Thời gian qua, Trung ương có rất nhiều văn bản yêu cầu các địa phương, trong đó có TP Cần Thơ triển khai các biện pháp phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.
Cụ thể, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 13/2015 về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt; Công văn số 148 về việc thực hiện các giải pháp phát triển hợp lý các phương thức vận tải tại các thành phố lớn; Nghị quyết số 12 về tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2019-2021. Cạnh đó, Bộ GTVT cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo liên quan đến phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn các tỉnh, TP.
Theo đó, mục tiêu chung là đẩy mạnh phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt để tăng cường tỷ lệ đảm nhận của loại hình này đạt từ 5-10% đến năm 2020 và đạt từ 20-30% đến năm 2030. Đồng thời, phương tiện xe buýt là lựa chọn thiết yếu đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân trong khu vực đô thị. Qua đó, hạn chế phương tiện cơ giới cá nhân, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông và bảo vệ môi trường đô thị.
Đến năm 2025 TP Cần Thơ sẽ có 26 tuyến xe buýt
Thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT, Sở GTVT TP Cần Thơ và Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị đã cụ thể hóa và thiết lập nhiều Kế hoạch, lộ trình để triển khai thực hiện và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Đơn cử, trong giai đoạn 2020-2022, từ tháng 9-2020, Sở GTVT TP Cần Thơ đã mời gọi được nhà đầu tư tham gia khai thác 7 tuyến xe buýt nội thành theo hình thức không trợ giá. Theo đó, có 42 xe buýt chất lượng cao, đạt chuẩn khí thải Euro 4, cửa lên xuống tự động, có máy lạnh, wifi, công cụ hỗ trợ và ghế ngồi cho người khuyết tật... đưa vào khai thác.
Với các phương tiện xe buýt đời mới, chất lượng cao, giá vé phù hợp đã làm thay đổi hình ảnh xe buýt trên địa bàn TP và từng bước đáp ứng nhu cầu đi lại của bà con, được người dân trên địa bàn TP rất hưởng ứng. Bên cạnh đó, có 10 tuyến xe buýt liền kề do các đơn vị kinh doanh vận tải ở các tỉnh lân cận đang khai thác, cũng góp phần giúp người dân ở các tỉnh lân cận dễ dàng tiếp cận, đi vào TP Cần Thơ một cách tiện lợi, nhanh chóng.
“Như vậy, giai đoạn 2020-2022 trên địa bàn TP Cần Thơ đã có 17 tuyến xe buýt đang khai thác, trong đó, có 7 tuyến xe buýt nội thành và 10 tuyến xe buýt liền kề, với chiều dài khoảng 735,6km” - Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị, Sở GTVT TP Cần Thơ thông tin thêm.
Còn đối với giai đoạn 2022-2025, trong năm 2023, Sở GTVT TP Cần Thơ đã trình UBND TP ban hành Quyết định số 1441 về việc công bố danh mục mạng lưới tuyến xe buýt nội thành và liền kề trên địa bàn TP, để làm cơ sở để đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư khai thác các tuyến xe buýt.
Trong số, 9 tuyến xe buýt dự kiến mở mới, đến nay, đã được lựa chọn nhà đầu tư và đưa vào khai thác 4 tuyến xe buýt nội thành không trợ giá từ IV năm 2023. Đối với 3/5 tuyến xe buýt liền kề, Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị, Sở GTVT TP Cần Thơ dự kiến sẽ tổ chức lựa chọn nhà đầu tư tham gia khai thác trong quý IV năm 2024. Riêng đối với 2 tuyến xe buýt liền kề còn lại, đơn vị dự kiến sẽ lựa chọn nhà đầu tư và đưa vào khai thác trong quý I năm 2025.
“Theo kế hoạch, đến năm 2025 trên địa bàn TP Cần Thơ sẽ có 26 tuyến xe buýt. Trong đó, có 11 tuyến xe buýt nội thành và 15 tuyến xe buýt liền kề, với tổng chiều dài mạng lưới tuyến khoảng 1.052,6km. Cơ bản phủ kín mạng lưới tuyến kết nối tất cả các nội ô trong TP và các tỉnh liền kề” - Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị, Sở GTVT TP Cần Thơ khẳng định.
Cũng theo Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị, Sở GTVT TP Cần Thơ, giai đoạn sau năm 2025, TP định hướng phát triển thêm 3 tuyến liền kề và 5 tuyến nội thành. Như vậy, trên địa bàn TP phát triển 34 tuyến xe buýt, với 16 tuyến xe buýt nội thành và 18 tuyến liền kề, với tổng chiều dài mạng lưới tuyến khoảng 1.222,6km.
Đến giai đoạn này, mạng lưới các tuyến xe buýt của TP Cần Thơ về cơ bản sẽ phủ khắp hầu hết các trục đường chính của TP. Từ đó, kết nối đô thị trung tâm và các đô thị các tỉnh lân cận; kết nối các khu dân cư, khu công nghiệp... tạo sự liên hoàn trong lựa chọn hình thức di chuyển hàng ngày bằng xe buýt của người dân TP Cần Thơ, với kỳ vọng: “Vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sẽ trở thành sự lựa chọn không thể thiếu của đại bộ phận nhân dân, cán bộ công nhân và người lao động”.
Mở rộng mạng lưới tuyến xe buýt, kết nối nông thôn đến trung tâm TP
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra, Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị, Sở GTVT TP Cần Thơ đã đề ra nhiều giải pháp đồng bộ. Cụ thể, Trung tâm sẽ tiếp tục phối hợp với Công ty CP xe khách Phương Trang – FUTA Bus Lines nâng cao chất lượng phục vụ. Trong đó chú trọng đến việc giáo dục, nâng cao ý thức, thái độ của đội ngũ lái xe, tiếp viên trong chấp hành các quy định về an toàn giao thông.
Cạnh đó, điều chỉnh lộ trình các tuyến xe buýt hiện hữu và nâng cao chất lượng dịch vụ. Mặt khác, tiếp tục mở rộng mạng lưới tuyến để tăng cường năng lực kết nối hiệu quả giữa nông thôn đến trung tâm TP và khu vực lân cận.
Ngoài ra, Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị, Sở GTVT TP Cần Thơ cũng sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng ứng dụng trên thiết bị di động về vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Qua đó, giúp người dân thuận lợi hơn trong việc tiếp cận thông tin.
“Thời gian tới Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị, Sở GTVT TP Cần Thơ sẽ mở rộng tuyên truyền đến xã, phường, thị trấn thông qua các buổi tuyên truyền hội thảo về giao thông. Tổ chức các hoạt động giao lưu, trải nghiệm sử dụng xe buýt công cộng, hướng đến học sinh, sinh viên ở các trường trên địa bàn TP nơi có các tuyến xe buýt đi qua” - Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị, Sở GTVT TP Cần Thơ cho biết thêm.
Đối với cơ sở hạ tầng, Trung tâm sẽ tiếp tục xây dựng những điểm dừng; làm lại mới các nhà chờ còn lại trên tuyến, thông tin về lộ trình, đặc biệt thông tin giờ xe trên hệ thống hạ tầng xe buýt toàn TP, như: tại các đầu tuyến, các điểm dừng, nhà chờ, điểm trung chuyển xe buýt...
Đồng thời, xây dựng các điểm trung chuyển, điểm đầu, điểm cuối xe buýt, gồm: bến xe buýt Ba Láng, Ô Môn, Cờ Đỏ, Ngã ba Lộ Tẻ (quận Thốt Nốt). Mặt khác, tham mưu, đề xuất xây dựng quy trình “Định mức - Đơn giá cho hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn TP”. Đây là cơ sở để đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư khai thác các tuyến xe buýt có trợ giá và mở rộng mạng lưới tuyến.