Di chúc vợ chồng: Phần ai nấy lập

Thành phần tham dự gồm 250 đại biểu là đồng bào dân tộc Chăm, Hoa trên địa bàn quận Bình Thạnh.

Tại hội nghị, báo cáo viên bà Nguyễn Thị Thùy Dung - thẩm phán, Chánh Tòa Kinh tế TAND TP.HCM, đã nêu những điểm mới cơ bản của Bộ luật Dân sự đồng thời cũng đưa ra những ví dụ cụ thể, sinh động mà trong quá trình hành nghề bà đã gặp qua để các đại biểu dễ nắm được.

di-chuc-chung

Bà Nguyễn Thị Thùy Dung - thẩm phán, Chánh Tòa Kinh tế TAND TP.HCM, đang báo cáo tại hội nghị. Ảnh: YC

Người giám hộ bao gồm cả pháp nhân

Bà Dung nêu ra ví dụ: Hai vợ chồng có rất nhiều tài sản nhưng đột ngột qua đời, không để lại di chúc và có một đứa con mới 5 tuổi. Bên ngoại và bên nội kiện ra tòa để xác định người giám hộ cho cháu. Tuy nhiên, cả hai bên nội ngoại đều tham lam chỉ muốn được làm người giám hộ hòng chiếm đoạt tài sản.

Trường hợp này, theo bà Dung, luật mới đã cho phép cả pháp nhân được làm người giám hộ, từ đó nếu thẩm phán nhận thấy việc giao cho một cá nhân giám hộ có thể sẽ không đảm bảo quyền lợi cho đứa trẻ thì có thể giao cho một tổ chức uy tín nào đó giám hộ và quản lý tài sản của trẻ.

Mở rộng đối tượng hưởng thừa kế

Theo bà Dung, quy định này là sự học hỏi từ các nước trên thế giới. Bà Dung nêu một ví dụ có thật ở nước ngoài: Ông tỉ phú đi du lịch tại một hòn đảo và cảm thấy yêu mến những người dân nơi đây. Ông muốn để lại tài sản cho người dân trên hòn đảo. Và ông đã chọn ngẫu nhiên 10 người trên hòn đảo theo danh sách của ngài thị trưởng cung cấp. Vậy là chỉ sau một đêm, 10 người dân bỗng chốc trở thành người thừa kế của tỉ phú.

Điều đó cho thấy luật mới đã mở rộng đối tượng được hưởng thừa kế là bất kỳ đối tượng nào mà người có tài sản muốn để lại.

Người quản lý di sản được thanh toán chi phí bảo quản

Theo bà Dung, BLDS 2005 không quy định điều này dẫn đến thiệt thòi cho người  quản lý di sản.

Tuy nhiên, luật mới đã có quy định điều này. Người đang quản lý di sản sẽ được thanh toán chi phí bảo quản di sản thừa kế, tuy nhiên nếu các bên không thỏa thuận được mức chi phí thì người quản lý sẽ được hưởng “thù lao hợp lý” nhưng như thế nào là “thù lao hợp lý” luật lại chưa quy định.

Đáng chú ý, tổ chức hành nghề công chứng được giữ di chúc và khi người lập di chúc qua đời công chứng viên sẽ công bố di chúc. Bà Dung cho rằng đây là quy định tiến bộ, tránh trường hợp người lập di chúc cất giữ trong nhà bị hư hỏng hoặc cất “quá kỹ” con cháu không biết.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: YC

Không quy định di chúc chung của vợ chồng

Bà Dung đưa ra một ví dụ để giải thích vì sao luật lại bỏ quy định về di chúc chung của vợ chồng.

Hai vợ chồng lập di chúc chung để lại căn nhà cho con gái. Khi vợ mất, người chồng muốn có vợ mới nhưng con gái không chấp nhận nên đuổi cha ra khỏi nhà và chửi bới cha. Thấy con đối xử tệ bạc với mình nên ông ra phòng công chứng sửa di chúc chung của vợ chồng đã lập.

Tuy nhiên, công chứng viên không sửa được dù ông chồng chỉ yêu cầu sửa một nửa phần tài sản của mình, bởi đây là di chúc chung của hai vợ chồng, giấy tờ nhà đứng tên hai vợ chồng. Vì vậy, người chồng phải kiện ra tòa yêu cầu chia thừa kế phần của vợ.

Từ thực tiễn đó, các thẩm phán đã đề nghị sửa đổi luật theo hướng “phần ai nấy lập”.Tuy nhiên, bà Dung cũng nhấn mạnh đối với những di chúc chung của vợ chồng lập trước ngày 1-1-2017 thì vẫn có hiệu lực.

Hợp đồng vay tiền hay ủy quyền bán nhà?

Theo bà Dung, trong quá trình xét xử, bà đã gặp rất nhiều vụ án vay tiền thế chấp nhà (không lập thành văn bản) nhưng ra công chứng ký lại ký giấy ủy quyền được mua bán nhà. Sau đó, người cho vay dựa vào hợp đồng ủy quyền bán lòng vòng căn nhà qua rất nhiều người. Cho đến khi người mua nhà đến tòa khởi kiện yêu cầu giao nhà thì chủ nhà mới biết nhà đã bị bán dù số tiền mượn 100 triệu nhưng căn nhà trị giá tới 1 tỉ đồng.

Bà Dung cho rằng dù có biết “tình ngay lý gian” nhưng thẩm phán cũng không làm được gì, vì giấy tờ ủy quyền, bán nhà là đúng theo quy định của pháp luật còn người đi vay thì không có chứng cứ gì để chứng minh đó chỉ là quan hệ vay mượn.

Vì vậy, bà nhắc nhở mọi người có vay mượn cũng không nên ký hợp đồng ủy quyền nhà vì có thể sẽ mất cả căn nhà.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm