Trong đó, C08 đang nghiên cứu sửa đổi thông tư quy định về đăng ký xe (Thông tư 15/2014 và Thông tư 64/2017 của Bộ Công an).
Phạt người bán xe không sang tên
Theo đó, C08 sẽ kiến nghị bổ sung việc xử phạt đối với chủ xe không làm thủ tục đăng ký sang tên khi thực hiện các giao dịch mua bán, cho, tặng xe. Chưa hết, trước khi bàn giao xe cho tổ chức, cá nhân mua hoặc được tặng, cho, chủ xe phải thu hồi, nộp lại giấy đăng ký (cà vẹt), biển số cho cơ quan đăng ký xe.
Giải thích rõ hơn về đề xuất trên, Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng, Cục trưởng C08, cho hay như hiện nay nếu không sang tên đổi chủ khi thực hiện giao dịch mua bán hoặc tặng, cho thì chỉ có người mua bị xử phạt, còn người bán nói rằng “tôi đã bán xe nên hết trách nhiệm”.
Theo Cục trưởng C08, người đang đứng tên trong đăng ký xe thì phải chịu trách nhiệm với chiếc xe đó. Khi bán, cho hoặc tặng thì bắt buộc phải trả lại giấy đăng ký mang tên mình, biển số cho CSGT phụ trách đăng ký xe.
“Giả sử anh bán xe từ Hà Nội vào Cà Mau, nếu không thông báo, không trả lại đăng ký, cà vẹt thì sẽ gây khó khăn cho công tác quản lý. Với đề xuất trên, khi đã thông báo, đã nộp cà vẹt, biển số cũ nếu có phát sinh gì về hành chính hoặc hình sự thì CSGT sẽ biết được chủ xe đã bán phương tiện rồi” - ông Dũng nói.
Lại nóng chuyện xe không chính chủ
Ngay trong ngày 10-6, sau khi có thông tin đề xuất mới trên của C08 vấn đề phạt người đi xe không chính chủ… nóng trở lại.
Theo đó, từ ngày 1-1-2017, người đi xe (đã mua, được cho, tặng) mà không làm thủ tục đăng ký sang tên xe theo các thông tư 15/2014 và 64/2017 của Bộ Công an thì sẽ bị xử phạt. Việc xử phạt trên chỉ được thực hiện trong hai trường hợp: Thứ nhất là thông qua công tác điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông gây hậu quả từ mức nghiêm trọng trở lên; thứ hai là thông qua công tác đăng ký xe.
Theo Nghị định 46/2016, mức phạt người lái xe máy không chính chủ 100.000-200.000 đồng/cá nhân; 200.000-400.000 đồng/tổ chức. Với ô tô là 1-2 triệu đồng/cá nhân; 2-4 triệu đồng/tổ chức.
Với dự kiến đề xuất mới (phạt cả chủ cũ) của C08 sẽ đặt ra các câu hỏi: CSGT được kiểm tra, xử phạt trong các trường hợp nào (có theo như hai trường hợp chủ mới có tai nạn giao thông nghiêm trọng và khi đi đăng ký xe nêu trên không). Mức phạt sẽ là bao nhiêu và liệu có phải sửa đổi, bổ sung Nghị định 46/2016 hay không.
Cạnh đó, nếu theo đề xuất mới của C08 thì giao dịch bán - mua, cho, tặng - nhận lâu nay sẽ bị đảo lộn hoàn toàn. Cụ thể, như lâu nay khi bán - mua xe hai bên chỉ cần ra công chứng rồi người bán giao xe (có gắn biển số) và cà vẹt cho bên mua. Sau đó người mua đem xe đi làm thủ tục sang tên đổi chủ là việc của họ. Nay theo đề xuất mới, như cách giải thích của ông Vũ Đỗ Anh Dũng thì chủ xe (cũ) phải tháo biển số ra và đem cả cà vẹt đến nộp cho CSGT phụ trách đăng ký xe. Như vậy chiếc xe định bán trở thành không giấy tờ, không biển số thì giao dịch bán - mua - công chứng sẽ rất khó được thực hiện.
Chưa hết, như quy trình hiện tại, nếu xe bán, cho, tặng chuyển vùng về các tỉnh khác thì CSGT nơi xe chuyển về mới là cơ quan thu hồi cà vẹt, biển số cũ để cấp mới. Vậy nay cà vẹt, biển số cũ đã bị CSGT nơi người bán, cho hoặc tặng thu hồi thì CSGT nơi mới làm cách nào, dựa vào đâu để cấp cà vẹt, biển số mới.
Tóm lại, dự kiến đề xuất mới của C08 có thể gây thêm phiền hà cho dân và thêm cả phức tạp cho chính CSGT làm công tác đăng ký xe.