Với hai cao tốc trục ngang, tới đây cộng thêm hai cao tốc trục dọc đang triển khai, miền Tây sẽ có sự thay đổi đáng kể về hạ tầng giao thông để phục vụ cho phát triển.
Hậu Giang, Bạc Liêu khao khát có cao tốc
Ông Lê Tiến Châu - Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, đề nghị để phát huy hiệu quả của hai tuyến cao tốc nói trên, Chính phủ cần sớm nghiên cứu, đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau với vai trò là tuyến cao tốc trục dọc sẽ kết nối hai tuyến cao tốc trục ngang (tuyến Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và tuyến Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu). Nếu nhận được sự đồng ý của Chính phủ, tỉnh sẽ chủ động kêu gọi đầu tư tuyến cao tốc trục dọc đoạn qua địa bàn tỉnh Hậu Giang. Hậu Giang cũng sẽ quy hoạch mạng lưới giao thông đồng bộ, kết nối thuận lợi các vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh với hệ thống đường bộ cao tốc đi qua địa bàn.
Với tuyến Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu, bà Lê Thị Ái Nam, Phó Bí thư thường trực, Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu, cho rằng nên cho triển khai trước đối với đoạn cuối từ quốc lộ 1A ra đê biển Bạc Liêu.
“Vì vậy, tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT sớm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và cho triển khai trước đối với đoạn cuối từ quốc lộ 1A ra đê biển Bạc Liêu, giúp cho tỉnh thuận lợi trong việc triển khai các dự án nhà máy điện khí LNG, điện gió ven biển của tỉnh. Khi được đầu tư, tỉnh sẽ có trách nhiệm trong việc thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và tạo mọi điều kiện để việc triển khai dự án thuận lợi trên địa bàn tỉnh” - bà Nam nói.
Ông Lê Tiến Châu cũng cho biết: “Trong quá trình triển khai cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đi qua địa bàn, tỉnh Hậu Giang sẽ xem đây là dự án trọng điểm để tập trung chỉ đạo các ngành phối hợp thực hiện tốt, nhất là công tác giải phóng mặt bằng”.
Các trục cao tốc ngang-dọc khi hoàn thành sẽ tạo nền tảng hạ tầng rất lớn để toàn vùng phát triển. Ảnh: CHÂU ANH
Thủy, bộ, logistics phải đồng hành
Theo ông Lê Đỗ Mười, chuyên gia giao thông (Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển, Bộ GTVT) thì với hai cao tốc trục ngang này, cộng thêm hai cao tốc trục dọc là TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận và tuyến N2 từ Chơn Thành (Bình Dương) về Lộ Tẻ - Rạch Sỏi (Cần Thơ - Kiên Giang, đang triển khai) sẽ giải quyết ách tắc cho giao thông, kinh tế, xã hội cho cả vùng ĐBSCL.
“Cần tính thêm bài toán kết nối các cao tốc và với bốn cao tốc thì bài toán giao thông cơ bản của cả vùng và từng địa phương được giải quyết. Từ đó gần như giải tỏa hết ách tắc ở các quốc lộ. Đó là về đường bộ, còn đường thủy tập trung nâng cấp kênh Chợ Gạo, cảng, tĩnh không cầu, phát triển trung tâm logistics vùng…” - ông Mười phân tích.
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng thì phát triển cao tốc ở riêng miền Tây là cần thiết. “Miền Tây mật độ dân số đông, lưu lượng nông sản, hàng hóa rất lớn nhưng đường bộ nói chung và đường cao tốc nói riêng lại xây dựng, phát triển không tương xứng. Hiện nay miền Tây chỉ có một cao tốc là TP.HCM - Trung Lương, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của toàn vùng” - ông Hiển nói.
Theo ông Hiển, khi có cao tốc thì thuận lợi đầu tiên là kéo nguồn các nhà đầu tư vào các khu công nghiệp ở các tỉnh như Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ…
Đã có nhà đầu tư muốn làm cao tốc
Theo ông Trần Văn Thi, Tổng giám đốc Tổng công ty ĐTPT&QLHT GT Cửu Long, thời gian, lộ trình thực hiện dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dự kiến ở từng khâu là: Thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi năm 2020; lập - thẩm định - phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi năm 2021. Tiếp đó là thiết kế kỹ thuật - thiết kế bản vẽ thi công - giải phóng mặt bằng và mời thầu xây lắp năm 2022; thi công xây dựng công trình năm 2023-2026”.
“Với nhiệm vụ được giao sau khi Bộ GTVT chấp thuận chủ trương, chúng tôi đã chủ động xúc tiến kêu gọi đầu tư. Kết quả ICAK (Hiệp hội nhà thầu quốc tế Hàn Quốc) đã bố trí kinh phí nghiên cứu dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng theo hình thức ODA kết hợp ngân sách nhà nước” - ông Trần Văn Thi cho biết.
Với dự án cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu, Tổng công ty Cửu Long cho biết đang tiếp tục nghiên cứu, dự kiến kinh phí huy động từ các nhà tài trợ, các nguồn vốn hợp pháp và vốn đối ứng của chính phủ Việt Nam.
Thu phí kết hợp với trái phiếu chính phủ Về mặt đầu tư, theo tôi thì 50% chi phí làm đường sẽ thông qua hoạt động thu phí, 50% còn lại có thể dùng trái phiếu chính phủ phát hành. Trước đây, năm 2000 chính tôi trực tiếp tính toán chi phí làm cao tốc và các cách thức huy động vốn nên có thể thấy vốn cho cao tốc có thể tính toán bằng nhiều cách để mang lại hiệu quả cao. Chuyên gia kinh tế ĐINH THẾ HIỂN, Viện trưởng Viện nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng |