Sau văn bản chỉ đạo của ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 1, về việc đình chỉ, giải tỏa nhiều bãi xe trên vỉa hè, nhiều người dân gặp khó khăn để gửi xe khi bước vào trung tâm quận 1 vui chơi, làm việc, khám chữa bệnh…
Mướt mồ hôi tìm chỗ gửi xe
Theo ghi nhận của PV, những ngày qua, khu vực xung quanh BV Nhi đồng 2, nơi mà cách đây vài ngày bị bủa vây bởi ba bãi giữ xe đã thông thoáng, không còn hiện tượng nhốn nháo gửi xe tràn lan trên vỉa hè. Bệnh nhân, người nhà đến BV đều vào khuôn viên BV để gửi. Nhưng điều này cũng gây ra sự bất tiện cho rất nhiều người.
Bà Đỗ Quỳnh Hoa (42 tuổi) đang phải chăm con tại BV này nói rằng bình thường để tiết kiệm thời gian, cứ tới ngay cổng BV là có bãi xe để tấp vào liền, rất nhanh; nay bãi xe trên vỉa hè trước cổng BV mà bà hay gửi đã bị dẹp. “Giờ phải vào bãi xe của BV để gửi, mà BV này cũng đông lắm nên nhiều lúc không còn chỗ. Như hôm qua tôi phải đến mướt mồ hôi mới kiếm ra chỗ gửi xe” - bà Hoa kể lại.
Tương tự, khách hàng khi đến giao dịch tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam nằm trên đường Hải Triều cũng cho biết họ phải tìm điểm gửi xe khá xa ngân hàng vì các điểm giữ xe cũ đã ngưng hoạt động. Trong khi đó, khu vực nhà thờ Đức Bà có hai bãi giữ xe trên đường Hai Bà Trưng và một bãi bên cạnh UBND quận 1. Tuy nhiên, hai bãi xe này vừa bị ngưng hoạt động do hết giấy phép và vi phạm lấn chiếm vỉa hè. Người dân phải gửi xe ở Nhà văn hóa Thanh niên hoặc các trung tâm thương mại gần đó rồi đi bộ đến đường sách, nhà thờ Đức Bà...
Bãi xe “ngự trị” trên vỉa hè đường Nguyễn Du, vách BV Nhi đồng 2 của Phòng Tài chính quận 1 không còn hoạt động, nhường lối đi cho người đi bộ. Ảnh: L.THOA
Người dân chen chân để có một chỗ giữ xe trong bãi xe của
BV Nhi đồng 2 sau khi các bãi xe trên vỉa hè bị giải tỏa. Ảnh: L.THOA
“Bây giờ không dám đến quận 1 mất”
Trên tuyến đường Lê Lai, khu vực xung quanh chợ Bến Thành có chỗ gửi xe có thu phí nhưng khu vực này không còn một chỗ trống. Bảo vệ ở đây cho biết từ sáng sớm đã có rất nhiều người tới đây tranh thủ gửi xe, buổi trưa có nhiều người tới hỏi nhưng không nhận vì không còn chỗ.
Bà Nguyễn Thanh Thúy, một người hay đến đường sách để uống cà phê, đọc sách cuối tuần, chia sẻ rằng dù phải gửi xe ở xa để đi bộ lại nhưng các bãi đó cũng không đủ chỗ, cuối tuần phải đến thật sớm để… giành chỗ.
Tại khu vực phố đi bộ Nguyễn Huệ, việc tìm một bãi đỗ xe cũng khá khó khăn trong khi đây là nơi thường tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ; những ngày lễ luôn đông đúc. Vài bãi giữ xe còn lại không đủ đáp ứng lượng người đổ về khu trung tâm vui chơi. Tại Công viên 23-9 có bãi đỗ xe nhưng lại quá xa khu vực phố đi bộ khiến nhiều người e ngại.
“Trước đây tôi hay gửi xe tại khu vực sau Nhà hát TP để ra phố Nguyễn Huệ tham quan nhưng giờ khu đó họ không giữ xe nữa, việc kiếm chỗ đậu đúng là một cực hình. Bây giờ chắc không dám tới quận 1 mất” - anh Hà Minh Thắng than.
Trong những ngày qua, tại khu vực trung tâm quận 1 không còn nhiều điểm giữ xe. Dọc đường Tôn Thất Thiệp, Huỳnh Thúc Kháng các điểm gửi xe trong nhà như “được mùa” vì lượng xe dồn vào các điểm này đã tăng lên rất nhiều với giá 10.000 đồng/xe. |
Quy hoạch hệ thống bãi giữ xe
Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM,ông Võ Nguyên Khanh, Chủ tịch UBND phường Bến Thành, cho biết trong danh sách 48 bãi xe thì phường Bến Thành có hai bãi xe và đã được cho ngưng hoạt động.
Theo đó, bãi giữ xe ở đường Phan Chu Trinh do Công an phường Bến Thành đứng tên phục vụ cho người dân đi chợ Bến Thành, hiện có giấy phép vẫn chưa hết hạn. Bãi xe được để một hàng xe nhưng cũng không đủ để đáp ứng nhu cầu của người dân; nhiều người phải gửi ké các bãi xe khác ở BV Sài Gòn, đường Hàm Nghi, Phan Bội Châu...
Còn bãi giữ xe ở 45 Trương Định là bãi xe bên ngoài chùa bà Mariamma để phục vụ bà con đi chùa, do Hội Cựu chiến binh khu phố 4 đứng tên. “Giờ cấm bãi xe đó thì không biết người dân sẽ gửi xe ở đâu để đi chùa” - ông Khanh lo lắng.
Chủ tịch UBND phường Bến Thành cho rằng nhu cầu gửi xe của người dân là có nên bãi xe mới mọc lên. “Bây giờ dẹp các bãi xe ở trung tâm thì hệ thống giao thông công cộng phải đảm bảo. Kế đến có quy hoạch hệ thống bãi xe để phục vụ người dân cho bài bản hơn, bãi xe ở vị trí nào nó tương đối gần với các khu vực, để đảm bảo người dân có chỗ giữ xe và có khoảng cách phù hợp đi bộ đến địa điểm người ta cần đến. Chứ yêu cầu người dân ra tận Công viên 23-9 gửi xe rồi đi bộ qua thì rất khó” - ông Khanh nêu ý kiến.
Không thể nói dẹp là dẹp ngay Đối với việc giải tỏa bãi giữ xe trên vỉa hè thì quận 1 phải rà soát thật kỹ, không thể nói dẹp là dẹp dứt điểm được ngay. Những địa điểm nào gây ảnh hưởng đến người đi bộ thì bắt buộc phải dẹp. Còn những bãi nào có thể cho phép thực hiện được thì phải có phương án, kế hoạch tổ chức phù hợp, không ảnh hưởng tới giao thông, người đi bộ, vẻ mỹ quan văn minh đô thị, đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Riêng 48 bãi xe, đầu tiên phải có kế hoạch hết sức chặt chẽ. Đúng là có những bãi giữ xe sai quy định nhưng để giải quyết bài toán đó không phải một ngày một bữa. Trước mắt cho lộ trình (có thể 10 ngày) để cơ sở nghiên cứu bố trí sao cho phù hợp, không để ảnh hưởng các nhu cầu chính đáng của người dân và du khách. Còn chuyện ngưng ngay sẽ ảnh hưởng rất lớn đến người dân vì khi đến đó không có chỗ giữ xe thì họ không thể tham gia các hoạt động kinh tế, văn hóa… trên địa bàn quận 1 được; điều này cũng ảnh hưởng rất lớn đến du lịch, thương mại dịch vụ. Đặc biệt, các bãi xe do phòng, ban, đơn vị quận 1 phụ trách thì xem xét lại về mặt quy định, có cần thiết để các cơ quan đó đứng tên không hay giao cho lực lượng thanh niên xung phong, quy về một đầu mối để lực lượng khác làm việc chuyên nghiệp hơn. Hoặc công bố hình thức đấu giá, không để thất thu ngân sách. Khi thực hiện còn phải tính toán chuyện đảm bảo hệ thống giao thông công cộng, làm sao khuyến khích người dân vào trung tâm TP bằng phương tiện này, giảm tối đa lượng xe cá nhân. Muốn thế thì phải quy hoạch những bãi xe nằm đầu và cuối của những tuyến phương tiện công cộng để tạo thuận lợi cho người dân đi phương tiện công cộng. Đại biểu HĐND TP.HCM CAO THANH BÌNH, |