Địa phương phải cam kết cấp vật liệu cho cao tốc Châu Đốc - Sóc Trăng

Cụ thể, các tỉnh, thành trên cần có đề xuất về việc làm cơ quan chủ quản thực hiện dự án thành phần thuộc dự án đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn đi qua địa bàn.

Cạnh đó, các địa phương phải cam kết hỗ trợ, tạo mọi điều kiện để cung cấp nguồn nguyên vật liệu phục vụ thi công công trình, đặc biệt là vật liệu cát đắp nền đường, đồng thời đánh giá khả năng cung cấp vật liệu trên địa bàn làm cơ sở để đề xuất các giải pháp thực hiện dự án.

Ngoài ra, các tỉnh, thành có dự án đi qua phải cam kết thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư cho dự án đảm bảo tiến độ yêu cầu theo đề xuất của Bộ GTVT.

Về tổng mức đầu tư dự án, Bộ GTVT cho rằng hiện nay dự án mới được cân đối 18.047 tỉ đồng, còn thiếu khoảng 26.977 tỉ đồng. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 cần bổ sung khoảng 13.358 tỉ đồng, nhu cầu giai đoạn 2026-2030 khoảng 13.619 tỉ đồng.

Vì vậy, Bộ GTVT đề nghị UBND các tỉnh, thành báo cáo khả năng cân đối nguồn ngân sách địa phương để góp vốn cho dự án, đặc biệt phần vốn còn thiếu trong giai đoạn 2021-2025 làm cơ sở trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư.

Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Bộ GTVT đề nghị đầu tư tuyến này với chiều dài 188,2 km. Trong đó đoạn tuyến qua địa phận tỉnh An Giang dài khoảng 56 km, TP Cần Thơ dài khoảng 38 km, tỉnh Hậu Giang dài khoảng 37 km và tỉnh Sóc Trăng dài khoảng 57,2 km. Điểm đầu của dự án giao tuyến tránh quốc lộ 91, TP Châu Đốc, tỉnh An Giang; điểm cuối tại cảng Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng.

Để phù hợp với khả năng cân đối vốn đầu tư và lưu lượng xe trong thời gian đầu, tư vấn đề xuất đầu tư cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng - Trần Đề giai đoạn 1 với quy mô bốn làn xe cao tốc hạn chế (mỗi làn 3,5 m), chiều rộng mặt cắt ngang 17 m, vận tốc thiết kế 80 km/giờ tương tự quy mô đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.

Bộ GTVT cũng nghiên cứu, phân chia dự án thành sáu dự án thành phần để thuận lợi cho quá trình tổ chức thực hiện. Trong đó, mỗi dự án thành phần có tổng mức đầu tư thấp nhất là 5.314 tỉ đồng, cao nhất là 9.858 tỉ đồng, với chiều dài trung bình mỗi dự án là 30 km.

Tổng diện tích đất chiếm dụng của dự án khoảng 1.205 ha, trong đó đất trồng lúa khoảng 860 ha, đất dân cư khoảng 24 ha, đất trồng cây lâu năm 127 ha, đất khác 75 ha, đất công cộng 119 ha. Số hộ bị ảnh hưởng khoảng 1.194 hộ, số hộ tái định cư khoảng 1.075 hộ.

Tổng mức đầu tư dự án trên giai đoạn này là 45.024 tỉ đồng, trong đó giai đoạn 2021-2025 dự kiến được bố trí khoảng 31.405 tỉ đồng (từ vốn đầu tư công trung hạn và chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội).

Nếu được Quốc hội thông qua, dự án dự kiến khởi công năm 2023 và cơ bản hoàn thành năm 2026. Hiện dự án đang được Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định và dự kiến trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 5 tới đây.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm