Chính phủ đã chính thức đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và điều chỉnh chương trình năm 2023. Trong đó việc sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng sẽ được đẩy lên sớm, để Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tháng 5 tới.
Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước – cơ quan chủ trì soạn thảo đã công bố dự thảo sửa đổi toàn diện Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, vốn được sửa đổi, bổ sung lần gần nhất năm 2017.
Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo sửa đổi toàn diện Luật Các tổ chức tín dụng. Ảnh: T.L
Dự thảo gồm 200 điều được xây dựng trên cơ sở kế thừa luật hiện hành, trong đó có bổ sung một chương về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu – vốn là một nghị quyết riêng của Quốc hội nay sau thời gian thí điểm được luật hóa. Nhiều nội dung khác cũng được sửa đổi, như giấy phép, quản trị điều hành, kiểm soát đặc biệt, tổ chức lại, phá sản, giải thể ngân hàng…
Đáng chú ý, dự thảo khống chế tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng không được vượt quá 10% vốn tự có ngân hàng, tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 15% vốn tự có, so với 15% và 25% hiện hành.
Đây chính là nội dung gây nhiều băn khoăn trong buổi tọa đàm góp ý Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), do Hiệp hội Ngân hàng phối hợp với NHNN tổ chức hôm qua, 8-3.
"Giảm giới hạn cho vay có thể có tác dụng hạn chế rủi ro cho một ngân hàng nhưng trên bình diện toàn hệ thống ngân hàng thì có đảm bảo cân bằng giữa hạn chế rủi ro và động lực phát triển?''.
Ông Nguyễn Hồng Quân, Phó Tổng giám đốc TP Bank nêu câu hỏi và đồng thời bày tỏ lo ngại việc siết giảm tỷ lệ này có thể khiến dòng chảy vốn đến nền kinh tế khó khăn hơn.
Đại diện TP Bank cho rằng giới hạn cho vay 15% và 25% như luật hiện hành đã là thấp, nếu so với các quốc gia phát triển như Mỹ, Singapore, đều không quy định tỷ lệ cứng mà đưa ra ngưỡng tham chiếu 25%. Một số các quốc gia khác quy định theo loại hình doanh nghiệp, tài sản bảo đảm, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) mà không có hạn mức cứng.
Lý giải về quan điểm của cơ quan chủ trì soạn thảo, ông Tạ Quang Đôn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế NHNN cho biết đề xuất giảm giới hạn cho vay là nhằm tăng cường tính đại chúng của ngân hàng, chống sở hữu chéo, chống thao túng, chống lạm quyền cấp tín dụng và gia tăng khả năng tiếp cận vốn ngân hàng cho người dân.
Còn nhiều vấn đề khác được trao đổi tại buổi tọa đàm này và NHNN cho biết sẽ tiếp tục tổ chức lấy ý kiến các đối tượng chịu sự tác động của dự luật. Các ý kiến đóng góp sẽ được tổng hợp, tiếp thu để hoàn thiện, dự thảo, trình Chính phủ xem xét trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.