Điều cấp thiết phải làm để đối phó nguy cơ từ biến thể Omicron

Từ khi được phát hiện lần đầu ở Nam Phi và Botswana tuần trước, biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 bắt đầu lây lan mạnh với ca nhiễm liên tục được ghi nhận trên khắp thế giới. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo và gấp rút họp điều tra về biến thể này.

Thêm hàng loạt nước phát hiện biến thể Omicron

Theo hãng tin Reuters, hiện đã có ít nhất 13 nước, vùng lãnh thổ phát hiện ca nhiễm biến thể Omicron; nổi bật có Nam Phi, Botswana, Hong Kong, Bỉ, Đức, Ý, Israel và Anh. Ngày 28-11, thêm nhiều nước thông báo có bệnh nhân nhiễm biến thể Omicron là Hà Lan, Đan Mạch, Úc. Ông Hugo de Jonge, Bộ trưởng Y tế Hà Lan, nói các ca lẻ tẻ hiện tại có thể chỉ là “phần nổi của tảng băng”.

Hầu hết các nước, vùng lãnh thổ nói trên sau khi phát hiện ca nhiễm biến thể Omicron đều có phản ứng chung là kích hoạt báo động và hạn chế các hoạt động xuất - nhập cảnh từ các nước có ca nhiễm khác, nhất là các nước từ khu vực nam châu Phi - vốn là điểm khởi phát của biến thể.

Nhân viên y tế xét nghiệm COVID-19 cho người dân ở TP Strasbourg, Pháp ngày 25-11. Ảnh: AP

43 là số đột biến trong biến thể Omicron, theo nghiên cứu mới đây của một nhóm chuyên gia Ý - GS Carlo Federico Perno và GS Claudia Alteri. Con số này nhiều hơn con số 32 đột biến mà các chuyên gia khác đánh giá mấy ngày trước và nhiều hơn gấp đôi so với số đột biến của biến thể Delta (17). 

Về phía Mỹ, dù chưa phát hiện ca nhiễm biến thể Omicron song TS Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm Mỹ, cảnh báo nước này nên chuẩn bị kịch bản biến thể Omicron xâm nhập và làm trầm trọng hơn làn sóng dịch đang diễn ra vì mùa đông đã về.

“Giới lãnh đạo Mỹ cần phải sẵn sàng cho tình huống xấu. Hiện vẫn còn quá sớm để có thể khẳng định liệu việc tái áp đặt các biện pháp phong tỏa có mang lại hiệu quả hay không. Tuy nhiên, việc tăng tỉ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho dân cũng như tiêm liều tăng cường có thể giúp giảm thiểu tác động của làn sóng dịch mới, với điều kiện là phải hành động nhanh chóng” - ông Fauci nói trên đài ABC ngày 28-11.

WHO: Các nước cần củng cố hệ thống y tế

Theo thông tin từ South China Morning Post, chiều 29-11, WHO công bố văn bản đánh giá tóm tắt kỹ thuật về biến thể Omicron. Theo WHO, biến thể Omicron có số đột biến cao “chưa có tiền lệ” trong chuỗi gai protein và một số đột biến trong đó có thể tác động đến đường đi của đại dịch COVID-19, vì thế rủi ro tổng thể với toàn cầu là “rất cao”.

Hiện vẫn còn hàng loạt câu hỏi chưa được trả lời chính xác: Liệu so với các biến thể trước thì biến thể Omicron có khả năng lây lan nhanh hơn hay không, có khả năng né tránh các loại vaccine hiện tại hay không, hay có thể khiến người bị nhiễm bị nặng hơn hay không? Các diễn biến ban đầu giám sát được ở Nam Phi cho thấy biến thể Omicron có mức độ lây lan nhanh hơn biến thể Delta.

WHO cho biết hiện nhiều nhà nghiên cứu đã có mặt ở Nam Phi cũng như nhiều nước khác để nghiên cứu, đánh giá các đặc điểm này của biến thể Omicron. Các đặc điểm này sẽ quyết định “liệu sẽ có một đợt bùng phát COVID-19 nữa do biến thể Omicron và dẫn tới hậu quả có thể nghiêm trọng hay không” và “dữ liệu dự kiến sẽ có trong vài tuần tới”.

Tuy nhiên, WHO cũng khuyến cáo rằng một khi dịch bùng phát lại và tăng ca nhiễm thì bất kể có sự thay đổi về mức độ nghiêm trọng mà biến thể Omicron gây ra hay không, nhiều khả năng hệ thống y tế các nước cũng sẽ quá tải và có thể dẫn đến gia tăng tỉ lệ tử vong.

Vì thế, WHO kêu gọi các nước tăng cường hệ thống giám sát dịch và củng cố hệ thống y tế để đối phó với nguy cơ bùng phát. WHO kêu gọi cộng đồng quốc tế sẵn sàng ứng phó với biến thể mới, đẩy nhanh việc tiêm vaccine cho các nhóm thuộc diện ưu tiên cao và bảo đảm triển khai các kế hoạch đối phó để duy trì các dịch vụ y tế thiết yếu. WHO cũng yêu cầu các chính phủ chia sẻ thông tin liên quan đến biến thể Omicron cho nhau càng nhiều càng tốt.

Theo WHO, hiện tại, các biện pháp phòng dịch chuẩn như đeo khẩu trang, thực hiện giãn cách, rửa tay vẫn rất quan trọng và có thể cần phải được siết chặt hơn nữa để đối phó với biến thể Omicron.

Đông Nam Á cần hết sức cảnh giác

Theo TS Poonam Khetrapal Singh, Giám đốc WHO khu vực Đông Nam Á, các nước trong khu vực này cần phải hết sức cảnh giác trước sự lây lan của biến thể Omicron dù chưa có ca nhiễm biến thể mới ở đây, kênh Channel News Asiađưa tin.

Vấn đề của Đông Nam Á nằm ở chỗ tỉ lệ tiêm chủng còn thấp. Tính đến nay, mới có 31% dân số khu vực Đông Nam Á được tiêm vaccine ngừa COVID-19 đầy đủ và 21% dân số được tiêm một mũi, như vậy còn gần 48% dân số - tương ứng khoảng 1 tỉ người chưa được tiêm chủng. Do đó, bà kêu gọi người dân khu vực Đông Nam Á tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa cẩn trọng để tránh bị nhiễm bệnh và lây nhiễm sang người khác.

“Các nước Đông Nam Á cần đánh giá nguy cơ xâm nhập của biến thể mới qua du khách quốc tế để có các biện pháp ứng phó kịp thời. Giới chức y tế song song đó cũng cần phải tăng cường giám sát, liên tục giải trình tự gen các ca nhiễm mới hằng ngày và tiếp tục các biện pháp phòng chống đại dịch toàn diện, phù hợp để ngăn ngừa biến thể xâm nhập và lây lan” - bà Khetrapal Singh đề nghị. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới