Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho hay kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII sẽ khai mạc ngày 20-10 và dự kiến bế mạc ngày 28-11.
Tại buổi họp báo sáng 19-10, thông tin về kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII (dự kiến khai mạc sáng mai 20-10 và bế mạc ngày 28-11), Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho hay:
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ quyết định thành lập Hội đồng Bầu cử Quốc gia, bầu chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia, tổng thư ký Quốc hội, phê chuẩn phó chủ tịch và ủy viên Hội đồng Bầu cử Quốc gia. Quyết định ngày bầu cử toàn quốc bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp.
Liên quan đến nội dung chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp, ông Phúc cho hay: “Chất vấn tại kỳ họp thứ 10 vẫn diễn ra trong 2,5 ngày và sẽ rà soát lại toàn bộ tám nghị quyết chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Qua đó cho thấy các cam kết của Chính phủ và các thành viên Chính phủ trước Quốc hội đã được thực hiện như thế nào. Trên cơ sở đó đại biểu tiếp tục chất vấn về những điều đã làm được và tại sao có những việc chưa hoàn thành”.
Cũng theo ông Phúc, Thủ tướng tham dự phiên chất vấn và có thể trực tiếp trả lời hoặc báo cáo tổng quát về những ý kiến liên quan theo thẩm quyền. Bên cạnh đó, tất cả thành viên Chính phủ cũng phải có mặt để đại biểu Quốc hội có thể chất vấn bất kỳ thành viên nào.
Đánh giá về nội dung kỳ họp, ông Phúc cho biết đây là kỳ họp với rất nhiều nội dung quan trọng. Riêng về mặt tài liệu phát cho mỗi đại biểu Quốc hội nhiều hơn gấp ba lần so với các kỳ họp trước.
Cụ thể, trong 31 ngày làm việc, Quốc hội sẽ dành 19 ngày để thảo luận, xem xét thông qua 18 luật, 16 nghị quyết và cho ý kiến tám dự án luật.
Điều đáng lưu ý là tại kỳ họp này Quốc hội tập trung xem xét, thông qua các dự án luật quan trọng thuộc lĩnh vực tư pháp (Bộ luật Hình sự sửa đội, Tố tụng hình sự sửa đổi, Luật Tạm giữ, tạm giam...).
Đồng thời Quốc hội sẽ dành thời gian để thảo luận, cho ý kiến về nhiều đạo luật có liên quan đến quyền con người, quyền công dân theo đúng tinh thần của Hiến pháp 2013 nhằm hoàn thiện nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân (đáng lưu ý là Luật Trưng cầu ý dân…).
Lượng thời gian còn lại, Quốc hội tập trung thảo luận, xem xét kết quả thực hiện phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước 2015, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2016; đánh giá kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015…