QUỐC HỘI THẢO LUẬN LUẬT HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI VÀ HĐND

Đi giám sát chứ đâu phải tới liên hoan

“Có những đoàn giám sát đến vui vẻ xong “chào các bác em về”, có đoàn kéo đến rất đông nhưng nghe báo cáo qua loa không đi thực tiễn gì cả, liên hoan xong rồi về”.

Đây là thực tế giám sát được Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Bá Thuyền phản ánh trong phiên thảo luận tại hội trường về Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND chiều 21-10.

Dê, gà của người nghèo “đi lạc” sao không biết?

Theo ông Thuyền, người dân rất mong muốn ngoài giám sát chung phải lắng nghe các đối tượng cụ thể liên quan đến nội dung giám sát, tuy nhiên điều này không phải lúc nào cũng được thực hiện. “Giám sát chính sách dành cho người nghèo nhưng dê “đi lạc” vào nhà bí thư lại không biết; hỗ trợ người nghèo nhưng chia cho cán bộ xã hết. Giám sát chính sách cho người nghèo nhưng lại không hỏi người nghèo” - ông Thuyền bức xúc. (Báo chí thời gian qua phản ánh thông tin ở một số địa phương có chính sách hỗ trợ dê, gà, bò, heo... cho dân nghèo, tuy nhiên không đến tay người dân mà lần lượt theo nhau vào nhà cán bộ hoặc anh em, họ hàng của các cán bộ - PV).

Từ thực tế này, ông Thuyền kiến nghị: Khi giám sát, “chúng ta phải nghe báo cáo nhưng phải nghe cả đối tượng thụ hưởng, bị tác động”.

ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) cũng có nhìn nhận hoạt động giám sát hiện nay còn mang nặng tính hình thức. Ông Sơn họa thơ luôn cho kiểu giám sát này: “Đoàn đến rồi đoàn lại đi/ Địa phương chẳng chuyển biến gì, không sao”.

Đi giám sát chứ đâu phải tới liên hoan ảnh 1

Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) phát biểu tại hội trường Quốc hội về Luật Hoạt động giám sát của QH, HĐND chiều 21-10. Ảnh: TTXVN

Trưởng Đoàn ĐBQH Đà Nẵng, ông Huỳnh Nghĩa, cũng cho rằng một số cuộc giám sát chuyên đề của QH và HĐND vẫn ở tình trạng cưỡi ngựa xem hoa, chưa đi sâu, đi sát nắm tình hình, chưa đánh giá đúng thực trạng để có kết luận chính xác.

Theo ông Nghĩa, nghị quyết, quyết định thành lập đoàn giám sát có đầy đủ thành phần nhưng khi đến làm việc tại các địa phương thì chỉ có vài đại biểu, thời gian làm việc rất hạn chế, chỉ gói gọn trong một ngày, thậm chí chỉ có một buổi. Kết thúc buổi làm việc, đoàn giám sát chỉ dừng lại ở việc ghi nhận các vấn đề địa phương, đơn vị kiến nghị.

Nhằm khắc phục tình trạng này, ông Nghĩa đề nghị luật cần quy định chặt chẽ các vấn đề nêu trên để giám sát chuyên đề đạt được mục tiêu đề ra, giải quyết cho được những hạn chế bất cập trong thực tế, bảo đảm hoạt động này của QH và HĐND phát huy hiệu lực, hiệu quả.

Thường trực Ủy ban Tư pháp Đỗ Văn Đương (TP.HCM) đề xuất đoàn giám sát ngoài việc nghiên cứu hồ sơ có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát tự thanh tra, kiểm tra và thông báo lại cho đoàn biết kết quả thanh tra đó.

Kiến nghị cấp trưởng phải trực tiếp trả lời chất vấn

Liên quan đến việc trả lời chất vấn tại kỳ họp QH và HĐND, theo ông Huỳnh Nghĩa, luật hiện hành quy định những đối tượng chịu sự chất vấn là các chức danh cụ thể, liên quan đến con người cụ thể. Nhưng thực tế vừa qua, nhiều ĐB chất vấn Thủ tướng Chính phủ hoặc chủ tịch UBND nhưng người đứng ra trả lời thường là phó thủ tướng, phó chủ tịch UBND do pháp luật không bắt buộc chức danh bị chất vấn bắt buộc trực tiếp trả lời chất vấn, cũng không cấm việc ủy quyền trả lời chất vấn. Dự thảo luật mới cũng không điều chỉnh vấn đề này.

Ông Nghĩa đề nghị cần quy định rõ theo hướng các chức danh bị chất vấn không được ủy quyền cho cấp dưới trả lời chất vấn. “Đại biểu QH, HĐND chất vấn chức danh nào thì chức danh đó phải trực tiếp trả lời vì ĐB là người đại diện cho cử tri, mà cử tri luôn mong muốn vấn đề chất vấn được chính chức danh đó trả lời nhằm khắc phục hạn chế, tìm ra những giải pháp tối ưu để quản lý, điều hành đất nước tốt hơn” - ông Nghĩa lập luận.

“Ông trưởng đang ở nhà mà ủy quyền cho cấp phó trả lời chất vấn thì rất vô lý. Ở địa phương, giám đốc sở đang ngồi dự nhưng lại ủy quyền cho cấp phó đứng ra trả lời” - ĐB Nguyễn Bá Thuyền nói.

Theo ông Thuyền, luật phải quy định rõ trường hợp nào mới được ủy quyền, cụ thể chỉ khi nào vắng mặt vì lý do đi nước ngoài hay ốm đau… thì mới được ủy quyền cho cấp phó.

Quốc hội lại phải nghỉ sớm vì ít đại biểu đăng ký phát biểu

Sáng 21-10, theo nghị trình, các ĐBQH nghe tờ trình về dự án Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi); báo cáo thẩm tra dự án Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) và báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Kế toán (sửa đổi). Sau đó các ĐB thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Kế toán (sửa đổi).

Tuy nhiên, đến 9 giờ 15 sáng, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các ĐB về nghiên cứu tài liệu vì chỉ có bốn ĐB đăng ký phát biểu góp ý cho dự thảo Luật Kế toán (sửa đổi).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm