Đến lượt doanh nghiệp nước ngoài bị dọa khóa tài khoản

Nhiều xáo trộn
Luật sư Trần Xoa cho biết các văn phòng này bị ngân hàng tại Việt Nam yêu cầu chuyển tên tài khoản văn phòng sang tên của một cá nhân, vì văn phòng đại diện không có tư cách pháp nhân.

Vấn đề là một văn phòng có thể thay đổi người đại diện thường xuyên và bản thân một cá nhân được thuê đại diện cho văn phòng cũng không thể nào lại đứng tên tài khoản ngân hàng của văn phòng được.

"Yêu cầu này gây phiền toái cho các văn phòng giao dịch, văn phòng đại diện tại Việt Nam, làm xáo trộn hoạt động của họ, chỉ vì cái tên chủ tài khoản" - luật sư Trần Xoa phân tích.

Trước đó, khá nhiều văn phòng luật sư, hộ kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân (DNTN)… đã nhận được thông báo chuyển tài khoản từ tên tổ chức (không có tư cách pháp nhân) sang tên cá nhân luật sư hoặc phải đóng tài khoản. Việc này gây vướng mắc, băn khoăn trong giới này suốt tuần qua.

Hầu hết ngân hàng đều kêu chuyển

Với tầm ảnh hưởng của Thông tư 32/2016 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tất cả hộ kinh doanh, DNTN, văn phòng luật sư, văn phòng đại diện nước ngoài, thậm chí các tổ chức sự nghiệp… có thể bị ảnh hưởng, xáo trộn nghiêm trọng chỉ vì cái tên tài khoản.

Thông tư này bắt buộc các ngân hàng thông báo cho khách hàng (khách không phải là pháp nhân) chuyển tài khoản ngân hàng sang mang tên cá nhân hoặc phải đóng tài khoản sau tháng 3-2018.

Dựa vào thông tư này, một số ngân hàng đã phát đi thông báo đến khách hàng của mình.

Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) “kính đề nghị quý khách hàng đến ngân hàng ký lại hợp đồng mở, sử dụng TKTT theo các quy định của pháp luật nếu khách hàng có yêu cầu”. “Đối với khách hàng là hộ kinh doanh, hộ gia đình, tổ hợp tác, DNTN, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân, MB trân trọng kính mời các quý khách hàng ký lại hợp đồng mở, sử dụng TKTT để chuyển đổi sang hình thức TKTT của cá nhân hoặc TKTT chung hoặc đóng TKTT theo quy định của NHNN tại Thông tư 32. Thời điểm hoàn tất việc chuyển đổi là trước ngày 1-3-2018. Sau thời điểm 1-3-2018, MB sẽ thực hiện đóng tài khoản”.

Tương tự, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng ra thông báo “Các tài khoản thanh toán của tổ chức không có tư cách pháp nhân theo quy định của Luật Dân sự 2015 đã mở tại Eximbank phải chuyển đổi loại hình tài khoản. Sau ngày 1-3-2018, Eximbank sẽ thực hiện đóng các tài khoản thanh toán của khách hàng là hộ gia đình, tổ hợp tác và tổ chức khác không có tư cách pháp nhân chưa hoàn thành việc chuyển đổi hình thức tài khoản theo quy định của NHNN”.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết sẽ theo dõi phản ánh vướng mắc liên quan đến tài khoản ngân hàng, Thông tư 32/2016/TT-NHNN để phối hợp gỡ vướng cho cộng đồng doanh nghiệp.

Nhiều đối tượng đang lúng túng trước Thông tư 32 của NHNN. Trong ảnh: Ngân hàng đang giao dịch với khách hàng. (Ảnh minh họa)

Đừng gây ra xung đột, khó khăn, vướng mắc

Các tổ chức bị yêu cầu chuyển đổi tài khoản sang tên cá nhân có thể cùng làm văn bản kiến nghị đến Chính phủ, các Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT, Bộ Tư pháp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam… để yêu cầu sửa đổi, hướng dẫn Thông tư 32/2016 của NHNN. Các tổ chức đang đứng tên tài khoản ngân hàng cần được giữ nguyên tên, không cần chuyển sang tên cá nhân, trừ khi có nhu cầu vay vốn hoặc nhu cầu khác có liên quan đến tính chất pháp nhân, cá nhân.

Trước đây Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định có hàng chục chủ thể tham gia quan hệ dân sự, bao gồm cá nhân, pháp nhân và các tổ chức, chủ thể khác không có tư cách pháp nhân. Nhưng Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định chỉ còn hai loại chủ thể tham gia quan hệ dân sự là cá nhân và pháp nhân.

Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định hộ gia đình, tổ hợp tác, DNTN, văn phòng luật sư và các tổ chức khác không có tư cách pháp nhân thì không phải là chủ thể tham gia quan hệ dân sự.

Do vậy, chủ thể tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự là các thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác, chủ DNTN, trưởng văn phòng luật sư và các thành viên khác thuộc tổ chức không có tư cách pháp nhân.

Vì vậy, về nguyên tắc, việc quy định hộ gia đình, tổ hợp tác, DNTN, văn phòng luật sư và các tổ chức khác không có tư cách pháp nhân không phải là chủ thể tham gia giao dịch tài khoản và vay vốn tại hai thông tư 32 và 39/2016/TT-NHNN của thống đốc NHNN là không trái với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015.

Tuy nhiên, điều này mới chỉ đúng một nửa, tuy phù hợp với Bộ luật Dân sự năm 2015 nhưng lại trái ngược, vô hiệu hóa nhiều luật khác.

Khi giao dịch với cá nhân, không nên hiểu một cách đơn giản, cứng nhắc, máy móc là chỉ có một cá nhân là thể nhân hay cá thể. Cá nhân, ngoài là một cá nhân (thể nhân), còn có thể là một thực thể pháp lý mà thành viên bao gồm một hoặc một số cá nhân nhóm cá nhân. Khi giao dịch với pháp nhân thì đã chấp nhận nhiều tên gọi rất khác nhau thì khi giao dịch với cá nhân cũng cần chấp nhận tương tự.

Nếu cứ bắt phải giao dịch duy nhất với cá nhân là ông Nam hay bà Nữ, trong khi pháp luật định danh nhiều loại thực thể pháp lý khác nhau không phải là pháp nhân là không đúng và dù có đúng đi chăng nữa thì cũng không hợp lý.

Chưa kể ngay chính Điều 344 Bộ luật Dân sự năm 2015 vẫn bắt buộc ngân hàng phải cho vay tín chấp đối với hộ gia đình nghèo, chứ không phải là đối với các cá nhân thành viên của hộ gia đình.

Vì vậy cần phải giữ nguyên tên gọi các thực thể pháp lý theo quy định của pháp luật trong giao dịch nhưng xử lý bản chất pháp lý với chúng như với cá nhân, chứ không phải như đương nhiên là các chủ thể dân sự như trước kia.

Việc này vừa đúng với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, vừa hoàn toàn phù hợp với hàng ngàn đạo luật và văn bản dưới luật khác, đồng thời không gây ra sự xung đột, khó khăn, cản trở, vướng mắc gì cho khách hàng, ngân hàng và cá nhân, pháp nhân khác.

Luật sư TRƯƠNG THANH ĐỨC, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm