Cú đổ người của Buffon ở tuổi 38 trong loạt luân lưu thứ chín như thể bị ma ám. Anh đón đúng hướng, đổ người trước bóng nhưng lại để quả bóng không hiểm đấy lọt đúng vào khe nách. Nó hoàn toàn khác hẳn với một Buffon là người hùng trong trận chung kết World Cup 10 năm trước ở nước Đức cũng trên chấm 11 m: Trong cú đổ người sai hướng, Buffon vẫn kịp dùng cái chân thần thánh của mình phá quả bóng ra ngoài.
Ý đã dừng cuộc chơi nhưng người Ý trong một đêm không tin có thượng đế cũng không tin nổi tại sao mình lại thất bại một cách cay đắng như thế. Nó cũng giống như người Đức liên tục trải qua nhiều thái cực. Từ bàn thắng của Ozil đến cái tay của Boateng như một tay chơi bóng rổ vung lên khi cản cú ném bóng của đối thủ; rồi hàng loạt bàn thắng treo trước mũi giày cứ trôi qua cho đến lúc Schweinsteiger đưa quả luân lưu thứ năm lên trời và nín thở chờ từng phát ân huệ.
Bonicci (trái) ghi bàn trên chấm 11 m giúp Ý gỡ hòa 1-1 nhưng lại thất bại ở loạt luân lưu. Cùng lúc Muller (13) đen đủi suốt 480 phút kể từ đầu giải lại đen cả ở chấm luân lưu. Ảnh: GETTY IMAGES
Cuộc chiến Đức-Ý được truyền thông “bơm” lên đến đỉnh điểm không chỉ vì những cuộc chạm trán lịch sử. Trước đó chính người Ý đã viết lại lịch sử khi dùng lối đá tấn công làm ngợp nhà vô địch Euro 2012 - Tây Ban Nha, mở ra một cuộc cách mạng trong bóng đá Ý dưới thời Conte.
Xét cho cùng thì về con người, Ý của năm 2016 không mạnh như Ý thời Bearzot đăng quang ở Espana 1982 hay Ý thời Lippi vô địch World Cup 2006 10 năm trước. Ý của Conte không có một nhạc trưởng đúng nghĩa nhưng khó tìm được lỗ rò nơi 11 con người trên sân dù họ vào sân từ những giải pháp tình thế.
Còn Đức của Euro 2016 không được đánh giá cao như Đức đã vô địch World Cup hai năm trước nhưng lại là Đức nhiều lúc dám chơi một phiên bản biến thể của Tiqui-taka. Họ rà và rê bóng không chỉ ở trung lộ mà còn phát triển ra hai biên giống với cái cách các cầu thủ bóng rổ và bóng ném tìm khe trước vạch 6 m.
Đó cũng là lý do còn cả bán kết và chung kết nhưng giới chuyên môn đã mạnh mẽ chỉ ra rằng “nốt nhạc cuối” xương nhất của Ý tại Euro chính là nhà vô địch thế giới Đức ở tứ kết. Và các cầu thủ Ý ra sân không De Rossi, không Motta nhưng vẫn làm khổ người Đức bởi lối chơi mưu mẹo xuất phát từ cái nền phòng ngự khoa học.
Nếu 10 năm trước tại Dortmund (Đức), hậu vệ Grosso và tiền vệ Del Piero đã kết liễu chủ nhà Đức trong trận chung kết nghẹt thở kéo dài đến hai hiệp phụ thì rạng sáng qua, người Ý chỉ tìm được bàn thắng từ quả 11 m do cái tay ngớ ngẩn của Boateng.
Đêm không tin có thượng đế cũng là đêm rất điên của hai đội bóng. Một đêm mà lịch sử bóng đá thế giới sẽ còn nhắc lại rất nhiều lần bởi những cái chân ngọc ngà bỗng trở nên thô kệch. Như bước đà kiểu phi nước kiệu của Zaza (Ý) rồi bắn quả bóng lên trời ngay loạt luân lưu thứ hai. Hay vận đen cứ đeo bám vua phá lưới một thời Muller (Đức) suốt 480 phút rồi sang đến loạt luân lưu thứ nhì. Đêm mà những người hùng của bóng đá Đức ngày nào cỡ Ozil, Schweinsteiger trước vạch 11 m lại không thể đưa quả bóng lọt vào cầu môn rộng 7,32 m. Đêm mà đội trưởng Schweinsteiger như bị ma ám khi lá thăm được chọn cầu môn thực hiện luân lưu thì anh lại chỉ sang cầu môn mà phía sau kín mít các cổ động viên Ý. Sau đó thì cũng chính anh được trao sứ mệnh quyết định số phận trận đấu ở quả luân lưu thứ năm thì lại bắn quả bóng lên trời giống Platini, Maradona ngày nào.
Chỉ năm loạt sút đầu mà đã có đến sáu cầu thủ chia đều cho hai đội bất lực trước chấm 11 m. Một hiệu suất kinh hoàng trong lịch sử khiến trận đấu phải kéo dài đến loạt luân lưu thứ chín.
Sẽ có nhiều người khóc cho dấu chấm hết của một đội Ý hào hùng nhưng cũng rất nhiều người đau tim và nghẹt thở vì chọn cách thắng điên rồ của đội Đức…