Thông tin từ ĐH Quốc gia TP.HCM, Hội đồng ĐH Quốc gia TP.HCM vừa tổ chức phiên họp lần thứ 22, khóa IV.
Đáng chú ý tại phiên họp, Hội đồng đã nghe, thảo luận và đồng ý thông qua chủ trương đề xuất triển khai Dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội dành cho sinh viên với tỉ lệ đồng thuận là 100%.
Theo báo cáo, ĐH Quốc gia TP.HCM đã quy hoạch hai khu ký túc xá sinh viên với quy mô 42,08 hecta.
Từ năm 2001 đến năm 2009, ĐH Quốc gia TP.HCM đã thực hiện đầu tư xây dựng ký túc xá bằng các nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn ngân sách địa phương và vốn trái phiếu Chính phủ với tổng diện tích sàn xây dựng là 480.328m2, đáp ứng chỗ ở cho 40.000 sinh viên trong tổng số gần 100.000 sinh viên đang học ở các trường tại Khu đô thị ĐH Quốc gia TP.HCM.
Dự báo khi tuyến Metro số 1 Bến Thành – Suối tiên (đi ngang qua ĐH Quốc gia TP.HCM) đưa vào khai thác trong thời gian tới thì nhu cầu của sinh viên ở ký túc xá trong Khu đô thị ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ tăng rất mạnh. Theo đó, sống nội trú trong ký túc xá sẽ mang lại nhiều tiện ích hơn, nhiều cơ hội trải nghiệm hơn cho sinh viên so với việc thuê nhà ở bên ngoài.
Do đó, việc có thêm dự án nhà ở xã hội sẽ đa dạng hóa các loại hình phục vụ, hỗ trợ và giải quyết được nhu cầu chỗ ở và sinh hoạt cho sinh viên, giúp sinh viên tập trung vào việc học tập và rèn luyện bản thân một cách tốt nhất.
Bên cạnh đó, việc đầu tư xây dựng ký túc xá mới sẽ góp phần tăng hiệu quả sử dụng đất và đầu tư xây dựng công trình đáp ứng theo lộ trình chiến lược phát triển Khu đô thị ĐH Quốc gia TP.HCM giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.
Tại phiên họp, các thành viên Hội đồng đều ủng hộ dự án nhà ở xã hội và cho rằng việc xây dựng dự án nhà ở xã hội là việc làm rất đúng, đáp ứng nhu cầu ăn ở, sinh hoạt của sinh viên, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.
Tuy nhiên, các thành viên ý kiến rằng ĐH Quốc gia TP.HCM cần đánh giá thực trạng ký túc xá hiện nay cũng như xem xét quy định xây dựng nhà ở xã hội cho sinh viên và khảo sát nhu cầu về chỗ ở của sinh viên trong quá trình xây dựng dự án, đồng thời nghiên cứu cách tiếp cận các nguồn lực để thực hiện dự án hiệu quả.