Theo ông Diệp, kỳ vọng của phía Đài Loan và Bộ LĐTBXH Việt Nam là giảm chi phí cho lao động, phát triển phương án tuyển mộ lao động trực tiếp. Khi có nhu cầu tuyển phía Đài Loan sẽ gửi danh sách cho Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH Việt Nam) thống kê, đăng tuyển.
Tuy nhiên, cũng đảm bảo các yêu cầu về ngôn ngữ, đào tạo, hiểu biết chính sách pháp luật, giáo dục định hướng… thì lao động mới được xuất cảnh. Lao động đi theo chương trình này thì Trung tâm Lao động ngoài nước và Ban quản lý lao động Việt Nam tại Đài Loan quản lý lao động.
Cụ thể, lao động cần đóng phí dịch vụ với số tiền tương đương 500 USD/người (hơn 11 triệu đồng); chi phí bồi dưỡng kiến thức 532.000 đồng/người, lệ phí visa tương đương 66 USD/người (hơn 130.000 đồng) và chi phí đóng góp Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước 100.000 đồng/người. Ngoài ra, người lao động thực hiện ký quỹ tại ngân hàng theo quy định.
So với mức phí trước đây, lao động chỉ phải trả một khoản tiền rất nhỏ (khoảng 13 triệu) chưa kể tiền vé máy bay và ký quỹ chống trốn là 100 triệu đồng.
Tính tổng chi phí chắc chỉ khoảng hơn 100 triệu đồng, trong khi trước kia là hơn 200 triệu đồng.
“Tuy nhiên, có một cái khó, số lượng chủ sử dụng mong muốn tuyển dụng qua kênh này không nhiều. Họ vẫn thường tuyển dụng qua công ty dịch vụ môi giới của Đài Loan, bởi như vậy họ không phải làm bất cứ thủ tục gì, không phải tốn kém. Chủ sử dụng không mất tiền tuyển dụng, thậm chí họ còn được các công ty môi giới trả tiền để có các đơn hàng. Bù lại những thứ đó, họ sẽ thu phí rất cao với các công ty phái cử và người lao động ở các nước không riêng gì với Việt Nam” - ông Diệp nói.
Trước đó, Dân Việt có thông tin về việc Bộ LĐTBXH tuyển dụng lao động trực tiếp. Lao động đi theo kênh của Bộ sẽ không mất phí môi giới. Tuy nhiên, khá nhiều lao động hoài nghi và muốn làm rõ thông tin này.
Theo Thuỳ Anh (Dân Việt)