“Đã đến lúc phải lập một “siêu ủy ban” phòng, chống tham nhũng và có thẩm quyền vượt trội. “Siêu ủy ban” đó phải do Quốc hội phê chuẩn, chịu trách nhiệm trước Quốc hội” - ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương, đã đề xuất như thế khi chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM xoay quanh vấn đề kiểm soát quyền lực.
Căn bệnh “lạm quyền”
. Phóng viên: Quyền lực và sự tha hóa quyền lực là hai vấn đề không mới nhưng biết là một chuyện, giải quyết được vấn đề này lại là chuyện không hề đơn giản. Ông nhìn nhận về vấn đề này như thế nào?
+ Ông Nguyễn Đình Hương: Chỉ sau hơn một tháng đọc Tuyên ngôn độc lập (ngày 2-9-1945) khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có ngay “Thư gửi ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng” (ngày 17-10-1945). Bác viết:
“Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”.
Thế nhưng trong thực tế, khi quyền lực nhà nước được trao cho con người cụ thể thì quyền lực ấy có khi lại bị vận động theo xu hướng chủ quan của người sử dụng, trở thành đối lập với chính mình lúc ban đầu. Bác gọi đó là sự tha hóa của quyền lực. Tha hóa quyền lực biến quyền lực nhân dân thành quyền lực của cá nhân hay của các nhóm quyền lực, làm méo mó mục đích quyền lực nhà nước là phục vụ nhân dân.
Lạm dụng quyền lực, biến quyền lực công thành ý chí cá nhân để trục lợi đang là hiện tượng diễn ra không phải ít trong các giới chức Việt Nam hiện nay. Những vụ án tham nhũng lớn gần đây như vụ án Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Phạm Công Danh và những vụ tới đây sẽ được đưa ra xét xử, thậm chí sẽ bị khởi tố điều tra là những minh chứng cụ thể và mới nhất về điều đó.
. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành quy định của Bộ Chính trị về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Đặc biệt, Bộ Chính trị quy định cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý phải là những cán bộ (ngoài các tiêu chuẩn khác) tuyệt đối không tham vọng quyền lực. Vì sao lại nhấn mạnh không tham vọng quyền lực?
+ Quyền lực vốn là một yếu tố tạo nên kỷ luật của tổ chức và kỷ cương trật tự xã hội. Nhưng lòng mê quyền lực, lạm dụng quyền hành thì lại làm tha hóa con người, làm cho người cán bộ tự huyễn hoặc về những cái mình không có. Lòng say mê quyền lực đồng dạng với óc quân phiệt, quan liêu. Cái đầu óc “ông tướng, bà tướng” ấy đã gây ra bao ác cảm, bao chia rẽ, làm cho cấp trên xa cấp dưới, xa nhân dân. Người ham mê quyền lực thường lạm dụng quyền lực được giao. Họ độc đoán, nịnh trên, nạt dưới, cậy mình có chức quyền rồi ngang tàng, phóng túng, muốn sao làm vậy, coi thường dư luận, coi thường kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Kẻ ham mê quyền lực thường lợi dụng chức quyền để vụ lợi, vơ vét tiền bạc. Thói si mê quyền lực đang dẫn đến tình trạng chạy chức, chạy quyền… Sự “chạy” đó đã biến tướng thành lối sống vô văn hóa, trở thành nguy cơ trực tiếp làm giảm uy tín của Đảng cầm quyền.
Ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương.
Vì vậy, việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành “Quy định của Bộ Chính trị về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý” là hết sức cần thiết.
Tham vọng quyền lực đẻ ra “bè phái, cánh hẩu”
. Có lần Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói một trong những biến thể rõ nét nhất của tham vọng quyền lực là căn bệnh “bè phái, cánh hẩu, lợi ích nhóm”. Theo ông thì căn bệnh này được nhìn nhận như thế nào?
+ Bệnh này thường gây ra tai hại lớn, làm nội bộ mất đoàn kết, Đảng mất cán bộ và làm hỏng việc. “Cánh hẩu” là biểu hiện của óc bè phái, ai hẩu với mình thì dù nói không đúng cũng nghe, tài không có cũng dùng. Ai không hẩu với mình thì dù có tài cũng dìm họ xuống, họ phải mấy cũng không nghe, hoặc như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng chỉ ra: “Có những đồng chí còn giữ thói “một người làm quan cả họ được nhờ”, đem bà con, bạn hữu đặt vào chức này việc kia, làm được hay không, mặc kệ”.
“Cánh hẩu” ngày nay đã trở thành “lợi ích nhóm” của một số không nhỏ cán bộ chi phối chính sách, làm sai lệch nguyên tắc tập trung dân chủ, là nguy cơ sự tồn vong của Đảng cầm quyền.
. Những căn bệnh mà chúng ta vừa đề cập tới thực ra đã được nói tới nhiều, nhiều giải pháp để điều trị cũng đã được đưa ra. Tuy nhiên, vẫn muốn nghe ý kiến của cá nhân ông?
+ Thực tế lịch sử từ trước tới nay cho thấy tệ tham nhũng là một căn bệnh khó chữa của các chế độ nhà nước, nó thường xuất hiện cùng với những người nắm giữ trong tay quyền lực. Vì vậy, khi đã trở thành đảng cầm quyền, Đảng ta phải có cơ chế để kiểm soát quyền lực, để kiểm tra mọi đảng viên và tổ chức đảng.
Hay nói một cách khác, quyền lực không thể trao cho ai mà không cần kiểm soát. Nó là con dao hai lưỡi. Nó có thể biến người sử dụng nó từ một người chưa xấu trở thành người xấu, biến người sử dụng nó thành nô lệ cho nó. Mấy chục năm sau khi thống nhất đất nước, Đảng ta đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị về xây dựng Đảng. Nội dung các văn kiện ấy cơ bản đều đúng nhưng tình hình tham nhũng, “lợi ích nhóm”, mua quan bán chức…, gọi chung là thoái hóa, không dừng lại mà còn tăng lên, lan rộng hơn, gây nhức nhối hơn, làm cho lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước giảm sút.
. Ý ông là trên phải nghiêm thì dưới mới không dám lũng đoạn. Ông có thể nói rõ hơn là “trên phải nghiêm” như thế nào, thưa ông?
+ Trong hơn 50 năm làm công tác tổ chức phục vụ nhiều Đại hội Đảng, tôi nghiệm ra rằng điều quan trọng nhất là phải chọn ra được một Bộ Chính trị thật chuẩn xác. Lãnh đạo cấp cao trong sạch thì sẽ hạn chế được rất nhiều tệ lạm dụng quyền lực của đội ngũ cán bộ dưới quyền; không lo nhóm lợi ích thao túng, lũng đoạn, làm hỏng cán bộ.
Trong cơ cấu tổ chức của chúng ta hiện nay không có một cơ chế nào đủ quyền lực bằng các ủy viên Bộ Chính trị, là trung tâm quyền lực và kiểm soát quyền lực. Chỉ cần mỗi ủy viên Bộ Chính trị trong sạch và không liên quan đến nhóm lợi ích thì đã là hạnh phúc cho Đảng lắm rồi.
Ngoài ra, người đứng đầu các bộ, các ngành, các địa phương phải trong sạch mới kiểm soát được cán bộ dưới quyền lạm quyền; trong đó phải nói đến các cơ quan tham mưu như Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tổ chức, Tổng Thanh tra, Kiểm toán Nhà nước, Bộ Công an là những cơ quan giúp Đảng và Nhà nước để kiểm soát tệ tham nhũng, quan liêu có hiệu quả nhất. Nếu bố trí người đứng đầu các cơ quan có chức năng kiểm tra, giám sát, điều tra và quản lý cán bộ không chuẩn xác thì ví như Bao Công mà không có Triển Chiêu. Thực tế đã chứng minh cơ quan tham mưu không sạch thì bỏ sót tội phạm. Vụ Vinashin là một thí dụ điển hình.
Kiểm soát quyền lực một cách độc lập
. Trước tình hình và yêu cầu hiện nay, theo ông đã đến lúc phải có một “siêu ủy ban” được luật hóa để giám sát quyền lực. Và nếu có thì ông hình dung “siêu tổ chức” này có những quyền hạn gì?
+ Chúng ta cần có cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước một cách độc lập do luật pháp quy định. Vì vậy đã đến lúc phải có một tổ chức có thẩm quyền lớn hơn Ủy ban Kiểm tra Trung ương hiện nay, do Quốc hội phê chuẩn, chịu trách nhiệm trước Quốc hội.
Ủy ban này có nhiệm vụ: Một là, tiến hành các cuộc điều tra làm rõ trách nhiệm chính trị và trách nhiệm pháp lý đối với những quan chức cấp cao ở trung ương và địa phương khi họ có dấu hiệu vi phạm pháp luật và chuẩn mực đạo đức công vụ và những vụ việc gây bức xúc trong dư luận; khởi tố và truy tố, điều tra (hoặc chuyển viện kiểm sát truy tố) những đối tượng này trước tòa.
Hai là, thực hiện chức năng kiểm soát tổ chức và hoạt động của các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn kinh tế nhà nước. Các tổ chức, cá nhân, bất kể là ai, ở cương vị nào, trong hay ngoài Đảng, nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc đạo đức công vụ, đều phải bị điều tra.
. Xin cám ơn ông.
Quyền lực không được kiểm soát sẽ làm bộ máy biến chất TS VŨ NGỌC HOÀNG Việc kiểm soát quyền lực vừa là giá trị nhân văn của một xã hội tiến bộ, phòng chống sự tha hóa của Nhà nước và xã hội, đồng thời là để thực hiện mục tiêu XHCN chân chính, để có được một nhà nước bền vững lâu dài phục vụ nhân dân. Khi quyền lực không được kiểm soát thì mặt trái của nó chính là tác nhân quan trọng nhất làm tha hóa cán bộ, tha hóa những con người được trao quyền lực, rồi tha hóa cả bộ máy, làm cho bộ máy bị biến chất, không còn là nhà nước của dân mà dần dần thành nhà nước phản bội nhân dân. Trong bất kỳ điều kiện nào, sự tha hóa quyền lực ở cán bộ và các cơ quan lãnh đạo quản lý đều là nguyên nhân lớn nhất làm cho đạo đức xã hội xuống cấp, văn hóa suy đồi, dân tộc bị mất dần sức mạnh nội sinh, xã hội trì trệ và quốc gia không thể hưng thịnh, không có đủ sức mạnh để bảo vệ Tổ quốc, mục tiêu XHCN tốt đẹp mà nhiều người đã từng mong ước cũng trở nên xa vời và mơ hồ. Nhiều năm qua lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta đã rất nhiều lần đề ra chủ trương và kêu gọi phải chống tham nhũng, chống “lợi ích nhóm” tiêu cực, cũng đã mất nhiều công sức cho công việc khó khăn và vất vả này nhưng kết quả vẫn còn rất hạn chế. Tình hình tham nhũng, “lợi ích nhóm” chẳng những không dừng lại mà đang còn khá phổ biến và phức tạp, gây nhức nhối xã hội, đau đầu các cơ quan lãnh đạo đất nước. Nó cứ lan rộng dần vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, của công việc quản lý và quản trị quốc gia, vào ngay trong các lĩnh vực mà trước đến nay thường được cho là trong sạch, thiêng liêng (như lĩnh vực dạy người, cứu người, an ninh quốc gia, nắm cán cân công lý để bảo vệ sự nghiêm minh, kể cả cơ quan ở cấp cao, cả nhà thờ, chùa chiền, cả lĩnh vực làm từ thiện, nhân đạo, chính sách đền ơn đáp nghĩa…). Điều đó có nguyên nhân trực tiếp quan trọng nhất là chưa làm tốt việc kiểm soát quyền lực, nói thẳng và mạnh hơn là quyền lực về cơ bản chưa được kiểm soát, từ đó dẫn đến tha hóa cán bộ và các tổ chức trong bộ máy lãnh đạo quản lý. TS VŨ NGỌC HOÀNG, nguyên Phó Trưởng ban Phải triệt tiêu cho được cơ chế xin-cho TS VÕ ĐẠI LƯỢC Cơ chế xin-cho vẫn đang chi phối kinh tế và bộ máy hành chính. Đây chính là nguyên nhân làm cho quyền lực không được kiểm soát tốt. Cũng chính vì vậy mà ngay từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mới nói cần phải có cơ chế kiểm soát quyền lực. Nhìn sang các nước mà tham nhũng vắng bóng, chúng ta thấy quyền lực được kiểm soát rất tốt. Chúng ta có những đạo luật, quy định nếu được thực thi tốt thì sẽ kiểm soát được quyền lực. Với bối cảnh và yêu cầu hiện nay, như tôi từng chia sẻ, thì việc cầm quyền trực tiếp của đảng cần phải được đặt ra. Đảng lãnh đạo nhà nước và xã hội đã được hiến pháp quy định thì việc cầm quyền trực tiếp để cá thể hóa trách nhiệm là điều cần được tính đến. Bởi khi đảng cầm quyền trực tiếp thì đương nhiên bộ máy sẽ nhỏ lại, các cơ quan cũng giảm đi và cơ chế xin-cho sẽ giảm, thậm chí là bị triệt tiêu khi những cấp có quyền ban phát, quyền cho cũng giảm đi. Mặt khác, Đảng không nên làm thay mà cần đổi mới về phương thức lãnh đạo trong việc quản trị và điều hành quốc gia. Đây chính là yêu cầu về đổi mới nội dung lãnh đạo và tư duy về phát triển của Đảng. Nếu vẫn tư duy xin-cho thì đương nhiên sẽ phát sinh nhiều vấn đề: Tham nhũng, chạy chức, chạy quyền. Cơ chế xin-cho là cái gốc của vấn đề. Nếu làm được những điều này thì Đảng sẽ tạo được một cơ chế để thu hút và trọng dụng nhân tài. Và kết quả là sẽ có một thể chế tốt để kiểm soát quyền lực và phòng, chống được tham nhũng. Bởi chỉ có nhân tài mới sản sinh ra được thể chế tốt, cơ chế kiểm soát tốt và cơ chế thực thi tốt. TS VÕ ĐẠI LƯỢC, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế thế giới CHÂN LUẬN ghi |