Hiện tượng khai khống giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp Trung Quốc là phổ biến. Nhưng dùng nó để giải thích cho sự chênh lệch
số liệu xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc là không đầy đủ.
TSLê Đăng Doanh,chuyên gia kinh tế:
Chủ yếu đi qua con đường mậu dịch
Hiện nay theo chính sách biên mậu của mình cho phép một người dân vùng biên giới được mua 2 triệu đồng hàng hóa/ngày từ TQ về mà không phải chịu thuế. Như vậy một người dân bình thường làm sao mua hết 700 triệu đồng hàng hóa trong một năm.
Đây là chính sách thỏa thuận giữa hai bên nhưng là phi lý nên cần xem lại vấn đề này. Việc buôn lậu hàng từ TQ về VN rất lớn. Qua những lần lên vùng biên giới, nhiều anh em người ta nói buôn lậu không chỉ nhỏ lẻ mà có tổ chức. Có khi anh em cấp dưới bắt được nhưng sau đó lại có điện thoại bảo đó là của anh A, B rồi phải thả ra. Đã có nhiều chứng minh chính mình trông thấy đoàn xe chở quặng từ biên giới về. Một lãnh đạo bộ mới đây cũng phát ngôn nói có thể có kinh tế ngầm nhưng như thế nào thì không nói rõ. Vấn đề này hiện nay đang được Quốc hội đưa ra bàn. Và chúng ta cũng cần thực sự nghiêm túc đi tìm nhóm lợi ích nào đứng sau đó và phải có giải pháp cụ thể.
Bởi 20 tỉ USD nếu nhân với tỉ giá hiện nay là 21.000 đồng sẽ thấy đây là con số khổng lồ. Ảnh hưởng nhiều đến cán cân thanh toán cũng như hoạt động của các DN VN. Còn nếu nói DN TQ xuất khống để hưởng ưu đãi, tôi không nghĩ con số lại nhiều đến thế.
Lực lượng chức năng trong một lần bắt quả tang xe chở gà nhập lậu trên đường về Hà Nội. Ảnh: CTV
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính:
Con số sai thì chính sách cũng bị ảnh hưởng
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là tại sao sai số năm 2014 lại tăng đột biến? Nếu có sự thay đổi công thức nên sai số là điều bình thường. Nhưng không thay đổi công thức giữa hai bên mà lên tới 20 tỉ USD là không bình thường.
Trong trường hợp nếu con số TQ chính xác hơn thì việc mọi thứ có liên quan như cán cân thương mại, tất cả dòng tiền, tỉ giá… hay năm 2014 thay vì xuất siêu thành nhập siêu thì phải xem cán cân thương mại như thế đến cán cân thanh toán của mình có đúng hay không…
Từ trước đến giờ mình đều biết có nguồn tiền chuyển qua nước ngoài qua con đường nhập lậu rất lớn. Mà nhập lậu cũng phải trả bằng USD chứ không phải bằng hàng hóa. Nên mức độ thất thoát tiền ra nước ngoài không nhỏ, dự trữ ngoại hối bị mất nhiều qua nhiều con đường lậu. Vấn đề trong tương lai tình trạng này tiếp tục sẽ ảnh hưởng thế nào đến chính sách tỉ giá mới là quan trọng.
Hiện nay hai quốc gia mình lệ thuộc nhiều trong vấn đề mậu dịch là TQ và Mỹ. Những số liệu cho thấy mức độ lệ thuộc của VN vào TQ rất lớn. Hàng lậu qua con đường cửa khẩu, đường biển… với lợi thế hàng rẻ, các mặt hàng cho sản xuất kinh doanh, trang thiết bị chất lượng tồi nhưng vẫn hút người mua, thậm chí hàng qua sử dụng đẩy qua VN, nhất là hàng công nghệ vẫn bán chạy. Và chúng ta đang trở thành thị trường dễ vào dễ tiêu thụ theo hình thức này nhất. Và nếu con số 20 tỉ USD có thật thì sự lệ thuộc vào thị trường TQ của chúng ta trầm trọng hơn nhiều. Sắp tới việc tham gia vào các hiệp định quốc tế có ý nghĩa quan trọng để giảm thiểu lệ thuộc vào TQ.
Ở Mỹ, thường với những vấn đề được dư luận quan tâm nhiều như vậy cơ quan nhà nước chắc chắn sau đó sẽ có phát ngôn chính thức trước công chúng về quan điểm của mình.
Chuyên giaNguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình giảng dạy Kinh tế Fulbright tại TP.HCM:
Không biết được bên nào chính xác hơn bên nào
Nhìn vào xuất khẩu của VN sang TQ, chênh lệch chủ yếu ở hàng điện tử cho thấy nguyên nhân không phải là xuất lậu mà là cách xác định quy tắc xuất xứ khác nhau đối với thương mại nội chuỗi giá trị toàn cầu của các công ty đa và xuyên quốc gia (MNCs). Đúng là hiện tượng khai khống giá trị xuất khẩu của các DN TQ là phổ biến. Nhưng dùng nó để giải thích cho sự chênh lệch số liệu xuất nhập khẩu giữa VN và TQ là không đầy đủ, ít nhất ở bốn điểm sau:
1. Điều gì giải thích cho việc từ năm 2009 trở về trước, DN TQ không khai khống và từ năm 2010 họ lại tăng cường hoạt động này?
2. Chênh lệch số liệu xuất hiện cả ở hai chiều: Kim ngạch nhập khẩu cũng như xuất khẩu giữa VN và TQ. Ở đâu ra bằng chứng DN TQ cũng khai khống giá trị nhập khẩu để phải đóng thuế nhập khẩu nhiều?
3. Giá trị xuất khẩu khai khống của TQ xuất hiện ở hạng mục “xuất khẩu khác”. Tỉ lệ DN TQ điều tra có ý kiến cho rằng có khai khống xuất khẩu thường đồng biến với giá trị kim ngạch xuất khẩu khác. Chênh lệch số liệu xuất nhập khẩu giữa VN và TQ xuất hiện ở các hạng mục hàng hóa xuất nhập khẩu cụ thể và có mức lớn chứ không phải là ở hạng mục xuất nhập khẩu khác.
4. Chênh lệch giá trị nhập khẩu VN từ TQ năm 2014 là gần 20 tỉ USD, bằng 45,3% số chính thức của VN và 31,2% số của TQ. Còn chênh lệch giá trị xuất khẩu của VN sang TQ là 5 tỉ USD, bằng 33,5% số chính thức của VN và 25% số TQ. Liệu khai khống hóa đơn của DN TQ có tỉ lệ cao đến thế? Suy ra cho tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của TQ thì đến tận 25%-30% là số khống chăng? Một số bài báo cũng chỉ phỏng đoán rằng khai khống ở vào mức 5% tổng kim ngạch xuất của TQ.