Rối loạn nếu đồng loạt đóng tài khoản ngân hàng

Một số văn phòng luật sư (VPLS) cho biết tiếp tục nhận được yêu cầu từ các ngân hàng phải chuyển tài khoản mang tên VPLS về tài khoản cá nhân hoặc sẽ bị khóa tài khoản. Lý do là VPLS không có tư cách pháp nhân.

Trước thực tế này, nhiều ý kiến cho biết họ đang gặp lúng túng về vấn đề thuế, hóa đơn, bảo hiểm, giao dịch với đối tác nước ngoài… và đề nghị một số giải pháp để tháo gỡ vướng mắc.

Thuế vẫn chấp nhận tài khoản cá nhân

Báo Pháp Luật TP.HCM đã liên hệ Cục Thuế TP.HCM nhưng cơ quan này cho rằng cần có công văn cụ thể phản ánh những vướng mắc của VPLS, tên chi tiết của VPLS có vướng mắc… Qua đó cơ quan thuế mới có thể hướng dẫn chi tiết và phù hợp.

Trong khi đó, LS Trần Xoa, Giám đốc Công ty Luật Minh Đăng Quang, khẳng định dù là tài khoản mang tên VPLS, tên doanh nghiệp tư nhân (DNTN) hay tài khoản mang tên cá nhân LS, cá nhân giám đốc DN… thì vẫn được thực hiện các thủ tục thuế và được cơ quan thuế chấp nhận.

Cụ thể, Thông tư số 219/2013, Thông tư số 26/2015 và Thông tư số 173/2016 của Bộ Tài chính có hướng dẫn điều kiện khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào. Trong đó nêu rõ chỉ cần có hóa đơn giá trị gia tăng hợp pháp của hàng hóa, dịch vụ mua vào hoặc chứng từ nộp thuế giá trị gia tăng khâu nhập khẩu; hoặc chứng từ nộp thuế giá trị gia tăng thay cho phía nước ngoài theo hướng dẫn của Bộ Tài chính áp dụng đối với các tổ chức nước ngoài không có tư cách pháp nhân Việt Nam và cá nhân nước ngoài kinh doanh hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam.

Nhiều đối tượng đang gặp lúng túng về chuyện tài khoản. Trong ảnh: Khách hàng đang làm thủ tục giao dịch với ngân hàng. Ảnh: TL

Chứng từ thanh toán qua ngân hàng được hiểu là có chứng từ chứng minh việc chuyển tiền từ tài khoản của bên mua sang tài khoản của bên bán. Ví dụ như séc, ủy nhiệm chi hoặc lệnh chi, ủy nhiệm thu, nhờ thu, thẻ ngân hàng, thẻ tín dụng, SIM điện thoại (ví điện tử) và các hình thức thanh toán khác theo quy định.

“Trong đó bao gồm cả trường hợp bên mua thanh toán từ tài khoản của bên mua sang tài khoản bên bán mang tên chủ DNTN hoặc bên mua thanh toán từ tài khoản của bên mua mang tên chủ DNTN sang tài khoản bên bán” - LS Xoa nhấn mạnh.

Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng ngay cả khi cơ quan thuế có thể chấp nhận các chứng từ, thủ tục thuế đối với tài khoản mang tên cá nhân như tài khoản của tổ chức VPLS, DNTN, hộ kinh doanh… thì vẫn còn một số vướng mắc với cộng đồng này. Chính vì vậy, nhiều LS không đồng tình với việc sử dụng tài khoản ngân hàng mang tên cá nhân.

“Một VPLS có thể có nhiều người cùng làm việc chứ không chỉ một LS tiếp cận khách hàng. Do vậy sẽ rất kỳ cục khi mà các cộng sự của mình làm việc với khách hàng, tư vấn, ra tòa tranh tụng… lấy tư cách là một VPLS nhưng khi thanh toán thì lại thanh toán tiền cho tài khoản mang tên cá nhân một LS. Ở đây, vấn đề chính danh là rất quan trọng” - đại diện một VPLS phân tích.

Không nên ép buộc

Các ngân hàng giải thích rằng sở dĩ yêu cầu các VPLS, hộ kinh doanh… thay đổi tên tài khoản là để phù hợp với quy định của Thông tư số 32/2016 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Bộ luật Dân sự 2015, tức chủ thể tham gia quan hệ dân sự chỉ bao gồm pháp nhân và cá nhân.

Song ông Chung Thành Tiến, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ kế toán Đồng Hưng, Trưởng Văn phòng phía Nam của Chi hội Kế toán hành nghề Việt Nam, cho rằng: Việc NHNN ban hành Thông tư số 32/2016 yêu cầu chuyển tài khoản của tổ chức không phải là pháp nhân sang tên cá nhân đã làm xáo trộn hoạt động của các tổ chức này một cách không cần thiết.

Lý do là tài khoản ngân hàng có liên quan đến hàng loạt thủ tục khác như thuế, bảo hiểm, chi phí, nguồn thu, chi, trả lương, thanh toán… trong hoạt động của VPLS, DNTN, hộ kinh doanh, các tổ chức. Vì vậy, khi chuyển sang tên cá nhân sẽ làm rối rắm, phức tạp tình hình.

Ông Tiến đề nghị: “Nếu không thể cho những đối tượng này vay vốn vì họ không là pháp nhân thì ngân hàng có thể dùng biện pháp khác để chấn chỉnh việc vay, đó mới là gốc bản chất vấn đề; hoặc nếu chủ tài khoản đang có khoản vay, muốn vay vốn nữa thì mới phải chuyển đổi sang tên cá nhân. Còn việc một tài khoản ngân hàng mang tên ai, mang tên tổ chức gì là để chính danh cho tổ chức đó, thì cần phải giữ đúng và giữ nguyên như tên tổ chức chứ không nên làm xáo trộn”.

Ông Tiến cũng cho rằng ngành ngân hàng cần lắng nghe ý kiến của cộng đồng DN, cộng đồng LS để có sự điều chỉnh phù hợp. Đồng thời NHNN cần giải thích rõ việc chuyển đổi tài khoản cho trường hợp nào, vì mục đích gì chứ không thể bắt buộc mọi tài khoản VPLS, hộ kinh doanh… đều phải chuyển hay phải khóa tài khoản.

Trước đó, LS Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico, Chủ tịch Câu lạc bộ Pháp chế ngân hàng, cũng cho rằng bản chất Bộ luật Dân sự 2015 không sai khi xác định tư cách cá nhân hoặc pháp nhân mới được giao dịch ngân hàng, mở tài khoản. Nhưng điều này không có nghĩa là bắt buộc các tổ chức không phải pháp nhân phải chuyển hết thành pháp nhân hay chuyển sang tên cá nhân. Nếu bắt chuyển đổi thì sẽ gây náo loạn, ảnh hưởng đến rất nhiều hộ kinh doanh, VPLS, DNTN, các chi nhánh của DN…

Tạo động lực để lên đời

Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều giải pháp để “vận động” hộ kinh doanh, DNTN, VPLS… chuyển thành công ty. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng những mô hình hộ kinh doanh, DNTN, các tổ chức không có tư cách pháp nhân… đã ra đời từ vài chục năm trước. Hiện nay, khi mà thị trường đã có sẵn các dịch vụ thuế, tư vấn khá đầy đủ thì việc kinh doanh dù nhỏ hay lớn cũng nên quy về dạng công ty.

“Tuy vậy, vấn đề là các cơ quan quản lý cần đơn giản hóa thủ tục, tận tình tư vấn để người dân, cá nhân kinh doanh, LS… có thể tiếp cận với các thủ tục hành chính, nhất là thủ tục thuế hay liên quan tài khoản một cách nhẹ nhàng và dễ chịu hơn. Khi đó các đối tượng trên sẽ có động lực để chuyển đổi mô hình hoạt động của mình chứ không nên dùng hình thức nọ hình thức kia để ép buộc” - ông Hiển nói.

Việc LS chọn hình thức VPLS hay chọn hình thức công ty luật là quyền của họ, được pháp luật công nhận. Mỗi loại hình có nguyên nhân tồn tại riêng. Giới LS tranh tụng có lẽ thích dạng VPLS, vì nó đã quá quen thuộc với đa số người dân. Giới LS tư vấn thì chuộng mô hình công ty luật hơn.

Luật sư TRẦN XOA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm