“Lời khai chỉ là một trong các yếu tố, còn dấu vết vật chất được xác định qua kỹ thuật hình sự, dấu vết ADN”. Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, khẳng định như thế khi chủ trì cuộc họp báo chiều qua tại Công an huyện Chơn Thành, Bình Phước. Ông còn lưu ý cơ quan tố tụng đảm bảo sự tham gia của luật sư để đảm bảo quyền lợi luật định cho can phạm.
Điều gì? Vì sao lại thế? Ông hàng xóm nhà tôi thì nói rằng trời ơi tụi này “ác không đỡ nổi”. Vâng, một công nhân làm thuê được gia đình chủ cưu mang, nghĩa còn chưa trả hết; chàng trai quê được con gái chủ công ty thương yêu, tình vẫn chưa phai. Thế mà nhẫn tâm lên kế hoạch tỉ mỉ và lạnh lùng giết sạch gia đình người ơn. Nỗi đau mất người thân của gia đình họ lớn bao nhiêu thì sự thảng thốt của xã hội về sự chuyển hóa tội ác cũng lớn như thế!
Sau cái sốc ban đầu, xã hội vẫn mong chờ phải chi tội ác do một băng tội phạm chuyên nghiệp gây ra để cướp của hoặc được ai đó thuê mướn trả thù cá nhân. Thì vẫn kinh hoàng và phẫn uất đấy nhưng sau đó người ta dễ nguôi ngoai. Đằng này tội ác “trời không dung đất không tha” được gây ra bởi hai công nhân gỗ sinh ra trong hai gia đình lương thiện và bản thân chúng cũng lương thiện cho đến ngày vấy máu thì cái mất và sự sụp đổ nhất là về con người. Xã hội bị ám ảnh khôn nguôi và từ nay người ta liệu có còn chia sẻ yêu thương và tin cậy nhau như trước? Một khách ở quê ra liệu có còn dễ dàng tìm thấy nụ cười thân thiện mời mọc của chủ nhà ở phố mời lai rai chung rượu và nghỉ lại qua đêm, nói chuyện quê nhà? Tội ác đã cướp đi sáu mạng người, còn dư chấn của nó giết đi nhiều niềm tin quá!
Nếu chúng ta tự hỏi lòng mình có lỗi gì không thì đa phần sẽ tự trả lời rằng mình đau xót, ngậm ngùi cho nạn nhân, mình căm phẫn tội ác làm sao có lỗi!
Tôi thì nghĩ có! Lỗi ấy nằm trong ta khi mải miết lần giở tin tức về tội ác, khi chia sẻ trên mạng xã hội những thông tin máu me chỉ để thỏa hiếu kỳ. Một nhà báo chiều qua viết trên trang cá nhân của mình: “Xã hội đang chạy đua theo sự hiếu kỳ vô cảm. Được share nhiềunhất trong 24 giờ qua, không gì khác hơn, chính là những bức ảnh nghi phạm và nạn nhân từng được dán trên tường Facebook của kẻ vừa bị bắt... Khi chủ nhân của chúng còn được xem là lương thiện, trong vài năm những bức ảnh chỉ nhận được vài like, vài comments. Khi lộ hình quỷ dữ, hàng ngàn lượt share chỉ trong hơn chục giờ đồng hồ. Bộ mặt của cái ác có sức hút ghê gớm! Sự hiếu kỳ đang dẫn tương lai chạy đua về hướng dã man!”.
Lỗi ấy nằm trong anh nhà báo khi khai tháckiệt cùng nhân thân nạn nhân để phục vụ cho sự hiếu kỳ. Lỗi ấy trong mỗi chúng ta khi thích chứng kiến, nghe ngóng và ít đi sự đấu tranh, tẩy chay thông tin về cái ác.
Khi sự hiếu kỳ, bàng quan và vô trách nhiệm không được bản thân nhìn thấy, cũng không bị ai nhắc nhở, lâu dần nó tạo thành xu thế, cuốn những đứa trẻ hôm qua thành sát thủ ngày mai.
Hình như mỗi chúng ta đều có lỗi khi những người lương thiện, sau một đêm, biến thành kẻ ác?