Đi tìm tiếng trẻ thơ gọi “mẹ!”

Bóng mẹ đi đâu em đều dõi theo. Trong ánh mắt ấy không có người mẹ thứ hai nào ngoài mẹ Tiến. Khánh Như là trẻ sơ sinh thứ ba trong số 23 đứa trẻ lớn lên trong vòng tay yêu thương của chị.

Hành trình tìm tiếng trẻ thơ gọi “mẹ!”

Năm 1978, chị Tiến lấy chồng, sinh con. Đứa con trai kháu khỉnh chào đời được một tháng thì người chồng tìm cớ chia tay và “bắt con”. Suốt mười năm trời, chị tìm cách giành lại quyền nuôi con nhưng vô vọng. Nỗi khát khao được làm mẹ đã đưa chị đến với trẻ mồ côi, bị bỏ rơi, không nơi nương tựa ở làng SOS. Bao nhiêu thương nhớ con chị dồn hết cho các bé trong làng. Lần lượt chăm hết đứa này đến đứa khác, việc ấp con ngủ, khi con đòi bú, lúc con cất tiếng trìu mến gọi mẹ... gieo vào chị những cung bậc hạnh phúc bù đắp cho niềm khát khao làm mẹ trong chị.

Với chị Nguyễn Thị Hà, tiếng gọi “mẹ” của lũ trẻ là một âm từ rất thiêng liêng. Trước khi vào làng, chị là cô gái trẻ đẹp, có nghề nghiệp ổn định. Vì yêu trẻ nên dự định bồng bế trẻ khoảng một, hai năm rồi sẽ lập gia đình, có cuộc sống riêng. Nhưng rồi tình cảm của lũ trẻ níu chân chị đến nay đã gần 20 năm và có lẽ sẽ là duyên nợ đến cuối đời.

Trong khi ở đây đó, sự vô cảm, nạn bạo hành đang làm băng hoại nhiều gia đình thì ở ngôi làng SOS, những người không cùng máu mủ vẫn ngày đêm dệt nên cổ tích về tình mẫu tử.

Một việc làm bắt buộc đối với người mẹ là đi đến tận gia đình của trẻ có hoàn cảnh đặc biệt để đón về nuôi. Làng quy định như vậy để người mẹ hiểu hoàn cảnh của trẻ mà thương chúng hơn, để tình cảm mẹ con được vun vén ngay buổi đầu gặp gỡ. Ngày đầu tiên vào làng, chị Hà được đi đón anh em Dũng ở Củ Chi. Mẹ Dũng vừa qua đời, người cha không thể một mình nuôi bảy đứa con nên gửi bớt vào làng. Vượt bao nhiêu cây số để đến nhà, chị rớt nước mắt khi thấy ba anh em ngồi nghịch đất trước cửa, đang gặm trái cóc thay cơm.

Từ sáng, ba của chúng đã đi ra đồng bắt cá, chiều tối mới về. Từ lúc về làng (11 tháng tuổi) cho đến hơn một năm sau đó, Dũng không bao giờ cười dù cho chị Hà tìm đủ cách trêu cười. Rồi một ngày, chị bế đi bắt châu chấu, Dũng cười phá lên, tiếng gọi “mẹ” được bật ra. Tiếng cười và tiếng “mẹ” trong veo của em là giây phút hạnh phúc nhất trong đời chị.

Đứt ruột khi lìa con

Nuôi con trẻ sơ sinh vất vả nhất. Nhưng điều đáng quý là tình cảm các mẹ ở làng dành cho trẻ sơ sinh không khác gì người đã mang nặng đẻ đau ra chúng.

Chị Tiến chăm bé Khánh Như vừa bị mẹ bỏ rơi.
Chị Tiến chăm bé Khánh Như vừa bị mẹ bỏ rơi.

Chị Tiến từng nhận nuôi bé Duy Anh khi mới hai ngày tuổi. Lúc mới về, Duy Anh bị bệnh vàng da, viêm rốn, chân cẳng khẳng khiu như cây tăm. Vừa bệnh vừa thiếu hơi sữa mẹ nên thằng bé khóc đêm suốt một tháng đầu. mất nhiều đêm dài chị thức trắng chăm sóc, ấp ủ thằng bé mới ngủ ngon, trở nên kháu khỉnh, hiếu động. Năm năm sau, khi hơi ấm của mẹ con kịp ngấm vào nhau thì có người xưng là dì của Duy Anh xin nhận bé về.

Hơn một tháng sau khi Duy Anh rời làng, chị Tiến gần như không ngủ được. Ngồi đâu chị khóc đó nhưng giấu nước mắt, không cho các con khác trong nhà biết. Thế rồi chị quyết định mua quần áo, sách vở, khăn gói lên Bình Dương thăm con. Hai mẹ con ôm nhau khóc vì mừng, vì nhớ. Sau đó, bao nhiêu ngày phép chị để dành hết cho con. Có lần, nhân sinh nhật Duy Anh, chị được người nhà em cho ngủ lại với con một đêm. Sáng ra, trên xe đò chị khóc suốt quãng đường về làng, xe chạy quá lúc nào cũng không hay. Đón xe quay lại làng thì trời đã tối om với đôi mắt sưng húp.

Dường như lo sợ trước tình mẫu tử sâu đậm này, người nhà của Duy Anh đã chuyển chỗ ở đi nơi khác và cắt liên lạc với chị. Mỗi lúc rảnh rỗi, chị lại nhớ con và nước mắt lại rơi. “Dù biết rằng con nó về với gia đình ruột thì tốt, con là con người ta chứ con gì của mình nhưng cứ nghĩ đến việc phải xa nó, ruột tôi đau như bị ai cắt. Năm nay nếu được đi học, chắc con bước vào lớp hai rồi” - chị Tiến tâm sự.

Cách đây bốn năm, khi mẹ của hai anh em Dũng và Kiên mất, ba em gửi chúng vào làng. Chị Lê Thị Vinh đến đón hai anh em chúng về gia đình nhỏ của mình. Chuyến đi như một cuộc bắt cóc bởi em của Dũng nhất định không theo mẹ mới về làng. Nhờ kinh nghiệm chăm sóc hàng chục đứa con, sau vài tháng hai đứa nhỏ đã quấn quít bên mẹ mới. Bốn năm sau, người cha quay lại đón các con, hai đứa bịn rịn níu áo mẹ, không chịu bước theo cha. Chị lén gạt nước mắt, không dám tiễn con ra cổng. Nhiều ngày sau đó, chị không dám ngồi ăn cùng mâm với các con vì sợ cảm giác trống vắng khi thiếu hai anh em của Dũng.

Những người mẹ khác ở đây cũng đã từng phải xa con trong những hoàn cảnh khác nhau. Có đứa phải về với gia đình ruột, có đứa bốc đồng bỏ nhà đi bụi... Trường hợp nào lòng các mẹ cũng đau, cũng xót. Mẹ Hà từng có đứa con bỏ nhà đi bụi theo bạn bè đến hai năm, mặc cho chị hao gầy đi tìm kiếm, khuyên bảo. Sau năm tháng va chạm với đủ loại người ngoài xã hội, chúng nhận ra rằng không nơi đâu ấm đẹp bằng tình thương của người mẹ. Nó đã quay về làng và cúi đầu xin mẹ tha thứ. Lòng người mẹ lại một lần nữa rưng rưng hạnh phúc. Họ có những khổ đau, những hạnh phúc đa mang mà giản dị đến không ngờ.

Hiểu được tình cảm của các bà mẹ dành cho mình, hầu hết các cháu trưởng thành, rời làng vẫn luôn đi về bên mẹ. Đó là niềm động viên lớn nhất đối với những bà mẹ ở đây. Trong khi ở đây đó, sự vô cảm, nạn bạo hành đang làm băng hoại nhiều gia đình thì ở ngôi làng SOS, những người không cùng máu mủ vẫn ngày đêm dệt nên cổ tích về tình mẫu tử.

Sẽ có thêm một làng SOS tại TP.HCM

Cả nước hiện có 13 làng trẻ em SOS tại 13 tỉnh, thành phố. Mới đây, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ký hiệp định với tổ chức làng SOS quốc tế về việc tiếp nhận tài trợ để nuôi trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi, không nơi nương tựa. Theo đó, sẽ xây dựng một ngôi làng trẻ em SOS thứ hai tại TP.HCM.

Điều khác biệt của ngôi làng thứ 14 này là làng như một khu đô thị và hoàn toàn mở giống như một khu phố (không xây tường rào bao quanh). Dự kiến làng này sẽ có 12 nhà gia đình để nuôi dưỡng thường xuyên khoảng 100 trẻ mồ côi, bị bỏ rơi, không nơi nương tựa. Bên cạnh làng sẽ có một số ngôi nhà chức năng để quản lý và hỗ trợ cho 12 gia đình. Cạnh đó sẽ xây dựng một trung tâm xã hội hỗ trợ cộng đồng cung cấp các dịch vụ xã hội cho cư dân vùng hoặc một trường mẫu giáo cho khoảng từ 90 đến 100 cháu.

Dự kiến ngôi làng sẽ được xây dựng trên một hecta đất tại một khu vực đô thị mới của thành phố và liền kề với khu dân cư đông đúc trong tương lai. Ngôi làng sẽ hài hòa với khu dân cư xung quanh về kiến trúc xây dựng, không có sự khác biệt. Làng trẻ em SOS quốc tế sẽ tài trợ cho việc xây dựng và hoạt động sau này của làng.

THANH MẬN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm