Đề xuất tăng thời gian nghỉ thai sản cho lao động nam

(PLO)- Nhiều ý kiến cho rằng cần tăng thời gian nghỉ thai sản đối với lao động nam, đồng thời bổ sung quy định hưởng thai sản với trường hợp hiếm muộn.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), Bộ LĐ-TB&XH đề xuất quy định “cứng” thời gian nghỉ thai sản đối với lao động nam là 5-14 ngày thay vì quy định mức tối đa số ngày nghỉ (5-14 ngày) như hiện hành.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng thời gian nghỉ thai sản của lao động nam vẫn giữ nguyên như hiện nay là chưa phù hợp.

Cần tăng ngày nghỉ cho lao động nam

Ông Nguyễn Thái Dương, Phó chủ tịch Công đoàn Dệt may Việt Nam (đại diện hơn 108.000 đoàn viên công đoàn), cho rằng quy định hiện hành và dự thảo Luật BHXH cho phép lao động nam nghỉ việc chăm vợ sinh từ 5-14 ngày, tuỳ từng trường hợp. Tuy nhiên, thời gian nghỉ như trên vẫn còn ngắn, cần tăng thêm 3 ngày.

đề xuất tăng thời gian nghỉ thai sản cho nam giới
Tăng thời gian nghỉ thai sản cho lao động nam sẽ giúp người chồng có điều kiện chăm sóc vợ con nhiều hơn. (Ảnh minh họa: NGỌC KHÔI)

Lý do ông Dương đưa ra là ngành dệt may Việt Nam tỉ lệ lao động nhập cư đông. Trong thực tế, nhiều vợ chồng trẻ thuê nhà, khi sinh con thu nhập không đủ để thuê người giúp việc, bố mẹ hai bên ở xa không có điều kiện chăm sóc, hỗ trợ.

“Việc tăng thời gian nghỉ của lao động nam tham gia BHXH sau khi vợ sinh con (khoảng 60 ngày) sẽ giúp người chồng có điều kiện chăm sóc vợ, con, phù hợp với mục tiêu xây dựng gia đình hạnh phúc…”- ông Dương nhấn mạnh.

Đồng tình với ý kiến trên, một đại biểu Quốc hội cũng cho rằng các nước tiên tiến cho lao động nam và nữ được nghỉ chế độ thai sản như nhau, bởi việc này giúp cả hai gánh vác việc gia đình và tạo điều kiện tốt cho sự phát triển của trẻ.

“Từ đó, tôi đề nghị sửa luật theo hướng cho lao động nam và nữ đều được nghỉ thai sản 6 tháng kể từ ngày sinh con…”- vị này nêu.

Đồng quan điểm, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) và Tiểu ban phụ nữ trong kinh doanh (WIB SC) cũng đề xuất Bộ LĐ-TB&XH điều chỉnh tăng thời gian nghỉ thai sản cho nam giới trong Luật BHXH.

Dẫn chứng từ thông báo của Ngân hàng Thế giới, đại diện hai đơn vị cho rằng mỗi em bé sẽ nhận được sự chăm sóc và điều kiện phát triển tốt nhất khi cả cha và mẹ đều được nghỉ phép 6 tháng. Điều đó cho thấy tăng thời gian nghỉ thai sản cho nam giới ở Việt Nam từ 5-14 ngày lên 6 tháng là cần thiết.

“Vấn đề ở đây là nếu tăng quá nhanh có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp trong thích nghi ban đầu. Do đó, chúng tôi đề nghị tăng dần thời gian nghỉ thai sản cho nam vào dự luật Luật BHXH lần này theo hướng trước mắt tăng lên tối thiểu là 1 tháng” - hai đơn vị đồng đề xuất.

Bổ sung quy định cho trường hợp hiếm muộn

Cũng liên quan đến chế độ thai sản, ông Nguyễn Thái Dương, Phó chủ tịch Công đoàn Dệt may Việt Nam, cho biết hiện nay do ô nhiễm môi trường, thực phẩm và dịch bệnh nhiều... nên trong công nhân ngành may nhiều người hiếm muộn.

Lúc này, họ phải áp dụng các biện pháp y khoa để điều trị cho cả hai vợ chồng hoặc thụ tinh ống nghiệm. Dẫn đến việc các lao động nữ thường phải nghỉ dài ngày từ 3-6 tháng, thậm chí hàng năm mới có thể mang thai, khi mang thai cũng phải nghỉ làm để theo dõi.

Do phải nghỉ việc không lương trên 14 ngày, những lao động này bị gián đoạn thời gian đóng BHXH, không đáp ứng được điều kiện đóng từ đủ 3-6 tháng trong thời gian 12 tháng liền kề trước khi sinh con như luật hiện hành. Từ đó họ không được hưởng chế độ thai sản (dưỡng thai, hưởng chế độ khi sinh con) mặc dù trước đó đã có thời gian đóng BHXH từ 5 năm liên tục trở lên.

Theo kết quả Tổng điều tra dân số năm 2019 và công bố của Cục Dân số - Bộ Y tế trong những năm gần đây, 21 tỉnh, thành có mức sinh rất thấp và đang phải thực hiện các giải pháp khuyến sinh. Tại các tỉnh, thành này là nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, trong đó có rất nhiều doanh nghiệp dệt may đóng trên địa bàn.

Vì vậy, Phó chủ tịch Công đoàn Dệt may Việt Nam kiến nghị dự luật nên bổ sung quy định về điều kiện hưởng chế độ thai sản cho các trường hợp hiếm muộn do phải nghỉ việc không lương dài ngày để điều trị. Đối tượng là lao động nữ đã có thời gian đóng BHXH 5 năm liên tục trở lên.

Liên quan đến các quy định này, Bộ LĐ-TB&XH cho biết sẽ tiếp thu để xem xét, nghiên cứu chỉnh lý trong dự thảo luật.

Riêng đề xuất tăng thời gian nghỉ thai sản đối với lao động nam, Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng thời gian qua Quỹ thai sản có mức thu chi ngang nhau. Nếu tăng thời gian nghỉ mà không đi đôi với tăng tiền đóng vào quỹ thì chắc chắn không đảm bảo được khả năng cân đối nguồn quỹ trong ngắn hạn.

Theo Vụ BHXH, hiện nay lao động nam đang có nhiều quyền lợi trong chính sách thai sản. Ngoài được nghỉ 5-14 ngày khi vợ sinh con, trong trường hợp đặc biệt như người vợ không đủ sức khỏe chăm sóc cho con thì lao động nam cũng được nghỉ và hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 6 tháng tuổi.

Đề xuất tăng mức trợ cấp thai sản cho người tham gia BHXH tự nguyện

Theo dự thảo Luật BHXH, người tham gia BHXH tự nguyện sẽ được hưởng 2 triệu đồng khi sinh con, nguồn tiền do ngân sách Nhà nước đảm bảo. Tuy nhiên, trong góp ý mới đây, công đoàn tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị nâng mức hưởng lên 3,6 triệu đồng để bằng mức hưởng của đối tượng đóng BHXH bắt buộc và điều chỉnh tăng lên theo lương cơ sở vào từng thời điểm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm