Dịch tái bùng mạnh và chiến lược đối phó bình tĩnh của Singapore

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Singapore từ tháng 6 đã thông báo sẽ tiến tới thực hiện chiến lược “sống chung với COVID-19”, bắt đầu nới lỏng giãn cách và có kế hoạch tiến đến xem đại dịch COVID-19 là một bệnh đặc hữu. Tuy nhiên, kế hoạch này gặp thách thức vài tuần sau đó khi số ca nhiễm bắt đầu tăng lại. Kế hoạch mở cửa bị hoãn và một số biện pháp phòng dịch lại được khôi phục.

Trong nhiều tháng sau đó, Singapore giữ được số ca nhiễm mới hằng ngày ở mức tương đối thấp. Tuy nhiên, từ cuối tuần rồi nước này ghi nhận số ca nhiễm mới mỗi ngày ở mức trên dưới 1.000 ca, chủ yếu nhiễm trong cộng đồng, mức cao nhất kể từ đợt dịch tháng 3-2020, theo kênh Channel News Asia.

Người dân Singapore đeo khẩu trang và thực hiện khai báo y tế tại điểm đến. Ảnh: ROSLAN RAHMAN/AFP

Sự bình tĩnh của nhà chức trách

Diễn biến này gây chú ý vì dịch bùng lại trong bối cảnh Singapore đã phủ sóng tiêm chủng cho 82% dân số. Tuy nhiên, chính phủ Singapore gọi sự gia tăng số ca nhiễm này là một “nghi thức” khi thích nghi và điều chỉnh mô hình “sống cùng hy vọng”, trái ngược với mục tiêu diệt cho hết virus và các biến thể của nó.

“Chúng ta đang trên đường chuyển tiếp đến một hình thức bình thường mới, sống chung với COVID-19. Đó là một hành trình nhiều chuyển biến và đầy những khúc quanh” - Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung nói hôm 17-9.

Trước diễn biến tái bùng dịch, nhà chức trách Singapore đã có phản ứng bình tĩnh. Trước hết, các ổ lây nhiễm được xác định và giám sát, toàn bộ người ở các ổ lây nhiễm này được xét nghiệm. Thứ hai, nhờ phủ sóng tiêm chủng rộng nên dù ca nhiễm nhiều nhưng đa số người nhiễm đều ở mức không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, số này chiếm tới 98,1% trong cả tháng qua. Trên Facebook, Bộ trưởng Ong nhận định về tình huống hiện tại rằng: “Không nghi ngờ gì nếu người dân không đi tiêm vaccine đông như vậy thì hệ thống y tế của chúng ta giờ này đã quá tải rồi”.

Tuy nhiên, có một số lượng người nhiễm dù không bị nặng nhưng vẫn tìm đến bệnh viện để an tâm. Từ thực tế này, ngày 19-9, Bộ trưởng Ong kêu gọi những người nhiễm không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, đặc biệt những người trẻ và đã được tiêm hai mũi vaccine nên tự theo dõi, điều trị tại nhà. Theo ông, mọi người cần bình tĩnh hợp tác để bảo đảm hệ thống y tế không bị quá tải, sẵn sàng giường bệnh cho các ca nhiễm trở nặng và cả người mắc các bệnh khác cũng như bị chấn thương, tai nạn… Bên cạnh đó, Singapore cũng sẽ khẩn trương lập thêm nhiều cơ sở chăm sóc y tế cộng đồng nữa trong tuần này, theo Bộ trưởng Ong.

Đây là chủ trương thống nhất trong lực lượng đặc nhiệm đa bộ, ngành cùng chống dịch ở Singapore. Cùng ngày 19-9, Bộ trưởng Tài chính Singapore Lawrence Wong khẳng định chính quyền quyết tâm rằng: “Không thể để các bệnh viện và nhân viên y tế lâm vào tình trạng quá tải” và “thời điểm này, đây là thách thức lớn nhất của Bộ Y tế và chúng tôi đang nỗ lực hết sức để xử lý điều này”.

 

0,09%

là tỉ lệ tử vong hay nặng tới mức phải nhập phòng chăm sóc đặc biệt với những người đã tiêm đủ hai liều vaccine ở Singapore, tỉ lệ này ở những người đã tiêm một liều là 0,76% và ở những người chưa tiêm liều vaccine nào là 1,7%, theo nguồn tin Bộ Y tế Singapore thống kê từ ngày 1-5 đến 16-9 và công bố ngày 17-9.

Xã hội đồng thuận, hợp tác

Nhận xét về chiến lược chống dịch của chính phủ, GS y tế công cộng và tâm lý Jeannette Ickovics tại Trường Yale-NUS (Singapore) nói với đài Al Jazeera rằng Singapore đã làm tương đối tốt ở từng hoạt động xét nghiệm, truy vết, tiêm vaccine trên diện rộng và nhờ cả sự tuân thủ rộng rãi các chính sách của chính phủ.

Cùng quan điểm, PGS luật Eugene Tan tại ĐH Quản lý Singapore nhận định bên cạnh khả năng lãnh đạo quyết đoán của chính quyền thì còn có sự hỗ trợ của người dân khi sẵn sàng tuân theo các chỉ dẫn phòng chống dịch. Theo PGS Tan, “kinh nghiệm của Singapore cho thấy cần thiết không chỉ chính phủ mà cả xã hội phải sát cánh cùng nhau đối phó đại dịch”.

Chủ trương hành động cụ thể của nhà chức trách Singapore trong đợt tái bùng dịch lần này cũng nhận được sự đồng thuận từ xã hội, đặc biệt từ ngành y tế. Theo TS Ong Eu Jin Roy, một bác sĩ gia đình ở Singapore, đây là điều tốt với nhân viên y tế ở đảo quốc này vốn đã gần như kiệt sức, vì “phải có điểm cuối để chúng tôi có thể nhìn thấy mục tiêu… vì thực sự chúng tôi đang tới cuối giới hạn của mình”.

TS Steven Tucker, một bác sĩ ung thư người Mỹ sống và hành nghề ở Singapore từ năm 2006, nói ông đánh giá cao việc Singapore mở rộng các dịch vụ y tế để giúp người dân được chữa trị các vấn đề về sức khỏe tâm thần và các căng thẳng do dịch COVID-19 mang lại.

Trong cộng đồng doanh nghiệp dù thỉnh thoảng có lời phàn nàn rằng cần nới lỏng đi lại hơn để họ làm ăn nhưng nhìn chung, nhiều người đồng ý rằng cách Singapore đối phó với đại dịch đã giúp đảo quốc này bảo vệ vị thế là một trung tâm chính cho hoạt động kinh doanh toàn cầu.

Chuyên gia Steven Okun thuộc Công ty tư vấn McLarty Associates (Mỹ) đánh giá rằng Singapore thậm chí còn trở nên hấp dẫn hơn với tư cách là một trung tâm kinh doanh toàn cầu và khu vực trong hai năm qua. Theo ông, “do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và nhu cầu về chuỗi cung ứng linh hoạt hơn trong bối cảnh đại dịch, các doanh nghiệp từ cả Trung Quốc và Mỹ đều coi Đông Nam Á là một thị trường quan trọng”.•

Rủi ro trở nặng tùy thuộc rất nhiều vào độ tuổi
và tình trạng tiêm vaccine

Theo số liệu tổng hợp tại Singapore từ ngày 1-5 đến 16-9, không ai đã tiêm vaccine đầy đủ và dưới 70 tuổi khi nhiễm phải vào phòng chăm sóc tích cực hay phải chết. Người ở độ tuổi 70 đã được tiêm vaccine đầy đủ nếu bị nhiễm thì nguy cơ trở nặng thậm chí ít hơn so với người ở độ tuổi 30 mà không tiêm chủng.

Người ở độ tuổi 80 nếu đã được tiêm vaccine đầy đủ thì mức độ bảo vệ tương đương người ở độ tuổi 40-50 chưa tiêm chủng. Đặc biệt, người từ 80 tuổi trở lên nếu không tiêm vaccine một khi bị nhiễm thì nguy cơ bệnh nguy kịch rất cao, đến 15%. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm