Đi tìm thung lũng trường thọ ở Pakistan

Thỉnh thoảng tôi tự hỏi: Không biết có ai trên đời này như mình, chỉ vì một bức ảnh, một câu chuyện mà nhất định tìm mọi cách để đến được vùng đất ấy bất chấp khó khăn, hiểm nguy? Những chuyến đi của tôi luôn luôn là như thế.

Pakistan cũng thế, từ một bài báo mơ hồ được dịch lại mà tôi quyết tâm đi.

Cứ đi rồi sẽ đến

Bạn bè, người quen khi nghe tôi nói đi Pakistan ai cũng kinh ngạc và ngăn cản. Tại sao phải đến một nơi khó khăn, đầy rẫy hiểm nguy như thế? Mà cũng phải. Trong suy nghĩ của mọi người, dù ở Việt Nam hay trên thế giới, Pakistan là vùng đất của khủng bố, bạo loạn, giết chóc và chiến tranh. Chính tôi cũng nghĩ về nơi này như thế. Cho đến một hôm tình cờ tôi đọc bài báo nói về một nơi dân làng sống hơn trăm tuổi trong thanh bình, khỏe mạnh và hạnh phúc. Người ta bảo đó là một trong năm nơi người dân có tuổi thọ cao nhất thế giới. Bất ngờ thay thung lũng ấy nằm ở Pakistan! Pakistan lại có một nơi bình yên, đẹp đẽ như thế sao? Hiếu kỳ và ngạc nhiên vô hạn, tôi quyết tâm đến xứ sở này để tìm hiểu thực hư về ngôi làng lạ lùng ấy.

Lên kế hoạch rồi, tôi bắt đầu nộp hồ sơ xin visa. Theo tất cả thông tin từ Đại sứ quán Pakistan lẫn kinh nghiệm của một số “phượt thủ” đã từng đến nơi này chia sẻ thì tôi bắt buộc phải có thư mời từ đối tác công việc hoặc từ công ty du lịch ở Pakistan do mua tour của họ thì mới được cấp visa Pakistan. Tôi không đạt được điều kiện nào để có thư mời như thế. Một số công ty lữ hành tại Việt Nam có dịch vụ hỗ trợ thủ tục xin visa Pakistan nhưng họ báo giá quá cao, gần 300 USD trong khi lệ phí visa chỉ 650.000 đồng! Là dân đi bụi luôn phải đắn đo từng đồng nên con số này quá lớn với tôi.

Suy nghĩ một hồi, tôi đánh bạo gọi điện thoại đến Lãnh sự quán Pakistan ở TP.HCM trình bày “hoàn cảnh”. May thay, cô bé nhân viên tốt bụng hướng dẫn tôi gửi thư cho Đại sứ quán Pakistan nói rõ nguyện vọng của mình kèm hồ sơ theo quy định. Thực hiện đầy đủ, passport cũng gửi ra Hà Nội nhưng chờ mãi không thấy hồi âm. Gọi điện thoại mấy lần đến đại sứ quán thì chỉ nhận được thông báo sẽ xem xét. Lo lắng và sốt ruột, tôi kể chuyện cho người bạn đang làm việc cho Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ mà tôi tình cờ được gặp sau đợt leo núi bị động đất ở Nepal năm 2015 nghe. Anh “thương xót” quá bèn gửi email cho nhân viên Đại sứ quán Pakistan nhờ hỗ trợ. Ít ngày sau, visa của tôi được gửi về tận nơi với thời hạn được đi bụi Pakistan một tháng. “Thông thường visa lần đầu chỉ được 14 ngày thôi, chị là trường hợp lạ đó” - cô bé nhân viên ở lãnh sự quán reo lên.

Thế là chuẩn bị lên đường. Một khó khăn lớn khi đi bụi Pakistan là không tìm đâu ra sách hướng dẫn du lịch về Pakistan mà tôi hay gọi là Lonely Planet thần thánh. Thông tin trên mạng về những vùng đất của Pakistan cũng rất ít ỏi và cũ kỹ từ nhiều năm trước. Thậm chí bản đồ Pakistan cũng không chi tiết như những nơi khác. Gần như tôi tay trắng khi đến Pakistan, chỉ hy vọng, trông chờ vào chiếc điện thoại để tìm đường ở những nơi nào có WiFi.

Ừ. Cũng có sao đâu! Cứ đi thôi. Tôi tin rằng đi rồi sẽ đến.

Đường đến thiên đường Hunza

Để tiết kiệm tối đa chi phí, tôi luôn tìm phương tiện rẻ nhất nên xe buýt là lựa chọn hàng đầu. Ngoài ra, tôi cũng luôn cố tìm xe buýt đêm để tranh thủ thời gian lại đỡ một đêm khách sạn. Hành trình Pakistan của tôi toàn bộ bằng xe buýt từ lúc vào đến lúc ra.

Vừa đến sân bay Delhi (thủ đô Ấn Độ), tôi bắt xe ra Bến xe Kashmir Gate để đón xe buýt đến vùng biên giới giáp Pakistan. Vật vã chờ sáu tiếng đồng hồ, gần 8 giờ tối xe cũng lăn bánh. Sau mười tiếng trên xe buýt, tôi cũng đến được cửa khẩu Wagah lúc tờ mờ sáng. Cuối tháng 12 trời mùa đông lạnh như cắt và đầy sương. Cứ tưởng thế là sẽ được lập tức qua Pakistan nhưng tôi bị cảnh sát “vịn” lại cho hay đến 9 giờ 30 mới làm việc. Thế là tiếp tục ngồi chờ.

Khác với các biên giới với Nepal, cửa khẩu rất sơ sài, chỉ là một cổng chào, biên giới Wagah giữa Ấn Độ và Pakistan rất uy nghiêm và căng thẳng như đang ở vùng chiến sự. Rất nhiều cảnh sát Ấn Độ súng ống đầy người kiểm soát gắt gao từng hành vi, cử chỉ của người qua lại. Thỉnh thoảng lại nghe những tiếng súng nổ. Không biết phải qua bao nhiêu lần kiểm tra giấy tờ, hành lý, tôi mới lọt được qua khỏi cửa khẩu Ấn Độ để qua Pakistan.

Cứ nghĩ đón tôi sẽ là những gương mặt lạnh lùng, đằng đằng sát khí, không ngờ cảnh sát và hải quan Pakistan khá thân thiện và dễ mến. Xong thủ tục nhập cảnh, tôi lại lập tức đến bến xe ở Lahore để đi thẳng lên Wagapindi (sát Islamabad) vì nghe nói tại Wagapindi có xe buýt đến nơi tôi mơ ước đặt chân, thung lũng Hunza - tên ngôi làng người dân sống thọ nhất thế giới. Liên tục những chuyến xe buýt dài nên đến Wagapindi tôi vô cùng mệt mỏi, tưởng kiệt sức đến nơi. Tại đây, các bác tài cho hay đến Hunza chỉ có một tuyến xe buýt duy nhất mỗi ngày và phải mất ít nhất 22 tiếng ngồi xe. Vui mừng khôn xiết, tôi lập tức gật đầu và mua vé để hôm sau lên đường. Chú bán vé cho hay tôi phải chụp 10 bản photo passport có visa Pakistan để nộp cho các bốt cảnh sát dọc đường.

Nghĩ mình nghe nhầm, tôi hỏi đi hỏi lại thì chú khẳng định chắc nịch 10 bản giấy tờ không hơn không kém. Xưa nay chưa từng thấy nơi nào mua vé xe buýt mà phải nộp chục bản giấy tờ tùy thân. Chắc là chỉ có ở Pakistan thôi!

Sau một đêm ngủ bụi ở nhà trọ trong khu ổ chuột ở bến xe với giá phòng chỉ bằng 1/4 khách sạn bình dân khác, tôi náo nức lên đường đến Hunza. Lại một đêm dài ngủ trên xe buýt và thêm một ngày ròng rã cùng hàng chục lần lên xuống trình diện cảnh sát. Cuối cùng tôi cũng đặt chân đến được Hunza sau 23 tiếng đồng hồ đằng đẵng ngồi xe.

Một điều khiến tôi vô cùng bất ngờ về Pakistan là hệ thống đường sá cực kỳ tốt. Hunza là một thung lũng xa xôi nhưng chính phủ đầu tư con đường Karakoham nối với các thành phố lớn rất chất lượng. Nhiều đoạn xe băng ngang những ngọn núi tuyết phủ, qua những hoang mạc rộng lớn thênh thang hay sông hồ thơ mộng. Đẹp nhất chắc là một đoạn của Con đường Tơ lụa huyền thoại ngày nào nối liền Pakistan và Trung Quốc xa xưa. Cảnh tượng đẹp đến sững sờ. Ngày nay con đường này đã đóng và thay thế là đại lộ Karakoham - được chọn là một trong những cung đường hiểm trở nhưng đẹp nhất thế giới.

Thật vậy! Pakistan đẹp không thua bất kỳ nơi nào trong nhiều nước mà tôi đã đi qua.

Ngàn năm thanh bình trên thung lũng Hunza

Hunza đón tôi trong cái rét căm căm âm 13 độ dù mới chỉ 5 giờ chiều. Còn đêm về, nhiệt độ xuống dưới âm 16 độ. Sông hồ, rãnh nước đóng thành băng. “Sáng mai thức dậy bạn sẽ thấy khung cảnh xung quanh đẹp đến dường nào” - anh chủ khách sạn có giọng nói thật ấm đưa tôi chìa khóa phòng cho hay. Hunza thường xuyên mất điện và hiếm nơi nào có lò sưởi tự động. Hunza là thung lũng nằm trên dãy núi là cái đuôi của rặng Hymalayas. Hunza ở độ cao 3.000 m so với mực nước biển nên cái lạnh rất khắc nghiệt, lại dễ bị triệu chứng khó thở do sốc độ cao. Những đêm ở Hunza gần như tôi không thể ngủ.

Buổi sáng, khoảng 9 giờ, tia nắng đầu tiên mới bắt đầu le lói chiếu qua màn cửa. Vén rèm nhìn ra ngoài, xung quanh tôi là những ngọn núi tuyết trắng xóa. Mấy con chim bụng trắng lưng đen, đuôi dài, nghe nói chỉ có ở Hunza nhảy nhót trên những cây táo, mơ trong vườn.

Hunza ở một nơi cách biệt thế giới. Hunza chỉ có vài ngôi làng nhỏ nằm cách nhau vài cây số. Làng ở Hunza được bao bọc bởi những hàng rào đá. Hàng rào đá bảo bọc ngôi nhà, che chắn vườn cây và làm chuồng cho gia súc. Hầu như nhà nào cũng có khu vườn trồng mơ, táo, óc chó, hạnh nhân..., những thực phẩm chủ yếu của người Hunza. Những ngôi làng thanh bình và độc đáo. Mùa đông cây cối trơ trụi lá mà Hunza đã đẹp nao lòng...

Cầm những bài báo thế giới viết về sự trường thọ của người Hunza hỏi dân làng, mọi người cười vang và cho hay đó là chuyện bình thường ở đây nên chẳng ai thấy đó là điều lạ lẫm. Người Hunza rất ít ăn thịt. Thay vào đó họ dùng các loại cây trái hoa quả trong vườn và trên núi. Đặc biệt phổ biến là trái mơ. Người ta ăn trái mơ, uống nước mơ khô. Hạt mơ ngon như hạt hạnh nhân. Ngoài ra, hạt mơ còn để ép dầu uống chống lạnh - bí quyết của người Hunza. Điều bất ngờ nữa, Hunza là một trong hai vùng hiếm hoi ở Pakistan trồng được hoa nghệ tây, hay còn gọi là saffron hoặc hồng hoa Tây Tạng. Đây là dược liệu được cho là vô cùng quý cho sức khỏe và sắc đẹp mà giới nhà giàu Việt Nam đang săn lùng với giá vài trăm triệu đồng một ký.

Ở Hunza, saffron cũng là nguyên liệu quý và giá cao dù vẫn rẻ hơn khi về đến Việt Nam nhiều. Người Hunza cho hay mùa hoa saffron vào tháng 5, tháng 6 và rất ngắn, chỉ 20 ngày. Hoa phải hái bằng tay lúc mờ sáng, trước lúc mặt trời mọc. Một bông hoa chỉ thu được vài nhụy. Ở đây, saffron được dùng khi nấu cơm nên cơm có màu vàng hoặc đỏ, hoặc nấu với sữa uống buổi sáng. “Chúng tôi rất khỏe mạnh, không bao giờ phải uống thuốc” - anh bạn người Hunza chia sẻ. Nghe hay hay, tôi cũng mua một ít saffron về làm quà. Mấy thuở được duyên may đến đúng nơi trồng được saffron quý hiếm.

Hunza đẹp. Hunza huyền bí. Nhưng với tôi, điều tuyệt nhất ở thung lũng xa xôi của dãy Hymalayas này là người Hunza. Họ đẹp lạ thường với làn da trắng như tuyết, mũi cao, mắt nâu sâu thẳm. Mấy đứa bé xinh như thiên thần, hai má ửng hồng như hoa đào mùa xuân. Dường như người Hunza sinh ra để vui vẻ và tử tế. Ông cụ vác rìu trên vai nồng nhiệt gật đầu khi tôi xin chụp ảnh và muốn ông dẫn về nhà. Bước chân ông thoăn thoắt trên con đường cheo leo, khúc khuỷu trên núi. Người trẻ như tôi phải vất vả đuổi theo. Trong ngôi nhà nhỏ ấm cúng, họ mời tôi uống trà và vui vẻ gật đầu khi tôi ngỏ lời xin ở lại ít ngày.

Luôn luôn ở Hunza là những nụ cười thân tình, hiếu khách. Những đứa bé bẽn lẽn chạy vào lấy nước mời khách lỡ đường. Anh tài xế taxi chở tôi đi dạo, nghe tôi tiếc nuối vì không đến đúng mùa táo liền gọi điện thoại về nhà. Lát sau, bé con anh ôm ra một túi táo tặng tôi. Anh chủ quán cà phê nơi tôi chỉ ghé uống ly trà lập tức nhường chiếc máy sưởi duy nhất cho tôi được ấm. Anh mở máy phát điện, cho tôi dùng ké WiFi cả ngày. Đêm đông lạnh giá, anh và nhân viên quán đi mua cơm, đổi tiền giúp tôi vì tôi không thể ra bên ngoài rét buốt. Dĩ nhiên là không hoa hồng, không đòi tiền tip. Hôm tôi rời Hunza, anh cùng anh tài xế ghi cho tôi mọi thông tin về những chặng đường sắp tới rồi dặn dò đủ thứ như thể tôi là một đứa bé con. “Có bất cứ chuyện gì, hãy gọi cho tôi!” - họ nhắc đi nhắc lại. Trong cảm động vô vàn, tôi chỉ biết khẽ gật đầu và nói lời cảm ơn những chủ nhà tốt bụng khiến tôi không có chút cảm giác nào mình là khách lạ giữa nơi xa.

Thật lòng mà nói, tôi không đủ cơ sở để kết luận về tính thực hư của những bài báo về sự trường thọ, gần ngàn năm qua không ai bị ung thư ở Hunza mà tôi đã đọc. Không biết rất nhiều ông cụ bà lão rất đẹp người và tráng kiện, minh mẫn tôi gặp ở Hunza có phải đã hơn trăm tuổi đời không. Nhưng tôi chắc chắn một điều là người Hunza rất hạnh phúc và khỏe mạnh. Dễ hiểu thôi, họ có cả một đất trời bao la xung quanh, có những loại kỳ hoa dị thảo cho sức khỏe. Họ sống cuộc đời nhẹ nhàng, đơn giản, không bon chen tranh giành. Và họ còn có cả tấm lòng nồng ấm và tử tế.

***

Tôi đến Pakistan chỉ vì hiếu kỳ về thung lũng Hunza kỳ bí. Nhưng giờ đây tôi đã phải lòng Hunza mất rồi. “Mùa thu khi trời ấm hơn, mơ, táo, cherry chín rộ, con quay lại Hunza nhé. Ta sẽ cho con tha hồ hái các loại cây trong vườn. Miễn phí, không mất tiền” - ông cụ phúc hậu nơi khách sạn tôi ở vẫy tay tạm biệt.

Còn tôi, dĩ nhiên vô cùng vui sướng gật đầu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm