Theo ông Nghĩa, hiện nay ở một số địa phương xảy ra chuyện “lùm xùm”, bị các phương tiện truyền thông phản ánh nhiều nhưng ít thấy các ĐBQH, đoàn ĐBQH ở địa phương đó lên tiếng. Ví dụ tỉnh nọ có ban hành quyết định mà đụng đến vấn đề an ninh quốc phòng, hay ảnh hưởng môi trường… nhưng chờ mãi không thấy đoàn ĐBQH của địa phương đó vào cuộc. “Điều đó khiến cử tri bức xúc vì vấn đề không chỉ dừng lại tại địa phương đó mà còn liên quan đến cả nước” - ĐB Nghĩa nói. Theo ông Nghĩa, điều này bắt nguồn từ việc quy định “mỗi nơi có một đoàn ĐBQH và đoàn nào giám sát địa phương đó”. Muốn khắc phục tình trạng này, ông Nghĩa kiến nghị cần cho phép ĐBQH (ở bất kỳ tỉnh nào - PV) phải được quyền chất vấn chủ tịch địa phương và yêu cầu lãnh đạo địa phương trả lời.
Tại buổi tọa đàm trên, các ý kiến cũng cho rằng dự luật bổ sung quy định kiến nghị xử lý theo thẩm quyền sẽ là bước tiến mới nâng cao hiệu quả của hoạt động giám sát. Cụ thể, dự luật quy định: “Giám sát là việc chủ thể giám sát theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát trong việc tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý”. Về việc này Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Đỗ Mạnh Hùng cho rằng: “Trước đây giám sát là chỉ theo dõi, xem xét, đánh giá, còn bây giờ có quyền xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý. Quy định này nếu làm rõ được và khả thi thì sẽ rất tốt”. Ông Hùng đề nghị phải làm rõ thẩm quyền xử lý sau giám sát đến từng địa chỉ, cá nhân nếu không sẽ không rõ trách nhiệm.
TRỌNG PHÚ