Diễn giả Hồ Nhựt Quang kể chuyện 'Chữ hiếu xưa và nay'

Chặp cải lương Đạm Như Hiền Sĩ do các nghệ sĩ Minh Đức, Minh Hòa, Diệu Thanh, Lý Trung Tín, Kim Ngân, Nhựt Quang trình diễn.

Diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang, Chủ nhiệm CLB Nghiên cứu và vinh danh văn hóa Nam bộ, cho biết từ xưa đến nay có nhiều câu chuyện kể về những người con hiếu thảo hay những câu chuyện nói về sự hy sinh cao cả của người cha, người mẹ; những lời ca dao, tục ngữ, bài ca hoặc tuồng tích khuyên dạy con người về hiếu nghĩa.

Chữ hiếu có từ thời vua chúa

Thời nhà Lê trong lịch sử Việt Nam ta có Quốc triều hình luật (Luật Hồng Đức) ghi rõ 10 loại Thập ác - trong Điều 7 có quy định về tội bất hiếu: “Bất hiếu là các tội tố cáo hoặc dùng lời lẽ để chửi mắng, bỏ đói, bỏ rét ông bà, cha mẹ hoặc khi có tang ông bà, cha mẹ lại không để tang mà nhởn nhơ vui chơi…Người phạm tội bị phạt đồ hình, đày đọa làm việc nặng nhọc, bắt làm khao binh vụ cho lính ở chiến trường và trước khi đưa đi đày, kẻ bất hiếu bị đánh 80 trượng trước xóm làng để răn đe thói hư bất hiếu”.

Cuộc đời làm vua 36 năm của vua Tự Đức (1847-1883), ngày lẻ ông lo việc nước, ông dành ngày chẵn vào cung vấn an và chăm sóc mẹ. Vua mang theo quyển sổ ghi chép lời dạy của mẹ, gọi là Từ huấn lục.

Chuyện Tổng trấn thành Gia Định Lê Văn Duyệt quy định ai biết so đũa để ăn cơm, phân biệt đầu nhỏ ra nhỏ, đầu lớn ra lớn thì đã biết nhận thức sự đời. Do vậy, nếu đã biết nhận thức mà phạm tội bất hiếu, dù cho còn nhỏ tuổi vẫn bị phạt.

Diễn giả Hồ Nhựt Quang cho biết thêm cuối thế kỷ 19, có rất nhiều học giả đã soạn sách dạy đạo hiếu như Hiếu Kinh, Minh Tâm Bửu Giám, Tự Gia Giáo với những lời dạy rất sâu sắc:

“Tuổi cha mẹ, con cần nên biết

Để nửa mừng để nửa lo âu.

Mừng vì cha mẹ sống lâu,

Lo vì già yếu, sau này ra sao!”

(Minh Tâm Bửu Giám - Trương Vĩnh Ký)

Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu từng đề cao nhân cách con người qua tác phẩm Lục Vân Tiên:

“Trai thời trung-hiếu làm đầu,

Gái thời tiết-hạnh làm câu trau mình”.

Chữ hiếu trong đời thường

Chặp cải lương Khóc Võ Tánh do Tú Quyên và Lý Trung Tín trình diễn.

Trong lịch sử và văn hóa Việt Nam chúng ta có biết bao tấm gương hiếu thảo, từ vua chúa đến thường dân, từ pháp luật đến đời sống bình thường đều có quy định và tôn vinh hiếu đạo.

Diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang kể về chuyện nhà sư Thích Nhất Định (tổ sư chùa Từ Hiếu - thế kỷ 19) dám tình nguyện đi xuống chợ mua cá về chùa nấu cháo cho mẹ ăn vì mẹ bệnh nặng nếu ăn chay thiếu chất thì sức khỏe rất nguy kịch. Nhà sư đã vượt qua mọi thị phi để cứu mẹ khiến vua Thiệu Trị cảm động, sắc phong cho thảo am của ông là Sắc Từ Hiếu Tự.

Phan Thanh Giản mồ côi mẹ khi còn nhỏ tuổi, cha có vợ khác nên ông tá túc ở chùa để nhờ cơm chùa sống qua ngày mà lo học hành. Có lần cha bị hàm oan, ông xin vào ngục ở với cha để an ủi cha đừng tuẫn tiết và nhờ cơm ngục sống qua ngày. Ông nuôi ý chí lo học chờ thi khoa cử để cứu cha và giúp đời. Ông đã thi đậu tiến sĩ Nam kỳ đời vua Minh Mạng khiến ai ai cũng ngưỡng mộ.

Từ việc dẫn ra những câu chuyện thiết thực, diễn giả Hồ Nhựt Quang mong có thể làm thức tỉnh ai đó đang thờ ơ và bỏ quên cha mẹ của mình. “Làn sóng sau sẽ bao phủ lên làn sóng trước. Mong rằng mọi người hãy giữ đức nối truyền cho con cháu mình để giữ gia phong hiếu nghĩa truyền thống cao đẹp của bản sắc văn hóa Việt Nam” - diễn giả Hồ Nhựt Quang nhấn mạnh.

Khán giả chụp ảnh lưu niệm cùng CLB Nghiên cứu và vinh danh văn hóa Nam bộ.

Lồng ghép vào phần diễn thuyết của diễn giả là phần trình diễn các chặp cải lương Đạm Như Hiền Sĩ, Khóc Võ Tánh, Câu chuyện bó đũa đều do diễn giả Hồ Nhựt Quang sáng tác và các thành viên trong CLB Nghiên cứu và vinh danh văn hóa Nam bộ thể hiện. Các trích đoạn mang đến cho người xem nhiều cung bậc cảm xúc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới