Vụ thảm sát ở Bình Phước: Không giết người, vẫn bị khởi tố, vì sao?

Trên số báo trước, chúng tôi đã thông tin Công an tỉnh Bình Phước xác nhận đã khởi tố, bắt tạm giam bốn tháng đối với Trần Đình Thoại để điều tra về tội giết người, cướp tài sản. Theo Công an tỉnh Bình Phước, bước đầu xác định Thoại và Dương đã bàn bạc kế hoạch gây án nhiều ngày trước đó. “Đêm 5-7, Dương đã chở Thoại đến nhà ông Lê Văn Mỹ và gọi điện thoại cho cháu Dư Minh Vỹ ra mở cửa nhưng có thể lúc đó cháu Vỹ ngủ say nên không nghe máy. Đợi không được, Dương và Thoại quay trở về TP.HCM. Đến ngày 6-7, Dương tiếp tục rủ Thoại nhưng Thoại không đi nữa. Sau đó, Dương quay ra rủ Tiến và ngày 7-7, Dương cùng Tiến đã gây ra vụ thảm sát. Việc Thoại không gây án đêm 5-7 vì lý do khách quan là cháu Vỹ không mở cửa” - Công an tỉnh Bình Phước cho hay.
Nhiều bạn đọc thắc mắc rằng theo Điều 19 BLHS thì người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự về tội định phạm, nghi can Thoại có được xem là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội không?

Đại tá Trần Thắng Phúc, Giám đốc Công an tỉnh Bình Phước, cho biết: Có một số loại tội phạm nửa chừng chấm dứt hành vi phạm tội rồi đi tự thú, tố giác hành vi của đồng bọn thì tùy một số loại tội danh mà cơ quan tố tụng xem xét miễn trách nhiệm hình sự. Không phải hành vi nào nửa chừng chấm dứt việc phạm tội cũng được miễn trách nhiệm hình sự.

Thường trong giai đoạn phạm tội nếu chỉ mới chuẩn bị nhưng chưa gây ra hành vi phạm tội thì hiếm khi người đó đi tự thú. Nếu trong một vụ án có nhiều người chuẩn bị đi gây án nhưng có một người nửa chừng quay về rồi đi tố cáo hoặc biết âm mưu gây án của đồng bọn mà đi tố cáo để hành vi phạm tội không xảy ra thì được xem là nửa chừng chấm dứt hành vi phạm tội - trường hợp cụ thể vậy có thể xem xét miễn trách nhiệm hình sự.

Trong trường hợp vụ thảm sát ở Bình Phước, nghi can thứ ba là Trần Đình Thoại bị khởi tố, bắt giam vì đã cấu thành hành vi phạm tội dù không trực tiếp gây án. Trước đó Dương đã bàn bạc với Thoại về kế hoạch gây án. Ngày 5-7, Dương và Thoại đến căn nhà để chờ cháu Vỹ ra mở cửa. Tuy nhiên, cháu Vỹ không ra mở cửa nên cả hai quay về. Đến ngày hôm sau, Thoại từ chối không đi nữa. Như vậy ở lần đầu hành vi của Thoại đã cấu thành tội phạm, vì lý do khách quan là nạn nhân Vỹ chưa mở cửa nên Thoại mới quay về. Lần hai thì Thoại không tham gia - có nghĩa là giữa chừng chấm dứt hành vi phạm tội nhưng Thoại lại không đi tố giác.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm