Đề xuất về ‘người nước ngoài góp ít vốn’: Chuyên gia nói gì?

Báo Pháp Luật TP.HCM số ra ngày 9-7 đăng bài “Góp tí vốn, người nước ngoài ung dung sống ở Việt Nam!” thông tin Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ vừa đề nghị HĐND TP Đà Nẵng kiến nghị Chính phủ điều chỉnh Luật Doanh nghiệp (DN), Luật Đầu tư về quy định mức vốn tối thiểu khi người nước ngoài (NNN) đầu tư tại Việt Nam.

Quan điểm của UBND TP Đà Nẵng đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều của chuyên gia, xoay quanh vấn đề cần hay không cần sửa luật.

Ông TRẦN HÀO HÙNG, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ KH&ĐT:

Thực trạng rất đáng quan tâm

Vấn đề TP Đà Nẵng nêu ra về thực trạng NNN góp vốn đầu tư là đáng quan tâm. Đề xuất về việc sửa Luật Đầu tư quy định mức vốn tối thiểu đối với NNN cũng là một trong những đề xuất cần được nghiên cứu. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng Luật Đầu tư không quy định những ưu đãi về giấy phép lao động (GPLĐ), xuất nhập cảnh và cư trú, mà quy định những vấn đề khung về ưu đãi đầu tư, trong đó có hỗ trợ về thuế, đất đai, hạ tầng…

Nếu muốn quy định mức vốn tối thiểu của NNN đầu tư vào Việt Nam, chúng ta cần phải cân nhắc nhiều mặt. Nên nhớ rằng Việt Nam đã hội nhập rất sâu rộng với hàng loạt các FTA và dĩ nhiên là có rất nhiều cam kết quốc tế. Cần phải xem xét việc quy định như vậy có phân biệt đối xử giữa đầu tư trong nước và nước ngoài hay không, có đảm bảo nguyên tắc bình đẳng trong đầu tư hay không. Việc xem xét này là rất cần thiết để vừa đáp ứng nhu cầu quản lý phát sinh từ thực tiễn, vừa không ảnh hưởng đến quyền lợi các nhà đầu tư và việc thu hút đầu tư để phát triển kinh tế-xã hội trong thời buổi hội nhập.

Ông NGUYỄN MINH ĐỨC, Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam:

Có thể không cần sửa luật

Những ý kiến của ông Thơ và TP Đà Nẵng đã nêu đúng thực trạng hiện nay ở một số nơi. Đó là việc NNN tuy góp vốn ít nhưng số vốn dù ít hay nhiều đều được coi là “đầu tư nước ngoài” (FDI). Một khi được coi là FDI thì theo luật định, nhà đầu tư được hưởng những ưu đãi về GPLĐ, xuất nhập cảnh và cư trú.

Các chuyên gia nói không phải lo việc người nước ngoài góp tí vốn mà ung dung sống ở Việt Nam. Ảnh: HTD

Tuy nhiên, đề nghị của TP Đà Nẵng là sửa Luật Đầu tư, trong đó quy định mức vốn tối thiểu mà NNN phải đầu tư để được hưởng các ưu đãi lại có vẻ không phù hợp. Bởi lẽ việc góp vốn hay đầu tư bao nhiêu là quyền của NNN, miễn là họ kinh doanh theo pháp luật của Việt Nam.

Theo tôi, với thực trạng mà TP Đà Nẵng nêu ra, vấn đề không nằm ở Luật Đầu tư hay Luật DN mà nằm ở các quy định về GPLĐ, xuất nhập cảnh và cư trú. Có lẽ chúng ta cần quy định theo hướng NNN góp vốn bao nhiêu để kinh doanh cũng được. Tuy nhiên, khi muốn được ưu đãi về GPLĐ, xuất nhập cảnh và cư trú thì phải có mức tối thiểu. Giải pháp này vừa giải quyết được việc NNN góp ít vốn mà được ưu đãi như TP Đà Nẵng nêu, vừa không ảnh hưởng đến thu hút đầu tư.

Luật sư TRƯƠNG THANH ĐỨC, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam:

Chưa phải là mối lo

Việc NNN đến Việt Nam đầu tư và hưởng lợi không phải là mối lo khi mà Nhà nước thực ra không phải mất chi phí gì cho phúc lợi mà họ được hưởng. DN lớn hay bé, vốn nhiều hay ít đều là đầu tư, kinh doanh. Xét ra họ chỉ đóng góp nhiều hay ít chứ không tạo ra gánh nặng cho Nhà nước hay xã hội khi họ không hưởng lợi ích vật chất, tiền bạc gì từ ngân sách.

Trên thực tế, có thể chúng ta quy định mức vốn đầu tư tối thiểu như nhiều quốc gia đã làm. Cần lưu ý những quốc gia đó là “điểm đến của cả thế giới”; nhiều người, nhiều nhà đầu tư ở các nước khác muốn đầu tư vào đó để định cư. Những nước ấy họ có chính sách để chặn người nhập cảnh và lựa chọn nhà đầu tư tốt. Việt Nam liệu đã phải là nơi mà các nhà đầu tư, công dân các nước tìm đến và mong muốn định cư chưa ngoài số các nhà đầu tư thực sự muốn đến Việt Nam để kinh doanh?

Do vậy, theo tôi, vấn đề này chưa đáng lo. Việc có những người lách luật, lợi dụng quy định là chuyện bình thường. Điều này chắc chắn không tệ hại bằng việc có những trường hợp khai vống vốn đầu tư lên nhưng lại chẳng bỏ ra đồng nào đầu tư.

Một chuyên gia về đầu tư nước ngoài:

Có thể tham khảo nước ngoài

Kiến nghị sửa Luật Đầu tư, Luật DN như TP Đà Nẵng đề xuất là không khả thi trong bối cảnh nguyên tắc đối xử bình đẳng phải được tuân thủ. Tuy vậy, Việt Nam cũng hoàn toàn có thể tham khảo cách thức các nước đã áp dụng để có cách ứng xử phù hợp.

Hiện các nước như Mỹ, Canada, Úc… đều khuyến khích đầu tư và có hình thức đầu tư định cư. Chẳng hạn, một số bang ở Canada có những điều kiện định cư theo diện doanh nhân như chứng minh tài chính tối thiểu tới 600.000 CAD, kèm theo đó là trình độ quản lý, khả năng tiếng Anh, đề xuất dự án hoặc mua lại công ty của Canada… Còn Úc cũng có những chương trình khuyến khích, thu hút đầu tư và định cư ở mức 200.000 ASD.

Còn ở Mỹ, thậm chí nếu chỉ đầu tư 1 USD thì Mỹ cũng hoan nghênh. Chỉ có điều với suất đầu tư quá nhỏ thì nhà đầu tư sẽ không được cấp thẻ xanh. Đương nhiên có những hình thức đầu tư định cư có mức khoảng 500.000 đến 1 triệu USD và phải được chứng minh nguồn gốc tài chính. Khi đó, nhà đầu tư sẽ được ưu đãi về cư trú.

Theo Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ, hiện nay Luật Đầu tư và Luật DN không quy định mức vốn đầu tư tối thiểu dẫn đến tình trạng một số NNN lợi dụng tham gia góp vốn đầu tư với số vốn rất ít ỏi, có những trường hợp chưa tới 50 triệu đồng. Trong khi đó, họ lại hưởng rất nhiều ưu đãi như được miễn GPLĐ, được cấp thẻ tạm trú ở lại Việt Nam lâu dài… Do đó, cần điều chỉnh Luật DN, Luật Đầu tư theo hướng quy định mức vốn tối thiểu khi NNN đầu tư tại Việt Nam. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm