Đề xuất thành lập Quỹ phòng thủ dân sự

(PLO)- Dự thảo quy định về việc thành lập Quỹ phòng thủ dân sự trên cơ sở hợp nhất Quỹ phòng chống thiên tai, Quỹ hỗ trợ phòng chống dịch.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 22-9, tiếp tục phiên họp chuyên đề pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần hai đối với dự án Luật Phòng thủ dân sự (PTDS).

Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, cho hay PTDS có phạm vi rất rộng, bao gồm tổng thể các hoạt động chuẩn bị từ thời bình và khi có chiến tranh, thảm họa, sự cố xảy ra để chủ động bảo đảm an toàn, khắc phục thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước, của nhân dân.

Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Ảnh: PHẠM THẮNG

Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Ảnh: PHẠM THẮNG

Theo Đại tướng, các quy định về PTDS liên quan đến quyền con người, quyền công dân và cần phải được quy định bằng văn bản luật để bảo đảm nguyên tắc hiến định tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp 2013: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.

Đại diện cơ quan thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho rằng phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật rộng, liên quan đến hoạt động, chính sách, biện pháp phòng chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh đã có tại nhiều luật chuyên ngành.

Vì vậy, cơ quan thẩm tra lưu ý dự thảo cần quy định những nguyên tắc, xác định những vấn đề chung, bao quát để thực hiện đồng bộ, hiệu quả hoạt động PTDS. Đặc biệt, cần nghiên cứu xác định đầy đủ những quy định khác nhau giữa dự thảo luật và các luật liên quan hoặc dẫn chiếu, đề xuất sửa đổi, bổ sung những nội dung cụ thể tại các luật khác.

Nêu ý kiến, Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho hay bà rất quan tâm đến quy định của Luật này và Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm về phòng, chống dịch bệnh. Bà Thuý Anh dẫn điều 22 dự thảo quy định về thẩm quyền ban bố, bãi bỏ cấp độ phòng thủ dân sự, theo đó quy định bốn mức độ.

“Đối chiếu với Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm thì việc phân mức độ lại phân theo kiểu khác, đó là theo mức độ của các nhóm dịch bệnh là nhóm A, nhóm B, nhóm C. Để hài hòa giữa các quy định này thì cần phải nghiên cứu thêm”- bà Thuý Anh nói và cho biết việc này còn liên quan đến thẩm quyền điều động, huy động lực lượng, phương tiện.

Một nội dung đáng chú ý khác, để bảo đảm nguồn lực cho PTDS, dự thảo quy định về việc thành lập Quỹ PTDS trên cơ sở hợp nhất Quỹ phòng chống thiên tai, Quỹ hỗ trợ phòng chống dịch.

Tuy nhiên, có ý kiến trong cơ quan thẩm tra cho rằng việc gộp hai quỹ là không phù hợp với quy định của Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Đê điều và không phù hợp với thực tiễn, tính chất của hai loại quỹ này là khác nhau. Trong khi ý kiến khác đề nghị quy định mô hình Quỹ PTDS là bắt buộc.

Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cơ bản nhất trí cần thống nhất các loại quỹ nhưng đề nghị cần báo cáo rõ hơn về quy định sáp nhập các quỹ cũng như làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong quản lý, sử dụng các loại quỹ này.

Bày tỏ băn khoăn, bà Nguyễn Thuý Anh nói Quỹ hỗ trợ phòng, chống dịch thực tế còn có những nhiệm vụ khác. “Nhiệm vụ khác đó không phải là nhiệm vụ của Quỹ Phòng thủ dân sự thì sẽ xử lý bằng nguồn nào, quỹ nào?”- bà Nguyễn Thuý Anh đề nghị làm rõ vấn đề này.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu việc dự thảo quy định hợp nhất Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai với Ban chỉ huy PTDS, gọi là cơ quan chỉ huy PTDS. “Ban phòng chống dịch không hợp nhất nhưng đi lấy quỹ của họ. Ban kia vẫn còn tồn tại mà quỹ không còn, tự nhiên mâu thuẫn, tôi thấy rất lạ” - ông Định nói và đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát việc này.

Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Tổng tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cho biết cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ rà soát các luật chuyên ngành để thiết kế bổ sung.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm