Đề xuất xây cầu Rạch Miễu 2 bằng vốn ngân sách Nhà nước

Sáng 11-3, tại tỉnh Bến Tre, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã có buổi làm việc với lãnh đạo các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Đồng Tháp về dự án xây cầu Rạch Miễu 2 và một số dự án trọng điểm ở khu vực ĐBSCL.

Dự án cầu Rạch Miễu 2 đã được Thủ tướng chính phủ chấp nhận cho chủ trương xây dựng. Qua nghiên cứu thực địa, các đơn vị tư vấn đã đề xuất hai phương án tuyến để xây cầu Rạch Miễu 2.

Phương án 1: Song song và cách cầu Rạch Miễu hiện tại. Phương án 2:  Cách cầu Rạch Miễu hiện hữu 3,8 km về phía thượng lưu. Theo thiết kế, quy mô cầu chính: bốn làn xe, bề rộng mặt cầu Bc=17,5 m, dài khoảng  12,5 km, kết cấu nhịp chính dây văng. Tổng vốn đầu tư trên 4.600 tỉ đồng...

Nỗi ám ảnh của người tham gia giao thông qua QL60 và cầu Rạch Miễu dịp Lễ, Tết.

Sau khi đơn vị tư vấn thiết kế trình bày hai phương án trên, ông Cao Văn Trọng – Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre và ông Phạm Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đã thống nhất vị trí, hướng tuyến cầu Rạch Miễu 2 sẽ được đầu tư cách cầu Rạch Miễu hiện hữu 3,8 km về phía thượng lưu. Mục đích nhằm phân lưu lượng giao thông, giảm ùn tắc giao thông trên QL60, giảm ùn tắc giao thông tại cầu Rạch Miễu hiện tại, giảm tải cho QL1. Đồng thời phát huy hết hiệu quả các dự án đầu tư trên tuyến QL60 và cao tốc TP.HCM- Trung Lương.

Về nguồn vốn, theo Bộ GTVT, qua nghiên cứu việc đầu tư dự án theo hình thức PPP (hợp tác công tư) tại thời điểm hiện nay là khó khả thi. Nguyên nhân việc đầu tư Dự án cầu Rạch Miễu 2 theo hình thức PPP sẽ ảnh hưởng và xung đột lợi ích của Nhà đầu tư BOT nói trên; phương án tài chính cho dự án còn nhiều bất cập do chi phí đầu tư khá lớn, thời gian hoàn vốn kéo dài.

Mặt khác, với tổng chiều dài 115 km trên tuyến QL60 hiện nay đã triển khai ba dự án đầu tư theo hình thức BOT (Đầu tư-  kinh doanh- chuyển giao).  Cụ thể: Dự án đầu tư xây dựng cầu Rạch Miễu nối tỉnh Tiền Giang và Bến Tre (hoàn thành năm 2009); Dự án đầu tư xây dựng cầu Cổ Chiên nối 2 tỉnh Bến Tre và Trà Vinh (hoàn thành năm 2015) và Dự án nâng cấp, mở rộng, xây dựng 4 đoạn tuyến QL60 nối cầu Rạch Miễu đến cầu Cổ Chiên thuộc giai đoạn 2 Dự án xây dựng cầu Rạch Miễu (dự kiến hoàn thành năm 2019).

Các dự án trên sẽ kết thúc thời gian thu phí muộn nhất vào năm 2033. Vì vậy, nếu tiếp tục đầu tư xây dựng cầu Rạch Miễu 2 thì mật độ các trạm thu phí trên tuyến QL60 sẽ dày đặc, hiện tại trạm thu phí cầu Rạch Miễu hiện hữu (tận dụng thu cho giai đoạn 2) cách trạm thu phí cầu Cổ Chiên là 45 km. Do đó việc đầu tư xây dựng cầu Rạch Miễu 2 theo hình thức PPP khó khả thi.

Ông Phan Văn Mãi – Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Bến Tre mong rằng, việc xây cầu Rạch Miễu 2 trên tuyến QL60 là rất cấp thiết. Bởi thực tế hiện nay, lưu lượng giao thông hiện nay qua tuyến QL60 và cầu Rạch Miễu tăng 25% so với ngày thường. Cùng với sự phát triển mật độ giao thông như hiện nay thì dự báo khoảng ba năm tới lưu lượng giao thông cầu Rạch Miễu hiện tại ngày nào cũng như ngày Tết.

Lãnh đạo tỉnh Bến Tre báo cáo Bộ trưởng về tính cấp thiết cần sớm có cầu Rạch Miễu 2. 

Như vậy không chỉ ùn tắc, kẹt xe cản trở sự phát triển mà còn nguy cơ rất lớn an toàn cho công trình cầu khi ùn tắc liên tục xảy ra. Vì vậy áp lực hiện nay cần sớm có cầu Rạch Miễu 2 càng nhanh càng tốt giải tỏa áp lực giao thông cho cầu Rạch Miễu hiện tại. Đây là là nỗi bức xúc của địa phương và người tham gia giao thông qua tuyến.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, việc xây cầu Rạch Miễu 2 hiện nay là rất cần thiết. Để gấp rút triển khai nhanh việc xây dựng cầu Rạch Miễu 2 trên tuyến QL60, Bộ GTVT giao Tổng cục đường Bộ VN phối hợp các đơn vị liên quan báo cáo về Bộ GTVT và cung cấp tài liệu cho đơn vị tư vấn về tình trạng ùn tắc giao thông xảy ra tại cầu Rạch Miễu trong thời gian gần đây để minh họa thực cho việc quá tải tại cầu Rạch Miễu là rất nghiêm trọng báo cáo nhanh về Bộ GTVT. Từ đó, để các Bộ ngành Trung ương cùng nghiên cứu để giải quyết “nút thắt” tại cầu Rạch Miễu.

Cầu Rạch Miễu quá tải 

Vì những bức xúc như vậy, qua báo cáo, Bộ GTVT làm căn cứ trình xin Chính phủ xin chuyển từ nguồn vốn ODA (vốn vay Hàn Quốc) sang vốn ngân sách Nhà nước để xây cầu Rạch Miễu 2  nhằm rút ngắn thời gian vì thực tế cầu Rạch Miễu đang diễn ra tình trạng ùn tắc nghiêm trọng. Vì nếu vay vốn ODA Hàn Quốc hiện nay phải qua nhiều thủ tục rườm rà, phức tạp và kéo dài nhiều năm thì tình trạng ùn tắc giao thông cầu Rạch Miễu hiện tại sẽ còn tiếp tục kéo dài.

“Phương án tối ưu về vốn hiện nay là sử dụng ngân sách nhà nước để rút ngắn được thời gian để có cầu Rạch Miễu 2 sớm và giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông cho cầu Rạch Miễu là khả thi hơn”- Bộ trưởng Bộ GTVT nhấn mạnh.

Bộ trưởng Thể còn cho biết, sau khi đã hoàn chỉnh các báo cáo, Bộ GTVT sẽ trình Chính phủ và Quốc hội xem xét phương án sử dụng vốn ngân sách cho cầu Rạch Miễu 2 trong thời gian tới.

 

Cầu Rạch Miễu nằm trên tuyến QL60, có tổng chiều dài hơn 8 km, quy mô 2 làn xe, tổng vốn đầu tư khoảng 1.400 tỉ đồng, được hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2009. Cùng với cầu Cổ Chiên, cầu Hàm Luông khánh thành và thông xe kết nối hành lang duyên hải phía đông ĐBSCL, lượng phương tiện lưu thông trên tuyến QL60 tăng  đột biệt, dẫn đến tình trạng thường xuyên kẹt xe, ùn tắc giao thông nghiêm trọng nhất là ùn tắc tại cầu Rạch Miễu  vào các ngày nghỉ cuối tuần hay dịp lễ Tết.  Nguyên nhân là do người dân từ các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng,… lưu thông qua tuyến này  rất đông nhằm rút ngắn khoảng cách về TP.HCM và ngược lại.

Trong tương lai, cầu Đại Ngãi  (bắc qua sông Hậu, nối hai tỉnh Trà Vinh - Sóc Trăng) đang được xúc tiến đầu tư xây dựng sẽ nối thông toàn tuyến để khai thác thế mạnh toàn bộ các tỉnh phía đông của khu vực Tây Nam Bộ như Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau... Khi tuyến QL 60 thông suốt sẽ rút ngắn 80 km so với QL1 khi di chuyển từ tỉnh Cà Mau đi TP.HCM, góp phần vực dậy tiềm năng kinh tế xã hội các tỉnh duyên hải miền Tây Nam Bộ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm