Thành lập hội đồng thẩm định dự án cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng

0:00 / 0:00
0:00

Thủ tướng vừa quyết định thành lập hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư là chủ tịch hội đồng, phó chủ tịch hội đồng là thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư.

Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng được Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ GTVT) nghiên cứu, dự án cao tốc này dài 188.20km, có điểm đầu kết nối đường quốc lộ 91 (N1) thuộc xã Vĩnh Tế TP Châu Đốc, tỉnh An Giang.  Điểm cuối dự án là nút giao với quốc lộ Nam Sông Hậu (cảng Trần Đề), tỉnh Sóc Trăng.

 Thành lập hội đồng thẩm định dự án cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng ảnh 1

Sơ đồ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Đồ họa: HỒ TRANG

Theo đề xuất của Ban Quản lý dự án, cao tốc trên sẽ đi thẳng theo hướng đông nam qua kênh Đào giao cắt với ĐT947 và ĐT941, vượt kênh Bốn Tổng, kênh Chắc Cà Đao, kênh Rạch Giá Long Xuyên.

Sau đó tuyến giao với ĐT943, qua kênh Rạch Sỏi - Hậu Giang giao với quốc lộ (QL) 80 hiện hữu và tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi tuyến đi vào địa phận TP Cần Thơ, qua kênh Sáu Bọn.

Tuyến tiếp tục vượt đường Bốn Tổng - Một Ngàn và kênh Bốn Tổng, qua kênh Năm Châu, Thơm Rơm rồi tiếp tục vượt qua đường Huyện 16 và kênh Thốt Nốt, Xáng Ô Môn, đường Lộ Bà Đầm, qua địa phận tỉnh Hậu Giang. Tiếp đến tuyến đi qua kênh Một Ngàn, Xáng Xà No, vượt qua đường Chiêm Thành Tấn, Ba Tháng Hai và lại cắt kênh Bốn Tổng - Một Ngàn.

Tuyến giao cắt với QL61, đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau tại lý trình Km113 và vượt qua ĐT.928, tim tuyến nằm về bên phải QL1 và cách QL1 khoảng 8 km. Sau đó, tuyến đi qua kênh Xáng Nàng Mau, Xăng Cái Côn và có giao cắt với đường Quản Lộ - Phụng Hiệp.

Qua địa phận tỉnh Sóc Trăng, tuyến tiếp tục vượt qua đường ĐT.14, đường ĐT.13, kênh Tam Sóc, giao cắt với QL1 và vượt qua đường Văn Ngọc Chính, sông Đinh, kết nối với cảng nước sâu Trần Đề tại vị trí giao QL Nam Sông Hậu thuộc xã Trung Bình, huyện Trần Đề (Sóc Trăng).

Đơn vị nghiên cứu cũng đề xuất phân kỳ đầu tư cao tốc thành ba dự án thành phần gồm Châu Đốc - Lộ Tẻ Rạch Sỏi (dài 63,4km); Lộ  Tẻ  Rạch Sỏi –  QL 61C (dài 41,55km); QL 61C – cảng Trần Đề (dài 83,20km).

Tổng mức đầu tư cao tốc giai đoạn 1 là 47.435 tỉ đồng, đầu tư theo hình thức hợp tác công tư PPP, loại hợp đồng BOT. Trong đó, dự án thành phần một có có hai làn xe, hai dự án thành phần còn lại được đầu tư 4 làn xe hạn chế, với vận tốc 80km/h, giai đoạn hoàn chỉnh toàn tuyến là 6 làn xe.

Tuy nhiên, theo đơn vị nghiên cứu, ba dự án thành phần trên đều gặp một số khó khăn, như vốn góp của nhà nước nếu bằng 50% tổng mức đầu tư dự án thì thời gian thu hồi vốn của nhà đầu tư rất lâu.

Chẳng hạn dự án thành phần 1 và 2, thời gian thu hồi vốn từ 59 – 84 năm, nên rủi ro về tài chính lớn và khó huy động vốn vay cho dự án, vì vậy không hấp dẫn nhà đầu tư. Còn nếu vượt 50% vốn góp của nhà nước thì không phù hợp với Luật PPP.

Sau khi phân tích các ưu và nhược điểm, đơn vị nghiên cứu đề xuất cần báo cáo Chính phủ xin cơ chế riêng cho tuyến cao tốc này tương tự như cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 – 2020. “Với một dự hỗ trợ đặc thù của Nhà nước sẽ làm tăng hiệu quả đầu tư…”- Ban quản lý dự án Mỹ Thuận nhận định.

Theo lộ trình, dự án này sẽ được trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào kỳ họp cuối năm nay.

 

Dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng là một trong 3 tuyến cao tốc trục ngang trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Việc đầu tư xây dựng mới tuyến đường cao tốc này góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông trong khu vực, đáp ứng nhu cầu vận tải trên tuyến hành lang theo trục ngang dọc sông Hậu.

Dự án cũng kết nối các khu cảng biển Cần Thơ, cảng nước sâu Trần Đề, các trung tâm thành phố lớn như Cần Thơ, Long Xuyên, Châu Đốc, các cửa khẩu quốc tế dọc tuyến biên giới giáp Campuchia.

Giữ vững trục truyền tải 500kV Bắc – Nam mùa nắng nóng

Giữ vững trục truyền tải 500kV Bắc – Nam mùa nắng nóng

(PLO)- Nguồn điện phía Bắc đang khó khăn, nước về các hồ thủy điện bị cạn kiệt, nhiều hồ xấp xỉ mực nước chết và phụ tải điện tăng cao vào mùa nắng nóng.  Do đó, vai trò của trục truyền tải điện 500kV Bắc – Nam, đặc biệt là đoạn tuyến từ Hà Tĩnh đến Nho Quan (Ninh Bình) có ý nghĩa rất quan trọng.
Nắng nóng giảm dần, Biển Đông khả năng sắp có bão

Nắng nóng giảm dần, Biển Đông khả năng sắp có bão

(PLO)-  Trung tâm Khí tượng thuỷ văn quốc gia dự báo trong tháng 6 có khả năng hình thành hoạt động của bão, áp thấp nhiệt đới trên khu vực biển Đông và có thể sẽ ảnh hưởng đến khu vực Bắc bộ, Bắc Trung bộ.