Diễm Phúc

Ngược lại, Phong thấy tự hào. Mới một năm rời bỏ cuộc sống cơ cực, Lan như “lột xác”, xinh xắn, trẻ trung, sành điệu hẳn ra. Cũng phải thôi, chuyên ngành của Lan bây giờ là… làm đẹp cho người khác, tất nhiên trước tiên Lan phải đẹp, biết sửa soạn cho mình.

    Diễm Phúc ảnh 1

    Cuộc sống của vợ chồng Phong khá giả, nhưng… vất vả. Kết hôn xong, sẵn nhà có mặt bằng, lại gần một bệnh viện, Lan mở quán bán cơm. Phần Phong, nửa thời gian trong năm phụ vợ, nửa còn lại cho những chuyến lên xuống giữa TP.HCM - Lâm Đồng lo mấy mẫu cà phê. Thu nhập bình quân của vợ chồng cộng lại xấp xỉ cả trăm triệu mỗi tháng. Hai đứa con xinh xắn, ngoan ngoãn, gia đình nói chung là hạnh phúc. Thế nhưng, nhắc “hoàn cảnh”, Lan thường bĩu môi, thở dài than vắn. Thì đó, công việc đầu tắt mặt tối, phải thức khuya dậy sớm, đầu bù tóc rối, áo quần xộc xệch, ám mùi dầu mỡ, thức ăn. Chiếc xe bốn bánh vợ chồng mua về, quanh năm… đắp mền bởi cả nhà hiếm có dịp đi chơi. Bạn bè nghe vậy, khuyên Lan: “Tiền không lo thiếu thì tìm việc nhẹ mà làm cho sướng tấm thân”. Lan thấy đúng. Cô đeo đẳng ý nghĩ ấy nhưng chưa biết sẽ làm gì, còn đóng cửa quán cơm để ngồi chơi xơi nước thì Lan không chịu.

    Hai năm trước, cô bạn thân chán nản cảnh làm thuê, rủ Lan mở một mỹ viện chuyên chăm sóc da. Mắt Lan sáng rỡ, liền trình bày kế hoạch đầy khả thi với chồng. Hùi hụi tiếc quán cơm đang ăn nên làm ra, song thương vợ, Phong gật đầu. Nửa năm chuẩn bị cho bước “chuyển nghề”, với Lan cuộc đời như sang trang. 

    Đăng ký khóa học chăm sóc da, Lan còn được học cả lời ăn tiếng nói, cách bắt chuyện với khách sao cho nhẹ nhàng, tạo sự tin cẩn; rồi thì cũng phải ăn mặc, trang điểm thật thanh lịch, chỉn chu… Nói chung Lan đẹp ra, lại rất biết tận hưởng cuộc sống, mỗi khi mỹ viện vắng khách, cô rủ bạn đi shopping, ngồi cà phê tán dóc.

    Dẹp quán cơm rồi, vợ lại có việc mới, Phong trở thành người đàn ông nội trợ. Nếu không bận lên chăm rẫy cà phê, anh phải lo cơm nước; đến giờ đưa đón con đi học; đợi vợ kết thúc ngày làm việc, nhắn tin kêu rước về. Tính Phong hiền lành, ít nói, cục mịch, thương vợ để… trong lòng, ăn vận đơn giản, chuyện cư xử ga-lăng với anh càng xa lạ.

     Lan biết điều đó, nhưng, ngày càng thấy nó không hợp với mình. Cô đâm… gai mắt những lần chồng đến đón trong bộ dạng quần đùi, áo cộc, chân mang dép xẹp. Lan ghét luôn cả cách nói năng cộc lốc, nhát gừng, có phần lỗ mãng của chồng. Những bữa cơm Phong nấu thì quá đơn điệu. Nhiều lần, Lan ngầm so sánh chồng mình với chồng của vài vị khách quen. Họ nhã nhặn, tình cảm, lịch lãm biết bao, bấy nhiêu đó đủ khiến vợ tự hào. Nói nào xa, chồng của cô bạn cùng làm với Lan, mỗi lần đến đón vợ là nhoẻn miệng cười, hỏi vợ hôm nay có mệt không, tiệm đông khách không, rồi trao tay ly sinh tố cà rốt. Trong khi Phong luôn thúc giục: “Nhanh lên, còn về ăn cơm!”.

    Lan thường đem chuyện ấy ra gây với chồng. Bữa đó, chồng cô bạn đến sớm với giỏ hoa trên tay kèm một món quà tặng vợ. Chồng bạn quay sang Lan, nhã nhặn: “Anh mượn Nghi một tối nhé!”. Nghi nhìn Lan, nháy mắt: “Tụi mình đi… hấp hôn đây!”. Lan biết, hôm đó sinh nhật Nghi, một bữa tiệc chỉ có hai người đã được chồng Nghi chu đáo chuẩn bị. 

    Đúng lúc Phong đến đón, không dưng Lan bực bội: “Làm gì trễ vậy?”, “Mua cánh gà chiên cho con”, “Cả ngày rảnh sao không mua?”, “Giờ con mới thèm. Nghi về rồi hả?”, “Chồng người ta đón từ sớm, lại còn đưa đi chơi, đâu như anh cả đời không biết rủ vợ đi uống nước”, “Nhà có thiếu gì đâu”. Lan cụt hứng, gắt: “Chỉ thiếu một thằng chồng không biết ga-lăng”, “Thích thì kiếm thằng nào như vậy đi!”. Lan vùng vằng, giận dỗi, bảo sẽ tự đón taxi về.

    Diễm Phúc ảnh 2

    Trong số những khách quen của mỹ viện, có cô bé là bồ của một người đàn ông có vợ. Người đàn ông ấy hay đưa nhân tình đến làm đẹp ở chỗ của Lan. Riết lâu, Lan thân cả với anh ta. Dạo gần đây, cô bé không đến, ngược lại, người đàn ông hay nhắn tin cho Lan, lúc mời uống nước, khi rủ đi ăn. Người đàn ông phong độ, giàu có này chia sẻ với Lan chuyện bị tình nhân “đá”, rồi nỗi buồn vợ đi công tác tận trời Tây, ông không quên tặng Lan những món quà gọi là “đánh dấu một tình bạn tri kỷ”. 

    Lan thấy lòng sóng sánh, phần thương cảm người đàn ông, phần chếnh choáng trước những bữa tiệc sang trọng, những món quà đắt tiền ông mang lại… Một tối, ông đưa Lan về trên chiếc xe bóng lộn. Xe vừa đỗ xịch đầu hẻm cũng là lúc Phong ra khỏi nhà, chuẩn bị đi đón Lan. Chạm mặt nhau, Lan lúng túng: “Em nhờ khách đưa giùm về, sao giờ anh mới đi đón em”. Phong cộc lốc: “Chờ tin nhắn. Ai vậy?”. Lan rút điện thoại ra, vui vẻ: “Hết pin rồi nè! Khách ở gần đây, tiện đường nên em theo luôn”. Phong im lặng, dẫn xe vô nhà.

    Lúc Lan đi tắm, Phong lấy điện thoại vợ mở nguồn. Anh sa sầm khi thấy điện thoại còn đến 70% pin. Không dưng, những cảnh báo từ nhiều người: “Vợ ông dạo này xinh quá, coi chừng mất như chơi” khiến Phong nổi đóa. Anh nhào vô hỏi vợ: “Ai đưa cô về? Điện thoại còn pin sao nói hết?”, “Thì lúc nãy nó báo hết rồi tắt nguồn, sao em biết. Có khi điện thoại hư…”. Lan nói chưa hết câu, Phong đã lao đến giáng một bạt tai. Anh ném luôn chiếc điện thoại lên tường, vỡ toang. “Cô cặp với nó phải không? Chỗ làm có điện thoại bàn sao không gọi. Thằng này không ngu!”. Lan khóc, bảo rằng thích thì ly hôn, hạng chồng vũ phu, khô cứng, không biết nâng niu, chiều chuộng phụ nữ thì không ai ở được…

    Hai ngày liền sau đó, Phong nhấp nhổm đợi tin nhắn vợ kêu đón. Đáp lại, Lan hoàn toàn im lặng. Ngẫm thấy mình hơi… quá đáng, muốn làm lành song ngại xin lỗi, Phong gửi lòng vào những bữa cơm đầy món ngon vợ thích, cửa nhà dọn dẹp kỹ càng. Thói đời, đàn bà một khi đã coi thường đàn ông nội trợ quê mùa, thì việc đàn ông càng cố chứng tỏ… tài năng nội trợ càng khiến vợ khinh khi. Lan mượn cớ việc nhiều, ba ngày liền đón con sang ăn ngủ tại mỹ viện. Phong chán nản, chưa đến mùa tưới nước cho cà phê, anh cũng phóng xe lên rẫy một mình.

    Bạn bè trách Lan: “Ông Phong thương vợ, chu đáo vậy, bà không lo giữ coi chừng có con khác nhảy vô. Ai chớ người như ổng, người ta cầu không thấy!”. Lan nghe vậy trề môi: “Ổng vậy, ai mà thèm!”. Chỉ đến khi hai tháng ròng không thấy Phong về, cũng không một cuộc gọi hỏi han, Lan mới đứng ngồi không yên. Cô điện lên, chưa kịp nói gì thì Phong đã “chặn đầu”: “Viết xong đơn ly hôn thì báo, tôi về ký”. Lan tá hỏa. Cả ngày hôm ấy, Lan mới thực sự để tâm những câu chuyện của mấy vị khách hàng: “Chồng gì cả đời không biết giúp vợ rửa cái chén”; “Mấy ổng được cái giỏi nịnh hót chớ chẳng phụ vợ được gì! Con cái, chợ búa, lo ngược lo xuôi cũng đàn bà mình gánh!”; “Làm gì ngoài đường không biết, đến bữa cơm cứ bắt vợ dài cổ đợi”; “Đàn ông bây giờ phải biết chăm con, nấu ăn mới là thương vợ”… Rồi thì Nghi - cô bạn cũng họa theo: “Như em nè, lâu lâu nhờ chồng đến đón, thấy mặt mũi ổng tươi rói vậy chớ trước đó em cũng phải năn nỉ ỉ ôi, thậm chí hờn trách”. Mấy lời ấy, trước giờ Lan nghe nhiều, nhưng như… gió thoảng, bây giờ mới thực sự thấm thía.

    Lan chạnh nhớ những bữa cơm chồng nấu sẵn, đợi vợ về cùng ăn. Hễ cô nhắn tin: “Anh đến đón em đi” là chỉ dăm phút sau chồng có mặt. Lan về nhà khi các con đã sạch sẽ, no nê, nhà cửa gọn gàng; quần áo đã có chồng giặt sạch, phơi khô, Lan chỉ việc ủi phẳng…

    Lan gửi con về nội, bắt chuyến xe lên rẫy ngay trong đêm. Cô gọi cho chồng: “Em đang lên rẫy, anh nhớ đón”, “Lên chi? Mai về”, “Em ngồi trên xe rồi nè”, “Tới thì gọi”. Lan tắt máy, không dưng lại… rưng rưng trước cái kiểu cộc lốc, thô kệch của chồng. Hôn nhân, sao cứ phải có thử thách, “gặp chuyện” mới nhận ra diễm phúc của mình!

    Theo Phong Vân (PNO) 

    Đừng bỏ lỡ

    Video đang xem nhiều

    Đọc thêm