40 năm trước, từ Sài Gòn sang quận 4 qua cầu Tân Thuận đi Nhà Bè theo tỉnh lộ 15 (bây giờ là đường Huỳnh Tấn Phát) chỉ thấy đầm lầy với rừng lá mênh mông. Còn từ Chợ Lớn qua cầu Chà Và, cầu Nhị Thiên Đường đi Bình Chánh theo quốc lộ 50 cũng chỉ thấy bao la dừa nước với những bãi sình. Nằm giữa hai vùng đất nghèo nhất TP khi ấy là hương lộ 34 (đường Lê Văn Lương bây giờ) nhỏ tí nhưng đầy ổ gà, ổ voi kéo từ bờ kênh Tẻ trên đường Trần Xuân Soạn dài tới cầu rạch Giơi.
Từ giấc mơ thơ trẻ
Trong hồi ức của mình, ông Phan Chánh Dưỡng, nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty Liên doanh KCX Tân Thuận, một trong những người đầu tiên tham gia vào việc khai mở cụm đô thị phía Nam, nhớ lại nhiều lần đi theo những con đường ấy để về phía đông nam, nam TP ông bắt gặp những đứa bé chèo xuồng ba lá đi học. Hỏi lớn lên con sẽ làm gì? “Lớn lên con muốn làm nghề chằm lá. Bây giờ ngày ngày con đi bắt còng phụ má. Bắt còng phải lội sình, lạnh lắm!” - một trong những đứa bé ấy trả lời. Ông Dưỡng thốt lên trong suy nghĩ: “Trời! Cái vùng đất này nghèo và khó đến không còn cho người ta được một ước mơ mà chỉ là mong muốn đơn sơ, nhỏ nhoi vậy sao? Vậy mà đó cũng là vùng đất của Sài Gòn?”. Từ câu chuyện đắng lòng đó, ông Dưỡng cùng nhiều người khác bắt đầu nghĩ đến việc “mở đất” trên vùng đông nam, nam Sài Gòn.
Đến đô thị phía Nam
Năm 1987, Luật Đầu tư nước ngoài đầu tiên được ban hành. Khó khăn lớn nhất với TP.HCM là mô hình và địa điểm đầu tư chưa có, còn cầu, đường thì quá yếu kém, khó hấp dẫn các nhà đầu tư. Sau nhiều lần tranh luận (có cả tranh cãi) giữa ông Dưỡng và những người bạn với các cán bộ lãnh đạo TP, mô hình khu chế xuất được đưa ra nhưng còn địa điểm và nhà đầu tư thì chưa rõ hình, ló dạng.
Những đứa bé nghèo với giấc mơ con và vùng đất sình Nhà Bè luôn đau đáu, đeo theo khiến ông Dưỡng nghĩ ngay đến vùng Tân Thuận Đông, Nhà Bè. Nơi ấy là bán đảo nhỏ, phía lưng đã có một số cảng hướng ra sông Sài Gòn, còn mặt trước hướng về hương lộ 34 và phía nam với những vùng sình, lầy thuộc Nhà Bè, quận 8, Bình Chánh…
Ước mơ “mở đất” của ông Dưỡng được bồi đắp thêm khi ông gặp ông Lawrence S.Ting (tức Đinh Thiện Lý- người Đài Loan), Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Central Trading & Development (CT&D). Ông Dưỡng “thuyết” với ông
S. Ting rằng lịch sử phát triển của Sài Gòn, của những con đường trung tâm như Nguyễn Huệ, Lê Lợi khi xưa chính là những con kênh; những khu phố sang trọng như Đồng Khởi, Hàm Nghi xưa cũng chính là bãi lầy. Ông S.Ting khoát tay nói với người bạn mới gặp mà đã thành tâm giao: “Ông yên tâm, nhiều vùng công nghiệp, TP của Đài Loan chúng tôi xưa cũng là bãi sình, đất lún nên chúng tôi có kinh nghiệm để chia sẻ”.
Chỉ vài năm sau, Khu chế xuất Tân Thuận thành hình và trở thành “cửa mở” cho cả một vùng phía nam, đông nam TP rùng rùng chuyển động. Từ năm 1993, ông Dưỡng, ông S.Ting và lãnh đạo TP lại lao vào những công trình lớn hơn: Mở đại lộ Nguyễn Văn Linh (khi ấy gọi là đường Bình Thuận), xây khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, vạch hướng xây cụm cảng Soài Rạp, Khu công nghiệp - dân cư Hiệp Phước…
Bây giờ khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng ngày càng tráng lệ với đại lộ Nguyễn Văn Linh hiện đại, xanh tươi làm trục chính; đường Nguyễn Hữu Thọ (trước gọi là đường trục bắc nam TP) vắt ngang, nối Sài Gòn, quận 4 với Khu chế xuất - công nghiệp Tân Thuận rồi chạy thẳng về phía biển là Khu công nghiệp - đô thị - cảng Hiệp Phước…
Nhìn trên bình đồ phát triển đó, ông Dưỡng nói: “Nhanh! Nhanh quá! Tôi và những người bạn từng tham gia “mở đất” cũng không ngờ!”. Ông nói: “Phải biết đau trước những ước mơ của ngay những đứa trẻ để nghĩ ra, hình thành những ý tưởng và gặp được người bạn tốt, cùng quyết tâm thì sẽ thành!”.
Vùng sình lầy Nhà Bè xưa.
Ông Lawrence S.Ting, Thủ tướng Võ Văn Kiệt và ông Phan Chánh Dưỡng (từ trái qua) trong một lần thị sát tiến độ xây dựng đại lộ Nguyễn Văn Linh và khu đô thị Phú Mỹ Hưng. (Ảnh tư liệu)
Đại lộ Nguyễn Văn Linh, xương sống của khu đô thị Phú Mỹ Hưng ngày nay. Ảnh: hữu luận
Đông-Tây: Đại lộ của lòng dân
Ông Triệu Diệu Thịnh (phường 13, quận 5), người đã gắn bó lâu đời ở bến Hàm Tử và là một trong gần 10.000 hộ dân bị giải tỏa một phần diện tích nhà hoặc giải tỏa trắng để làm dự án nhớ lại: “Khi chưa làm con đường Võ Văn Kiệt (tên hiện nay của đại lộ Đông-Tây), người dân sống hai bên bến Hàm Tử, Trần Văn Kiểu và dọc kênh Tàu Hủ phải ở trong những căn nhà lụp xụp, tạm bợ, ô nhiễm… Giờ đường xong, kênh sạch, điều kiện sống của chúng tôi đã tốt hơn rất nhiều”.
Những năm 1990, các đoạn đường trên với chữ “bến” ở trước chưa nối thông thành trục mà bị cắt thành từng đoạn, từng khúc bởi những xóm ổ chuột với nhà sàn lụp xụp xìa ra bờ rạch Bến Nghé và kênh Tàu Hủ. Những xóm nhà nhếch nhác này nằm kẹp giữa một bên là bờ kênh rạch hôi thối, một bên là những đoạn đường (bến) lầy lội như là vệt nhức nhối của TP kéo dài từ khu chợ cầu Mống - cầu Muối lên tới tận cầu sắt chữ U trong Chợ Lớn…
Trước tình hình đó, lãnh đạo TP.HCM và những người làm giao thông đã nghĩ đến việc nối thông ba tuyến đường - bến ấy với tên dự án trục đường Bến Chương Dương - Hàm Tử - Trần Văn Kiểu. Ông Lê Toàn, nguyên Phó Giám đốc Sở GTVT, nguyên Giám đốc Ban Quản lý dự án Đông-Tây và môi trường nước TP.HCM, nhớ lại: Dự án đã thành hình hài nhưng hàng loạt câu hỏi vẫn luôn đeo đẳng là: Tuyến đường bắt đầu và kết thúc ở đâu, lấy đâu ra tiền để làm trong khi TP còn khó, đất nước còn nghèo; thông đường rồi còn hai con kênh rạch đen với hơn 10.000 hộ dân ở ven sẽ ra sao, đi đâu…?
Năm 1995, đất nước mở cửa, từ trên chỉ đạo xuống cho ngành giao thông: Các anh phải chủ động quy hoạch giao thông TP có tuyến trục đông-tây, trục bắc-nam và các tuyến vòng, vành đai… để khi có đối tác nước ngoài vào thì TP đã “có cái” mà “nói chuyện” với người ta.
Liền sau đó, tuyến trục Bến Chương Dương - Hàm Tử - Trần Văn Kiểu được nâng lên thành trục đại lộ Đông-Tây (trục bắc-nam được xác định là đường Cách Mạng Tháng Tám hiện hữu kéo qua quận 4, Nhà Bè bằng đường Nguyễn Hữu Thọ hiện nay) với chiều dài không chỉ là 13,4 km (từ cầu Calmette ra đến quốc lộ 1 ở An Lạc, Bình Chánh) mà kéo dài lên 22 km, băng qua sông Sài Gòn để sang quận 2 rồi nối vào xa lộ Hà Nội ở Cát Lái để thành một phần của vành đai 1…
Năm 1997, những người bạn Nhật đến và lấy đại lộ Đông-Tây làm tiền dự án để cùng TP nghiên cứu thành dự án khả thi. Ngày 5-7-2000 là ngày vui của ngành giao thông và TP khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 622 phê duyệt dự án đầu tư xây dựng đại lộ Đông-Tây.
Với ông Lê Toàn, nguyên Phó Giám đốc Sở GTVT, nguyên Trưởng ban Quản lý dự án Đông-Tây và môi trường nước TP, các bước chuyển từ đường trục đến đại lộ Đông-Tây không chỉ mang lại con đường xuyên tâm cho TP mà trên hết con đường ấy đã đi vào lòng dân để TP ngày càng phát triển.
Những cột mốc của đại lộ Đông-Tây - 1990-2000 dự án tuyến trục bến Chương Dương - Hàm Tử - Trần Văn Kiểu được nâng lên thành trục đại lộ Đông-Tây. - Ngày 31-1-2005 khởi công. - Ngày 2-9-2009 thông xe giai đoạn 1 (đoạn bờ Tây sông Sài Gòn, dài 13,4 km); thông xe toàn tuyến vào ngày 20-11-2011, cùng ngày thông xe hầm Thủ Thiêm. - Ngày 29-4-2011, đoạn bờ Tây của đại lộ chính thức gắn tên biển đại lộ Võ Văn Kiệt; đoạn thuộc địa bàn quận 2 được gắn tên đại lộ Mai Chí Thọ. Dự án có chiều dài toàn tuyến 21,89 km, đi qua địa bàn các quận 1, 2, 4, 5, 6, 8, Bình Tân và huyện Bình Chánh, tạo thành một tuyến trục giao thông Đông-Tây, kết nối hai đầu đông bắc-tây nam TP. Một giá trị lớn khác của đại lộ Đông-Tây là cải tạo môi trường ven kênh, tạo vẻ mỹ quan TP. Những nhà chòi ổ chuột của 10.000 hộ ở hai bên kênh Tàu Hủ - Bến Nghé được thay bằng những công viên cây xanh, công trình công cộng. Cạnh đó là dự án nhà máy xử lý nước và chống ngập cho 3.000 ha nội thành. |