Đề xuất Quốc hội cho cơ chế triển khai nhiều dự án giao thông

(PLO)- Bộ KH&ĐT đề xuất Chính phủ báo cáo Quốc hội ra nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách để đầu tư các dự án giao thông trên cả nước.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bộ KH&ĐT vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết của Quốc hội (QH) về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số luật liên quan tới đầu tư dự án giao thông. Trong đó, Bộ KH&ĐT đề xuất áp dụng bốn chính sách để “mở đường” đầu tư các dự án giao thông trên cả nước.

Vướng mắc đến từ nhiều luật

Theo Bộ KH&ĐT, việc đầu tư các dự án giao thông đang gặp phải năm khó khăn đến từ nhiều luật khác nhau. Trong đó nổi bật phải kể đến là việc Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) chỉ cho phép vốn góp nhà nước không vượt quá 50% tổng mức đầu tư dự án. Tuy nhiên, thực tế nhiều dự án có tổng mức đầu tư rất cao, dù Nhà nước có góp vốn ở mức kịch trần vẫn khó thu hút tư nhân tham gia vì số tiền còn lại vẫn rất lớn, thời gian thu hồi vốn kéo dài, ngân hàng khó cho vay.

Cạnh đó, Luật Giao thông đường bộ, Luật Xây dựng, quy định hệ thống quốc lộ (QL) do Bộ GTVT chịu trách nhiệm đầu tư và quản lý. Song song đó, Luật Ngân sách nhà nước quy định chỉ có ngân sách trung ương mới được đầu tư QL. Với quy định này, địa phương muốn làm chủ đầu tư hay bỏ tiền ra làm QL đều trái luật.

Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu là một trong những cao tốc được đề xuất cho phép tỉnh làm chủ đầu tư các dự án thành phần và sử dụng vốn địa phương để làm. Ảnh: TK

Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu là một trong những cao tốc được đề xuất cho phép tỉnh làm chủ đầu tư các dự án thành phần và sử dụng vốn địa phương để làm. Ảnh: TK

Hoặc là việc Luật Đầu tư công không quy định về việc giao cho một địa phương quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án thực hiện trên địa bàn hai địa phương. Luật Ngân sách nhà nước quy định không được sử dụng ngân sách địa phương này để chi cho địa phương khác…

Nhận thấy những khó khăn đó, ở một số dự án mới đây, Chính phủ đã trình QH gỡ khó. Chẳng hạn như việc cho phép các tỉnh làm chủ đầu tư các dự án thành phần và sử dụng vốn địa phương để làm cao tốc như cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, đường vành đai 3 TP.HCM…

Ngoài những trường hợp cá biệt trên, Chính phủ còn nhận được nhiều đề nghị của các tỉnh về mong muốn được áp dụng các cơ chế tương tự để làm đường. Ví dụ, một số địa phương muốn làm chủ đầu tư dự án thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT như: QL56 (Bà Rịa-Vũng Tàu), QL80 (Kiên Giang), QL54 (Vĩnh Long). Các cao tốc: Mộc Châu - Sơn La, Bắc Ninh - Phả Lại...

Giải trình lý do mở rộng cơ chế

Nêu ý kiến thẩm tra dự thảo này, Bộ Tư pháp cho rằng Nghị quyết 43/2022 của QH cho phép áp dụng cơ chế khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đối với các dự án nằm trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, chính sách trên đến nay chưa có đánh giá tổng kết, vì vậy việc mở rộng đối với các dự án khác trong thời gian năm năm cần bổ sung giải trình lý do.

Đề xuất bốn chính sách

Trên cơ sở góp ý của các bộ, ngành, Bộ KH&ĐT nhận thấy bản chất Nhà nước bỏ tiền ra để tham gia dự án PPP là vốn mồi hỗ trợ dự án nhằm tăng tính khả thi về tài chính, thu hút nhà đầu tư tham gia. Cạnh đó, Luật PPP quy định rõ chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước và nhà đầu tư trong trường hợp doanh thu dự án tăng hoặc giảm.

Bên cạnh đó, trên thực tế, một số dự án giao thông có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nhưng nhu cầu vận tải giai đoạn đầu chưa lớn nên Nhà nước cần góp vốn nhiều hơn để kêu gọi nhà đầu tư tham gia. Đặc biệt, một số dự án có kinh phí giải phóng mặt bằng lớn hơn chi phí xây dựng nên việc triển khai theo hình thức PPP gặp khó.

Vì vậy, Bộ KH&ĐT đề xuất Chính phủ báo cáo QH cho phép tỉ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP không bao gồm chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư. Đồng thời đề xuất Chính phủ báo cáo QH cho phép Thủ tướng được quyền giao cho các tỉnh làm cơ quan chủ quản, sử dụng vốn ngân sách địa phương đầu tư các dự án QL, cao tốc đi qua các địa phương. Việc này giúp các tỉnh phát huy được tính tự chủ, thuận tiện trong việc đấu nối hạ tầng, thu hút đầu tư, khai thác quỹ đất dọc tuyến…

Bộ KH&ĐT cũng đề xuất Chính phủ báo cáo QH cho phép Thủ tướng quyết định vấn đề liên quan đến phạm vi đầu tư từ hai đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên, đồng thời cho phép các địa phương sử dụng ngân sách của địa phương mình hỗ trợ địa phương khác cùng thực hiện một dự án.

Về khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng, Bộ KH&ĐT đề xuất Chính phủ báo cáo QH cho phép nhà đầu tư, nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án hạ tầng giao thông đường bộ…•

61 địa phương đề xuất thí điểm

Theo Bộ KH&ĐT, hiện có 61/63 tỉnh, thành đề xuất được áp dụng bốn cơ chế trên cho 69 dự án. Còn hai địa phương là Điện Biên và Quảng Ninh chưa có ý kiến nên coi như không có nhu cầu thí điểm. Trong đó, chính sách thí điểm áp dụng tăng tỉ lệ vốn góp của Nhà nước có tám dự án, tuy nhiên Bộ KH&ĐT cho rằng tám dự án trên đều chưa đáp ứng nguyên tắc thí điểm.

Đối với 35 dự án được đề nghị giao cho địa phương làm chủ đầu tư, Bộ KH&ĐT nhận thấy có 10 dự án đáp ứng nguyên tắc thí điểm thuộc các tỉnh, thành: Sơn La, Hòa Bình, Ninh Bình, Đà Nẵng, Bình Phước, Đắk Lắk, Bà Rịa-Vũng Tàu, Hậu Giang, Long An, Cần Thơ. Có 25 dự án chưa đáp ứng nguyên tắc thí điểm.

Bộ KH&ĐT cũng thống kê có 20 dự án đề xuất thí điểm chính sách giao cho địa phương làm chủ đầu tư và sử dụng ngân sách địa phương để đầu tư. Trong đó có tám dự án đáp ứng nguyên tắc thí điểm, 12 dự án chưa đáp ứng nguyên tắc thí điểm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm