Bún thang là một trong những món ăn đặc biệt ở Hà Nội, nếu xét về độ nổi tiếng thì có lẽ chỉ đứng sau phở. Chính vì vậy, đây cũng là một món ăn khá cầu kì, chứa đựng nhiều nét tinh túy của ẩm thực Việt.
Sự ra đời của bún than bắt nguồn từ món canh thượng thang của người Thủ đô xưa. Tận dụng các nguyên liệu truyền thống của ngày Tết như tôm khô, thịt gà, xương gà, giò lụa, trứng muối, củ cải dầm… bún thang vừa khéo làm tan biến cảm giác ngán ngấy món ăn đậm vị thịt, cá lại vừa thể hiện sự khéo léo, tiết kiệm, vun vén của những người phụ nữ Hà Nội xưa.
Do được chế biến từ gần 20 nguyên liệu khác nhau để làm nên sự đa dạng trong hương vị và màu sắc, bún thang đòi hỏi người chế biến phải cẩn thận, tỉ mỉ, người ăn phải biết cách để thưởng thức cho ngon và đúng vị.
Bún chả
Bún chả là món ăn trưa thân quen hơn cả của teens Hà Nội. Bún chả vừa rẻ vừa ngon, không quá khô lại mặn mà vị thịt, có bún nhạt, rau dưa nước chấm ăn kèm nên chẳng lo ngán. Nhà mất điện không kịp nấu cơm thì món thay thế, giới trẻ Hà Nội nghĩ ngay đến là bún chả.
Không chỉ người sống ở thủ đô, món bún chả Hà Nội cũng rất được các vùng miền khác yêu thích, có rất nhiều nhà hàng bún chả Hà Nội ở khắp các vùng miền Việt Nam. Cây bút người Canada - Joe Ruelle đã từng nói trong cuốn sách Ngược chiều vun vút của mình, món ăn Việt Nam anh thích nhất là bún chả.
Bún đậu mắm tôm
Ai đã từng qua Hà Nội không thể không ghé lại thưởng thức món bún đậu mắm tôm-món ăn đặc trưng của ẩm thực miền Bắc nói chung và của Hà Nội nói riêng.
Món bún đậu mắm tôm là món ăn dân giã nhưng không kém phần hấp dẫn của ẩm thực miền Bắc. Đây là món thường được dùng như bữa ăn nhẹ, ăn chơi. Thành phần chính của món bún đậu mắm tôm gồm bún lá tươi ngon, đậu phụ rán vàng, mắm tôm, chanh, ớt ăn kèm rau thơm, rau kinh giới, tía tô...
Chính vì là món ăn dân giã đơn giản nên ở Hà nội bún đậu được bày bán ở khắp nơi, từ gánh hàng rong vỉa hè, trong những con phố nhỏ hay đến những nhà hàng rộng rãi. Bún đậu mắm tôm chế biến rất đơn giản nhưng không phải quán nào, hàng nào cũng đảm bảo được vệ sinh và an toàn thực phẩm.
Bún riêu
Bún riêu cua là món ăn yêu thích của người Hà Nội. Đây cũng là món ăn dân dã và có thể ăn vào bất cứ thời điểm nào trong ngày.
Nồi nước dùng bún riêu được nấu từ thịt cua đồng nên rất ngọt, thoang thoảng vị chua nhẹ của giấm bỗng và cà chua. Tô bún riêu có màu vàng của miếng đậu rán, màu hồng hồng của thịt bò tái, màu nâu của gạch cua, lại có chút tương ớt đỏ au. Món này cũng không thể thiếu đĩa rau sống. Đó là món rau tổng hợp gồm xà-lách, rau chuối, tía tô, kinh giới, dứa, rau mùi (ngò rí)... Tất cả được rửa sạch và thái nhỏ.
Bún ốc
Bún ốc là một món ăn dân dã nhưng không kém phần tinh tế, cầu kỳ. Khắp ngõ phố Hà Nội đều có sự hiện diện của bún ốc. Người Hà Nội chuộng bún ốc đến nỗi bún ốc đã xuất hiện khắp các con phố to, ngõ nhỏ và trở thành món ăn đặc trưng của đất kinh kỳ.
Để nấu được bát bún ngon, người đầu bếp phải tinh thông nhiều mặt: từ khâu chọn ốc, luộc ốc, chế biến nước giấm bỗng, pha ớt bột và ớt tươi cho đến công đoạn ninh xương, canh lửa, xào ốc hay chọn loại bún thích hợp để ăn bún... Bún ốc có thể ăn theo nhiều cách: bún riêu ốc nóng bỏng rát lưỡi, bún ốc nguội không vương chút dầu mỡ hay bún ốc chuối đậu thơm bùi.
Nhưng dù ở biến thể nào cũng không thể thiếu món rau gia vị là tía tô, kinh giới, chuối thái sợi, rau muống chẻ... Tất cả làm nên món ăn quyến rũ, thơm hương, mang đậm tinh hoa của nền ẩm thực dân tộc.
Bún dọc mùng
Một món bún rất đáng thử khi tới Hà Nội chính là bún dọc mùng. Chẳng quá cầu kỳ, bún dọc mùng chỉ gồm chút bún, vài khoanh thịt chân giò thái mỏng, vài viên mọc, có thể thêm sườn hoặc móng giò tùy ý, chút dọc mùng chần xanh ngắt chan nước ninh từ xương. Để đánh giá bát bún dọc mùng có ngon hay không người ăn thường xem nước dùng có trong, có bị ngấy không; thịt có tươi không và dọc mùng có xanh, ăn có giòn, có bị ngứa hay không? Bạn có thể ghé qua phố Bát Đàn, phố Nguyễn Cao hay phố hàng Bè để được thưởng thức những tô bún dọc mùng ngon và đúng vị.
Theo Minh Anh (Dân trí)