Đề xuất tăng quyền cho TP Thủ Đức ở nhiều lĩnh vực

(PLO)- Trong dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54, cơ quan soạn thảo đề xuất nhiều quy định theo hướng tăng thẩm quyền cho TP Thủ Đức để phát huy hết tiềm năng, lợi thế...
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bộ KH&ĐT vừa hoàn thiện dự thảo Đề án xây dựng dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM (thay thế Nghị quyết 54/2017/QH14).

Trong đó có đề xuất đáng chú ý liên quan đến cơ chế, chính sách về tổ chức bộ máy TP Thủ Đức.

Trong dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54, cơ quan soạn thảo đề xuất nhiều quy định theo hướng tăng thẩm quyền cho TP Thủ Đức để phát huy hết tiềm năng, lợi thế... Ảnh: HÀ THANH

Trong dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54, cơ quan soạn thảo đề xuất nhiều quy định theo hướng tăng thẩm quyền cho TP Thủ Đức để phát huy hết tiềm năng, lợi thế...
Ảnh: HÀ THANH

Cơ cấu lại một số phòng ban của TP Thủ Đức

Cụ thể, Bộ KH&ĐT đề xuất giao một số chức năng, nhiệm vụ thuộc thẩm quyền thuộc TP.HCM (theo quy định tại các điều 19, 21 và 22 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015) cho HĐND, UBND, chủ tịch UBND TP Thủ Đức trong một số lĩnh vực.

Lý do là UBND TP Thủ Đức đang điều hành quản lý nhà nước với cơ chế, thẩm quyền cấp huyện nên chưa phát huy hết vai trò chủ động, tính tự chủ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của chính quyền để phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp.

Bộ KH&ĐT kỳ vọng sau khi được giao thẩm quyền trên, hoạt động đầu tư, kinh doanh, phát triển kinh tế của TP Thủ Đức sẽ thu hút được rất nhiều nguồn vốn, nguồn lực cả trong và ngoài nước, từ đó nguồn thu ngân sách nhà nước sẽ tăng cao, là cơ sở quan trọng đáp ứng mục tiêu ước tính đóng góp đến 30% GRDP của TP.HCM và chiếm 7% GDP cả nước.

Đề xuất đáng chú ý khác, HĐND TP quyết định tổ chức bộ máy, vị trí việc làm, số lượng và chức năng, nhiệm vụ các phòng ban chuyên môn trực thuộc TP Thủ Đức, cơ cấu số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách tại các phường.

Lý do là sau khi sáp nhập ba quận, khối lượng công việc cũng như đầu việc của chính quyền TP Thủ Đức tăng gấp ba lần so với các đơn vị hành chính quận, huyện khác trong TP.HCM nhưng TP Thủ Đức vẫn phải giảm nhân sự theo chủ trương chung về tinh giản biên chế. Việc này đã, đang và sẽ tiếp tục ảnh hưởng lớn đến công tác quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương khi sự quá tải về công việc là không tránh khỏi.

Tuy nhiên, theo Bộ KH&ĐT, việc chuyển thẩm quyền trên của Chính phủ (theo Luật Tổ chức Chính phủ) về cho HĐND TP.HCM quyết định phải được điều chỉnh bằng luật/nghị quyết của Quốc hội. Điển hình của nội dung đề xuất trên là việc thành lập phòng Giao thông công chánh trực thuộc UBND TP Thủ Đức. Ngoài ra, thời gian tới, Thủ Đức sẽ được thành lập Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP Thủ Đức, đây là cơ quan chịu trách nhiệm là đầu mối, thống nhất việc tiếp nhận và quản lý chung hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hệ thống hạ tầng thủy lợi và hệ thống hạ tầng xã hội trên địa bàn TP Thủ Đức…

Một số cơ quan như Ban bồi thường, giải phóng mặt bằng; Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai; Đội Thanh tra trật tự xây dựng trên địa bàn TP Thủ Đức... cần tổ chức lại với tên gọi, chức năng, nhiệm vụ phù hợp với yêu cầu phát triển của TP Thủ Đức...

UBND TP Thủ Đức chỉ có ba phó chủ tịch UBND như hiện nay là chưa phù hợp với khối lượng công việc, quy mô dân số hơn 1,2 triệu dân.

Nên có thêm một phó chủ tịch UBND

Bộ KH&ĐT cũng đề xuất thành lập, quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy của Thanh tra xây dựng, Trung tâm Phát triển quỹ đất và Văn phòng Đăng ký đất đai trực thuộc UBND TP Thủ Đức trong phạm vi TP này. Cùng với đó, thành lập Ban đô thị thuộc HĐND TP Thủ Đức, điều chỉnh số lượng phó chủ tịch và đại biểu chuyên trách HĐND TP Thủ Đức, điều chỉnh số lượng phó chủ tịch UBND TP Thủ Đức.

Theo quy định hiện hành, UBND TP Thủ Đức có ba phó chủ tịch UBND và 13 cơ quan chuyên môn có không quá ba phó trưởng phòng. Bộ KH&ĐT cho rằng với quy định “ba phó chủ tịch UBND” như hiện nay là chưa phù hợp với tình hình thực tế quản lý hành chính nhà nước tại địa phương, vì khối lượng của mỗi vị trí việc làm là rất lớn do quy mô dân số hơn 1,2 triệu dân.

Việc tăng lên bốn phó chủ tịch cho UBND TP Thủ Đức phải được quy định bằng luật/nghị quyết của Quốc hội.

Một nội dung đề xuất quan trọng khác là quy định về phân cấp, ủy quyền. Hiện chưa có quy định cụ thể về việc phân cấp, ủy quyền giữa TP.HCM và TP Thủ Đức nên phát sinh một số khó khăn và thách thức trên thực tế do đây là vấn đề mới chưa có tiền lệ.

Bộ KH&ĐT cũng đề xuất điều chỉnh theo hướng nâng cao chế độ công tác, phụ cấp chức vụ đối với các chức danh lãnh đạo HĐND, UBND, các ban thuộc HĐND, các cơ quan chuyên môn, các cơ quan hành chính khác thuộc UBND TP Thủ Đức phù hợp với quy mô, khối lượng công việc và yêu cầu về năng lực công tác.

“UBND TP Thủ Đức sẽ cân đối ngân sách địa phương để đảm bảo đáp ứng nhu cầu kinh phí tăng” - Bộ KH&ĐT khẳng định và đánh giá đề xuất nói trên “không có tác động đáng kể đối với nguồn quỹ lương của TP Thủ Đức”. •

Cần có luật đô thị đặc biệt cho TP.HCM

Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM thay thế Nghị quyết 54/2017/QH14 gồm 12 điều, điều chỉnh bảy lĩnh vực gồm:

(1) Quản lý đầu tư; (2) Tài chính ngân sách; (3) Quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; (4) Ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào TP.HCM; (5) Quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; (6) Tổ chức bộ máy của TP; (7) Tổ chức bộ máy TP Thủ Đức.

Về lâu dài, Bộ KH&ĐT cho rằng cần nghiên cứu xây dựng luật đô thị đặc biệt cho TP.HCM (hiện Hà Nội đã có Luật Thủ đô, còn TP.HCM chưa có luật đặc thù).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm