Điều chỉnh đề xuất liên quan cấp bằng lái xe sau khi bị 'tuýt còi'

(PLO)- Cục Đường bộ đề xuất bổ sung quy định hình thức đào tạo và sát hạch lái xe cho đồng bào dân tộc thiểu số không biết đọc, viết tiếng Việt…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cục Đường bộ vừa trình Bộ GTVT dự thảo sửa thông tư 12/2017 của Bộ GTVT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ. Trong đó, cơ quan soạn thảo đề xuất sửa quy định liên quan đến điều kiện học bằng lái xe của đồng bào dân tộc thiểu số, từng bị Cục Kiểm văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) “tuýt còi”.

Sửa quy định trái luật

Cụ thể, quy định hiện hành yêu cầu đồng bào dân tộc thiểu số không biết đọc, viết tiếng Việt sẽ phải thực hiện thủ tục xác nhận “là người đồng bào dân tộc thiểu số không biết đọc, viết tiếng Việt” tại UBND cấp xã nơi cư trú khi làm hồ sơ học lái xe máy hạng A1, A4.

Tuy nhiên, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cho rằng luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật nêu rõ, việc quy định thủ tục hành chính trong thông tư của của bộ trưởng là hành vi bị nghiêm cấm, trừ trường hợp được luật hoặc nghị quyết của Quốc hội giao.

Thêm vào đó, Luật Giao thông đường bộ chỉ giao Bộ trưởng Bộ GTVT quy định hình thức, nội dung, chương trình đào tạo lái xe, chứ không giao quy định về thủ tục hành chính trong hoạt động này.

Ngoài ra, hình thức đào tạo lái xe là nội dung được Luật Giao thông đường bộ giao cho Bộ trưởng Bộ GTVT quy định chi tiết. Mà theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan được giao ban hành văn bản quy định chi tiết không được ủy quyền tiếp. Vì thế, việc ủy quyền cho địa phương là chưa phù hợp với quy định pháp luật.

Học viên thực hiện bài kiểm tra trong hình tại sân tập lái. Ảnh: V.LONG
Học viên thực hiện bài kiểm tra trong hình tại sân tập lái. Ảnh: V.LONG

Vì vậy trong lần sửa này, Cục Đường bộ đề xuất bãi bỏ quy định “Giấy xác nhận người đồng bào dân tộc thiểu số không biết đọc, viết tiếng Việt”, để phù hợp thẩm quyền của Bộ GTVT.

Song song đó, cơ quan soạn thảo đề xuất bổ sung quy định xác nhận người dân tộc không biết đọc, viết tiếng Việt theo hướng: "căn cứ báo cáo đăng ký sát hạch cho đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số không biết đọc, viết tiếng Việt do cơ sở đào tạo đề nghị, Sở GTVT có trách nhiệm gửi văn bản đến UBND xã nơi người dự sát hạch thường trú, xác minh trình độ văn hóa, để đảm bảo sát hạch, cấp GPLX cho đúng đối tượng thụ hưởng chính sách".

Thí sinh phải trả phí cho người phiên dịch

Một điểm đáng chú ý trong lần sửa này là việc Cục Đường bộ bổ sung quy định hình thức đào tạo và sát hạch lái xe cho đồng bào dân tộc thiểu số không biết đọc, viết tiếng Việt, thay vì giao cho địa phương quy định như hiện hành.

Theo đó, lớp học cho đồng bào dân tộc thiểu số không biết đọc, viết tiếng Việt phải giảng dạy riêng và có người phiên dịch; tổ chức sát hạch riêng. Sát hạch lý thuyết bằng hình thức hỏi – đáp, sử dụng phương pháp trắc nghiệm trên giấy, thời gian thi là 30 phút…

Các cơ sở đào tạo thực hiện nội dung sát hạch thông qua người phiên dịch, người phiên dịch phải dịch đúng, đủ câu hỏi của sát hạch viên và câu trả lời của thí sinh; thí sinh có trách nhiệm chi trả thù lao cho người phiên dịch.

Theo Cục Đường bộ, đề xuất trên xuất phát từ thực tiễn nhiều người đồng bào dân tộc thiểu số mặc dù không được đào tạo về pháp luật giao thông đường bộ, không sát hạch và không được cấp bằng lái, nhưng hàng ngày vẫn điều khiển phương tiện để làm ăn, sinh sống. Đây là một trong những nguyên nhân tiềm ẩn gây ra tai nạn giao thông rất lớn, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự.

Thêm vào đó, cử tri các tỉnh miền núi đề nghị xem xét quy định hình thức đào tạo đặc thù cho các đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số không biết đọc, viết tiếng Việt; Luật Giao thông đường bộ giao trách nhiệm cho Bộ trưởng giao thông nhiệm vụ trên. Vì vậy, việc quy định hình thức đào tạo, sát hạch đặc thù, để cấp giấy phép lái xe cho đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số không biết đọc, viết tiếng Việt là cần thiết.

“Quy định này nhằm bổ sung kiến thức về kỹ năng điều khiển phương tiện tham gia giao thông và nắm vững các kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ để tham gia giao thông an toàn, góp phần phòng ngừa tai nạn giao thông…”- Cục Đường bộ lý giải thêm.

Phương thức học đối với người dân tộc không biết tiếng Việt

Dự thảo thông tư sửa đổi thông tư 12 quy định, phương pháp đào tạo lái xe cho đồng bào dân tộc thiểu số không biết đọc, viết tiếng Việt chủ yếu bằng hình ảnh trực quan, tranh vẽ hệ thống biển báo hiệu đường bộ, mô hình, sa hình và kỹ năng xử lý tình huống giao thông đường bộ; hỏi - đáp và thực hành làm mẫu để thực hiện nội dung chương trình đào tạo lái xe.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm