Ngày 13-12, Viện Nghiên cứu Đời sống xã hội đã tổ chức tọa đàm công bố kết quả định tính về câu chuyện sức khỏe và sinh kế của người lao động ngoài trời tại các đô thị Việt Nam trước các thách thức từ biến đổi khí hậu.
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đời sống xã hội, viện đã nghiên cứu thực địa quy mô lớn tại TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng và Cần Thơ, tiến hành phỏng vấn sâu kéo dài từ 60 đến 90 phút với các nhóm người lao động đa dạng, gồm người bán hàng rong, thợ xây dựng, người khuân vác…
Nhóm nghiên cứu của viện đã trực tiếp đồng hành cùng người lao động ngoài trời như ngồi bán hàng dưới nắng 40 độ C hoặc che chung tấm bạt dưới mưa bão, từ đó phát hiện chiến lược sinh kế của người lao động ngoài trời qua nghiên cứu thực địa.
Kết quả cho thấy, nhiều người lao động chọn công việc tự do như một quyết định chủ động, dù công việc này đầy thử thách và có sự khác biệt trong quan điểm này.
Cụ thể, nam giới thường không hài lòng với các quy tắc gò bó. “Nghĩ đến cái cảnh vô công ty làm phải mặc đồng phục rồi có mặt đúng giờ, tôi không có thích” - một người lao động tự do chia sẻ.
Trong khi đó, với nữ giới, sự linh hoạt là yếu tố quan trọng để cân bằng giữa công việc và gia đình. Với người cao tuổi, lao động tự do không chỉ là kiếm sống mà còn giúp duy trì độc lập tài chính và phẩm giá. “Chú không xin tiền con cái, muốn con tôn trọng mình thì phải tự chủ” - một cụ ông làm tài xế xe ôm chia sẻ.
Ngoài ra, người lao động ngoài trời thường tìm đến các giải pháp y tế không chính thống và chi phí thấp do rào cản về tài chính.
“Do đó, nhóm nghiên cứu đề xuất phát triển đề án bảo hiểm y tế chuyên biệt có cơ chế đóng phí linh hoạt dựa trên thu nhập thực tế và phát triển các mô hình chăm sóc sức khỏe cộng đồng phù hợp với đặc thù của người lao động.
Ngoài ra, lao động ngoài trời thường tìm kiếm thông tin sức khỏe qua mạng xã hội và học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp. Điều này gợi ý việc cần thiết lập các kênh thông tin y tế chính thống nhưng dễ tiếp cận như ứng dụng di động ICAN.
Ứng dụng này sẽ cung cấp các tính năng theo dõi sức khỏe cá nhân và báo cáo các dữ liệu liên quan, giúp quản lý và người lao động có thể theo dõi sức khỏe theo thời gian và nhận diện các nguy cơ bệnh lý.
Ngoài ra, chúng ta nên tổ chức khám sức khỏe tổng quát miễn phí một lần mỗi năm để giảm gánh nặng chi phí y tế và khuyến khích họ kiểm tra sức khỏe định kỳ" - PGS.TS Nguyễn Đức Lộc cho hay.
Cũng tại hội nghị, ông Nguyễn Minh Nhựt, Phó Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM, cho biết các chính sách mà nhóm nghiên cứu đề xuất có tính khả thi cao, đặc biệt là bảo hiểm y tế chuyên biệt dành cho lao động ngoài trời.
“Tôi đề xuất xây dựng mô hình đóng bảo hiểm y tế chuyên biệt theo tỷ lệ phần trăm thu nhập. Để tiếp cận gần hơn, cần phải có vốn mồi từ ngân sách nhà nước, người dân, chính quyền và các tổ chức phi chính phủ để đảm bảo tính bền vững” - ông Nhựt nói.
Cạnh đó, ông Nhựt cho rằng ứng dụng ICAN cần đảm bảo ít nhất hơn 50% lao động ngoài trời được cho là đã sở hữu điện thoại thông minh, nhưng vấn đề kết nối internet ổn định vẫn còn là một rào cản. Ngoài ra, ứng dụng cần được lập trình theo hướng máy học, để nhận diện các xu hướng sức khỏe từ số liệu thu thập được.
“Ứng dụng ICAN cần tích hợp bảng kiểm sức khỏe, cung cấp lời khuyên về các chuyên khoa cần khám, tập trung vào các bệnh lý phổ biến ở người lao động ngoài trời như tim mạch, tiêu hóa, hô hấp, da liễu.... Cạnh đó, cần kết hợp với quỹ an sinh xã hội và các tổ chức, doanh nghiệp. Để người lao động làm quen, dịch vụ nên được cung cấp miễn phí trong 1-2 năm đầu” - ông Nhựt cho hay.