Dịch chết người Ebola có nguy cơ vào Việt Nam

“Đến nay Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh nhiễm virus Ebola từ các quốc gia khác. Trước đây dịch chỉ trong phạm vi ở một vùng địa phương nhưng nay diễn ra tại những khu vực có dân biến động qua biên giới và lây truyền qua đường hàng không. Vì vậy nguy cơ xâm nhập virus Ebola rất lớn”. 

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, khẳng định bên lề Hội nghị trực tuyến về dịch bệnh diễn ra chiều 6-8.

Theo ông Long, hiện vẫn chưa có vaccine phòng bệnh do virus Ebola. Do đó, nâng cao nhận thức về các yếu tố nguy cơ của bệnh và các biện pháp phòng tránh cho người dân hiện là biện pháp duy nhất để giảm số ca mắc và tử vong do virus Ebola. Hiện Bộ Y tế đã chỉ đạo các cửa khẩu quốc tế bao gồm cả hàng không và cửa khẩu biên giới thực hiện tờ khai y tế, giám sát chặt đối với hành khách đến từ vùng có dịch, đặc biệt là Tây Phi.

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết đây là vụ dịch lớn nhất trong bốn thập kỷ qua, dịch lây lan rất mạnh. Hiện đã có hơn 1.600 người mắc, gần 900 người đã tử vong.

“Để phòng bệnh, người dân cần lưu ý thực hiện vệ sinh cá nhân (rửa tay bằng xà phòng, chất sát khuẩn...). Tránh tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết của người, động vật nhiễm bệnh. Không cầm/nắm các vật có thể đã tiếp xúc với máu, dịch tiết của người, động vật nhiễm bệnh trước đó. Nếu đang ở vùng có dịch mà xuất hiện các triệu chứng (sốt, đau đầu, đau họng, ỉa chảy, nôn, đau dạ dày, phát ban, đỏ mắt) cần đến ngay cơ sở y tế để có biện pháp xử trí kịp thời” – ông Phu khuyến cáo.

Ông Long cũng cho biết tiêu chảy cấp có xu hướng gia tăng, tiên lượng phức tạp. Đặc biết, bệnh tả cũng có nguy cơ xảy ra ở nước ta khi qua giám sát chủ động, Viện Partuer TP.HCM đã phát hiện ra một mẫu ốc bươu bán ở chợ đầu mối Bình Điền, TP.HCM dương tính với V.cholera O1 típ huyết thanh Inaba, đây là típ gây ra bệnh tả ở Việt Nam năm 2007. Vì vậy, Bộ đã nâng mức cảnh báo đối phó với tình hình tiêu chảy cấp và tả ở mức độ cao hơn.

Liên quan đến bệnh viêm não virus, theo ông Phu từ đầu năm đến nay cả nước phát hiện 565 trường hợp viêm não do virus, tại 30 tỉnh, TP trong đó có 22 trường hợp tử vong. Tỉnh Sơn La có số ca tử vong cao nhất cả nước với 13 trường hợp, tuy nhiên không phải do viêm não Nhật Bản B mà do hội chứng não cấp hoặc viêm não do virus.

“Tích lũy từ đầu năm đến nay, số mắc hội chứng não cấp và viêm não Nhật Bản ở Sơn La là 100 trường hợp. Trong đó, số điều trị khỏi là 71 ca, số tử vong 13 ca và hiện đang điều trị là 16 ca. Trong đó xét nghiệm 73 mẫu huyết thanh có 31 mẫu dương tính với viêm não Nhật Bản B rải rác tại tất cả các huyện. Đối với 13 mẫu tử vong thì đều không có trường hợp nào dương tính với viêm não Nhật Bản B”- ông Phu cho biết.

Theo Bộ Y tế, trước đây chương trình tiêm chủng mở rộng chỉ cung cấp miễn phí cho trẻ từ 1-5 tuổi nhưng trước bối cảnh đó, Bộ Y tế đã nâng độ tuổi tại hai huyện Sông Mã và Mường La của Sơn La được tiêm miễn phí vaccine viêm não Nhật Bản B là từ 1-15 tuổi. Các huyện còn lại là từ 1-10 tuổi để đảm bảo ít nhất 95% trẻ được tiêm vaccine ngừa viêm não Nhật Bản B.

Theo ông Long, Bộ Y tế sẽ làm mọi biện pháp, phòng tránh tích cực và chủ động không để dịch bệnh xảy ra.

HUY HÀ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới