt chẽ, an toàn, hiệu quả.
Một đề xuất đáng chú ý khác, Chính phủ đề xuất phát hành trái phiếu quốc tế để đảo nợ trong nước. Tuy nhiên, Luật Quản lý nợ công lại không cho phép.
“Nếu phát hành trái phiếu quốc tế thì phần nào sẽ ép thị trường tài chính trong nước” - ông Hiển lưu ý.
Ông Hiển cho rằng cần đưa ra xin ý kiến QH việc trong khi chưa sửa Luật Quản lý nợ công cho phép phát hành trái phiếu quốc tế để đảo nợ trong nước. “Nếu QH nhất quyết bảo “không” thì phải chấp hành nhưng sẽ hết sức khó khăn. Chúng ta cố gắng tạo điều kiện nới rộng cơ chế vay, cơ chế trả nợ… để có thể giải quyết được các vấn đề trước mắt” - người đứng đầu Ủy ban Tài chính - Ngân sách nói thêm.
Nhập siêu từ Trung Quốc tăng mạnh Theo báo cáo của Chính phủ, chín tháng đầu năm nước ta nhập siêu khoảng 3,9 tỉ USD, bằng 3,2% tổng kim ngạch xuất khẩu (trong giới hạn QH cho phép dưới 5%). Qua ba năm xuất siêu thì nhập siêu trở lại, nhập siêu từ Trung Quốc tăng mạnh, nước ta nhập khẩu lớn từ Trung Quốc với cơ cấu nhập khẩu chủ yếu là nguyên vật liệu và máy móc, thiết bị. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cảnh báo khả năng nhập siêu sẽ lớn lên. Thực tế hiện nay chúng ta đang nhập siêu từ phân bón đến thuốc trừ sâu, những lĩnh vực vốn là thế mạnh như dệt may cũng chủ yếu sử dụng nguyên liệu nhập khẩu, sản xuất thuốc 90% nguyên liệu là ngoại nhập. “Muốn bớt nhập siêu thì phải đẩy mạnh sản xuất trong nước, các phụ tùng, nguyên liệu… phải sản xuất được trong nước” - ông Hùng nói. Theo người đứng đầu QH, chúng ta cần sớm có chính sách, giải pháp để giảm nhập siêu. Nếu không, các nước sẽ lợi dụng TPP để xuất vào, dựa vào sản xuất của ta để hưởng lợi… Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế-xã hội năm 2015 cho hay: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân chín tháng đầu năm tăng 0,74% so với cùng kỳ năm trước. Đây là năm có mức tăng giá thấp nhất so với cùng kỳ hàng chục năm qua. Không có biểu hiện giảm phát do sức mua và tổng cầu tiếp tục tăng cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 120,7 tỉ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2014. Tốc độ tăng GDP chín tháng đầu năm đạt 6,5%, là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ bốn năm trước. Dự báo cả năm tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt trên 6,5% là mức tăng cao nhất trong năm năm qua. |