Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết như trên tại buổi họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh diễn ra chiều 11-8 tại Bộ Y tế.
Theo ông Long, điều căn bản nhất là không để dịch lây lan vào Việt Nam. Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng chủ động đưa vào chương trình ứng phó với các tình huống có thể xảy ra để đáp ứng nhanh, hạn chế thấp nhất số ca mắc và tử vong.
PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết đây là bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ tử vong lên đến 90%. “Nguy cơ lây lan dịch bệnh vào Việt Nam rất lớn thông qua các đối tượng khách du lịch, người làm việc, học tập và lao động nhập cảnh trở về từ khu vực Châu Phi” – ông Phu lo ngại.
Ông Phu cho biết Bộ Y tế đã triển khai nhiều phương án để chủ động đối phó với dịch bệnh do virus Ebola như: thực hiện khai báo y tế tại tất cả các cửa khẩu quốc tế, đề nghị UBND các tỉnh, TP chỉ đạo tăng cường giám sát, phòng chống dịch bệnh, ban hành Hướng dẫn giám sát và phòng chống bệnh, xây dựng kế hoạch phân tuyến thu dung, điều trị bệnh nhân, thậm chí cả thành lập bệnh viện dã chiến trong trường hợp dịch bệnh lan rộng…
Phát biểu tại buổi họp, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Khắc Định cho rằng các bộ, ngành và địa phương phải nêu cao tinh thần trách nhiệm. “Đây là căn bệnh nguy hiểm, vì vậy trong công tác phòng chống phải xác định mục tiêu cao nhất đừng để dịch bệnh vào Việt Nam. Tuy nhiên vẫn phải chủ động phương án đề phòng, kiểm soát, khống chế, thu dung, điều trị , cách ly không để dịch lây lan. Đảm bảo ít thiệt hại nhất đến tính mạng và sức khỏe người dân” – ông Định nhấn mạnh.
Huy Hà